Hôm thứ Tư (21/4) một đặc phái viên về nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, việc quân đội Myanmar đàn áp người biểu tình chống đảo chính đã khiến gần 1/4 triệu người Myanmar phải di tản.

Embed from Getty Images

Chính phủ quân sự Myanmar đã tăng cường việc sử dụng vũ khí sát thương nhằm dập tắt các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2 do quân đội thực hiện để lật đổ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), một tổ chức giám sát địa phương, ít nhất 738 người đã bị giết và 3.300 người đang sống mòn mỏi trong các nhà tù như những tù nhân chính trị.

Hôm thứ Tư (21/4) Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền tại Myanmar Tom Andrews đã viết trên Twitter: “Theo các nguồn tin, thật kinh hoàng khi biết rằng … các cuộc tấn công của quân đội [Myanmar] đã khiến gần một phần tư triệu người Myanmar phải di tản. Thế giới phải hành động ngay lập tức để giải quyết thảm họa nhân đạo này.

Ông Padoh Mann Mann, phát ngôn viên của lữ đoàn 5 thuộc Liên minh Quốc gia Karen, một nhóm nổi dậy hoạt động ở các khu vực biên giới miền núi phía đông Myanmar, cho biết hơn 2.000 người Karen hiện đã vượt biên giới Myanmar sang Thái Lan và hàng nghìn người khác đã phải di tản trong nước.

Ông nói: “Tất cả họ đều đang ẩn náu trong khu rừng gần làng của họ.”

Free Burma Rangers, một nhóm viện trợ Cơ Đốc giáo, ước tính ít nhất 24.000 người tại bang Karen đã phải di tản trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng súng cối và không kích của quân đội Myanmar diễn ra vào đầu tháng này.

Giám đốc David Eubank của Free Burma Rangers nói với AFP: “Mặc dù các cuộc không kích đã dừng lại, nhưng các cuộc tấn công trên bộ vẫn gia tăng.

Ông cho biết nhiều người trong số hàng nghìn người di tản là nông dân trồng lúa tự cấp tự túc và họ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong tương lai nếu họ không thể trở về nhà an toàn để chăm sóc các cánh đồng của họ.

Ông nói: “Chúng ta đang xem xét đến vấn đề không có lương thực trong sáu tháng.” Ông cũng nói thêm rằng một số người di tản đang phải ngủ trong những hang động hoặc dưới các cây chuối.

Ông Eubank cho biết các cuộc không kích diễn ra hàng ngày tại bang Kachin nằm ở phía bắc Myanmar và ít nhất 5.000 người đã phải di tản trong các cuộc giao tranh gần đây.

Những người dân địa phương đang chăm sóc những người di tản tại một số vùng của bang Kachin đang lo lắng về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp lương thực trong thời gian sắp tới.

Ông Brang Shawng, lãnh đạo của một trại dành cho người di tản tại bang Kachin, nói với AFP: “Chúng tôi hiện có 980 người từ 27 ngôi làng. Tại thời điểm này, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc tích trữ lương thực.

Các cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng Myanmar tại Jakarta

Trong bối cảnh bạo lực ngày càng gia tăng tại Myanmar, các lãnh đạo và ngoại trưởng các nước Đông Nam Á sắp tổ chức các cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng Myanmar tại Jakarta, Indonesia vào ngày thứ Bảy (24/4).

Việc tướng Min Aung Hlaing, người lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar, dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh đã khiến các nhà hoạt động và các tổ chức nhân quyền tức giận.

Ông Brad Adams của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “[Tướng] Min Aung Hliang đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế vì vai trò của mình trong các hành động quân sự ác độc cũng như trong việc đàn áp tàn bạo đối với những người biểu tình ủng hộ dân chủ, không nên được hoan nghênh tại một cuộc họp liên chính phủ để giải quyết cuộc khủng hoảng mà chính ông ấy tạo ra.

Tối hôm thứ Ba (20/4), nhà chức trách Myanmar đã thả nhà báo video tự do Ko Latt, vốn đã bị giam giữ một tháng tại thủ đô Naypyidaw.

Theo Reporting ASEAN, ít nhất 70 phóng viên đã bị bắt kể từ cuộc đảo chính và 38 người đang bị giam giữ.

Hôm thứ Tư (21/4) những người biểu tình ủng hộ dân chủ đã mặc áo sơ mi màu xanh trên khắp các thành phố và thị trấn của Myanmar theo một lời kêu gọi thống nhất để yêu cầu trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị. Các tù nhân trong các nhà tù ở Myanmar mặc áo sơ mi xanh.

Một bác sĩ ở Yangon tham gia cuộc biểu tình áo sơ mi xanh nói với AFP: “Tôi muốn tất cả những người bị bắt vì đấu tranh cho sự thật phải được trả tự do.

Hoa Kỳ áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt

Tại Washington, Hôm thứ Tư (21/4) Bộ Tài chính Mỹ đã đưa hai doanh nghiệp gỗ và ngọc trai thuộc sở hữu nhà nước Myanmar vào danh sách trừng phạt. Bộ Tài chính cho biết các doanh nghiệp này được sử dụng để tạo nguồn lực kinh tế cho chế độ quân sự Myanmar.

Đây là các biện pháp trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ trong một loạt các hành động trừng phạt được đưa ra sau khi giới quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính và giết người biểu tình kể từ khi chiếm quyền lực.

Các lệnh trừng phạt áp đặt lên Doanh nghiệp Gỗ Myanmar (Myanmar Timber Enterprise) và Doanh nghiệp Ngọc trai Myanmar (Myanmar Pearl Enterprise) – hai doanh nghiệp chịu trách nhiệm về xuất khẩu gỗ và ngọc trai của nước này – nhằm hạn chế họ tiếp cận hệ thống thương mại và tài chính toàn cầu bằng cách cấm các cá nhân và công ty Mỹ làm ăn với họ.

Ông Andrea Gacki, giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cho biết trong một thông báo: “Hành động hôm nay thể hiện việc Hoa Kỳ cam kết nhắm đến kênh tài trợ cụ thể này và thúc đẩy những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính và bạo lực đang xảy ra phải chịu trách nhiệm giải trình.

Các biện pháp trừng phạt cũng đóng băng tài sản của hai công ty Myanmar tại Hoa Kỳ.

Cơ quan Điều tra Môi trường, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên ghi lại các vụ lạm dụng trong ngành gỗ tại Myanmar và các nơi khác, trong tháng này cho biết rằng chính quyền quân sự Myanmar hiện đang thu lợi từ việc xuất khẩu gỗ tếch thông qua công ty Myanmar Timber Enterprise.

Tổ chức này cho biết loại gỗ tếch đó đôi khi được xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu u và được sử dụng làm các đồ nội thất sang trọng, cũng như boong tàu của các du thuyền cao cấp.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục nhắm đến các kênh tài trợ cụ thể và thúc đẩy giải trình trách nhiệm về cuộc đảo chính và bạo lực liên quan.

Trước đó, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhắm đến các công ty đá quý Myanmar cũng như các lãnh đạo quân đội đã chiếm quyền trong cuộc đảo chính ngày 1/2.

Gia Huy (T/h)

Xem thêm: