Các nhà lãnh đạo tài chính của Nhóm G7 đã đồng ý về khoản viện trợ mới trị giá 9,5 tỷ USD cho Ukraine vào thứ Sáu (20/5) và hứa sẽ còn cung cấp thêm tiền để duy trì nền kinh tế bị tàn phá của đất nước.

Embed from Getty Images

Các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm G7, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Anh, Đức, Pháp và Ý cho biết hỗ trợ của nhóm cho Ukraine năm 2022 cho đến nay đã là 19,8 tỷ USD, trong đó có 10,3 tỷ đô la đã được hứa hoặc giải ngân trước đó.

Trong khoản tiền viện trợ mới này, Hoa Kỳ sẽ cung cấp 7,5 tỷ USD viện trợ không hoàn lại, Đức 1 tỷ USD viện trợ không hoàn lại và 1 tỷ USD còn lại sẽ được các nước G7 khác chi trả dưới hình thức bảo lãnh và cho vay, Bộ tài chính Đức cho biết.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với Ukraine trong suốt cuộc chiến này và hơn thế nữa và sẵn sàng làm nhiều hơn khi cần thiết”, G7 cho biết trong một thông cáo cuối cuộc họp kéo dài hai ngày bên ngoài thành phố Bonn của Đức.

Ukraine ước tính họ cần khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng để trả lương cho nhân viên và chính quyền hoạt động.

Ngoài viện trợ của G7, Liên minh châu Âu sẽ cung cấp các khoản vay 9 tỷ euro (9,50 tỷ USD) cho Ukraine, và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu và Tập đoàn Tài chính Quốc tế sẽ cung cấp các khoản vay khác với trị giá 3,4 tỷ USD.

G7 cũng kêu gọi hỗ trợ tái thiết và phục hồi lâu dài Ukraine, gọi đây là “nỗ lực chung lớn” cần được phối hợp chặt chẽ.

Ước tính về chi phí tái thiết Ukraine dao động trong khoảng từ 500 tỷ euro đến 2 nghìn tỷ euro, tùy thuộc vào độ dài của cuộc xung đột và phạm vi lẫn mức độ tàn phá.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho hay G7 đã thảo luận về khả năng tịch thu tài sản của Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine, nhưng vẫn chưa có kết luận. Ông nói: “Đó là một lựa chọn vẫn cần phải suy nghĩ kỹ.”

Chiến tranh Ukraine đã buộc các cường quốc phương Tây phải suy nghĩ lại về mối quan hệ hàng thập kỷ với Nga, không chỉ về an ninh mà còn về năng lượng, lương thực và các liên minh cung cấp toàn cầu từ vi mạch đến đất hiếm.

G7 đã thảo luận về các đề xuất nhằm giảm doanh thu của Nga từ việc xuất khẩu năng lượng, chẳng hạn như lệnh cấm vận theo từng giai đoạn do Liên minh châu Âu đề xuất, hay áp thuế nhập khẩu đối với dầu của Nga.

Các nhà hoạch định chính sách G7 cũng thảo luận về sự gia tăng lạm phát toàn cầu do chiến tranh Ukraine, điều này cũng khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc đáng kể.

Thanh Thủy (theo Reuters)