Theo Reuters, Pháp, Ukraine và 3 nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva đã bày tỏ sự thất vọng trước phát biểu của ông Lư Sa Dã (Lu Shaye) – Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, trước câu hỏi về chủ quyền của các quốc gia đã độc lập trước sự tan rã của Liên Xô cũ, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh phản hồi về vấn đề này. 80 nghị sĩ châu Âu cũng yêu cầu Chính phủ Pháp trục xuất ông Lư Sa Dã.

Lu Shaye 1
Gần 80 nghị sĩ châu Âu đã phát thư ngỏ yêu cầu chính phủ Pháp trục xuất ông Lư Sa Dã (Lu Shaye), đại sứ Trung Quốc tại Pháp. (Ảnh chụp màn hình video)

Vài ngày trước, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, ông Lư Sa Dã (Lu Shaye), đã lỡ lời trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với truyền thông Pháp. Ông Lư nói rằng cuộc đàn áp của Mao Trạch Đông trong Cách mạng Văn hóa là “tin đồn thất thiệt”, và phủ nhận tư cách chủ quyền của 14 nước cộng hòa độc lập thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Ukraine, khiến dư luận quốc tế kinh ngạc.

Ngày 21/4, trong một chương trình phỏng vấn trên kênh truyền hình Pháp, khi được hỏi liệu ông có nghĩ Crimea thuộc về Ukraine hay không, ông Lư Sa Dã cho biết Crimea từng là một phần của Nga, sau đó được cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tặng cho Ukraine.

Ông tuyên bố thêm rằng vì không có thỏa thuận quốc tế xác định tình trạng chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ này, nên họ không có tư cách pháp lý quốc tế trên thực tế.

Về vấn đề này, Chính phủ Pháp đã trả lời vào ngày 22/4 rằng Pháp sẽ hỗ trợ đầy đủ cho các nước đồng minh bị ảnh hưởng, và khẳng định nền độc lập của họ sau nhiều thập kỷ bị áp bức.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp chỉ ra rằng cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc, đã công nhận vị thế quốc tế của Ukraine ngay từ năm 1991, gồm cả biên giới trong đó có Crimea. Người phát ngôn cũng yêu cầu Trung Quốc làm rõ liệu nhận xét của ông Lư Sa Dã có đại diện cho lập trường của Bắc Kinh hay không.

AFP đưa tin, vào ngày 23/4, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu Josep Borrell đã đăng trên Twitter rằng những nhận xét của ông Lư Sa Dã, khi được hỏi về chủ quyền của các quốc gia độc lập sau khi Liên Xô tan rã, là không thể chấp nhận được. “EU chỉ có thể cho rằng những nhận xét này không đại diện cho chính sách chính thức của Trung Quốc.”

(Nội dung tweet: “Những nhận xét không thể chấp nhận được của Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, khi được hỏi về chủ quyền của các quốc gia đã độc lập trước sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991.

EU chỉ có thể cho rằng những tuyên bố này không đại diện cho chính sách chính thức của Trung Quốc.”)

Trước việc ông Lư Sa Dã phủ nhận tư cách chủ quyền của 14 quốc gia Đông Âu độc lập, gần 80 nghị sĩ châu Âu đã gửi thư tới Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, kêu gọi Pháp không nên làm ngơ trước “cuộc tấn công vô liêm sỉ” này, và nhanh chóng tuyên bố ông Lư Sa Dã là “người không được chào đón”. Điều này tương đương với việc yêu cầu các cơ quan chức năng ban hành lệnh trục xuất.

Gần 80 nghị sĩ quốc hội đã chỉ ra trong tuyên bố trên rằng ngoài việc cấu thành sự xúc phạm nghiêm trọng đến lịch sử, văn hóa và sự toàn vẹn cơ bản của các quốc gia liên quan, nhận xét của vị đại sứ này còn cố gắng làm suy yếu các nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho các mối quan hệ ngoại giao.

Dù là Trung Quốc và bất kỳ quốc gia nào khác đều không có quyền chất vấn về chủ quyền của các quốc gia khác. Chủ quyền không phải là một món đồ chơi ngoại giao, mà là một yếu tố thiết yếu của quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế và “Hiến chương Liên Hợp Quốc”.

Ngày 24/4, RFI đặt câu hỏi liệu ông Lư Sa Dã có nhận được chỉ thị từ cấp cao nhất ở Trung Quốc không? Nếu không, làm sao ông ấy lại dám kiêu ngạo như vậy? Liệu các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, và ngay cả Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình có biết chuyện này, và phản hồi không? Tác hại do ông Lư Sa Dã gây ra là vô cùng to lớn.

Ông Tập Cận Bình đã đến thăm Nga sau lưỡng hội năm nay, để cho thế giới bên ngoài thấy mối quan hệ thân thiết của mình với Tổng thống Nga Putin. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không công khai thừa nhận rằng Crimea, mà Nga chiếm đóng năm 2014, thuộc về Nga.

Ông Lư Sa Dã đã châm ngòi cho ngọn lửa chiến tranh lan đến Trung Nam Hải của Bắc Kinh. Bắc Kinh chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. Ông Lư đã làm mất lòng rất nhiều quốc gia, gây tổn hại nghiêm trọng.

Ngoài ra, khi các nhà báo Pháp đề cập đến tội ác tàn sát hàng triệu người Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông, thậm chí hãm hại cả gia đình ông Tập Cận Bình, ông Lư Sa Dã đã gọi đó là “tin đồn thất thiệt” để né tránh, thậm chí biện hộ rằng nhân quyền ở phương Tây còn tệ hơn.

RFI cho rằng điều này đã động chạm đến nguồn lực tinh thần của ông Tập Cận Bình. Nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng ông Tập đã cố gắng hết sức đứng cùng hàng với Mao Trạch Đông. Về tinh thần và cách diễn đạt ngôn ngữ, ông Tập đã thấm nhuần phong cách Mao.

Hàng loạt biện pháp mà ông Tập áp dụng khi lên nắm quyền, như vừa thắt chặt đối nội, và ngày càng trở nên cứng rắn trong đối ngoại, vứt bỏ chính sách che giấu thực lực chờ thời, rõ ràng là một bước thụt lùi quay trở lại thời đại Mao Trạch Đông.

Bản tin của RFI cũng chỉ ra rằng ông Bruno Tertrais, học giả của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp, nhận xét rằng người dẫn chương trình luôn bình tĩnh và tươi cười, điều này đã khiến Đại sứ Trung Quốc hoàn toàn suy sụp: “Nếu tôi là Chính quyền Bắc Kinh, tôi sẽ để ông ấy về nước ngay lập tức trên chuyến bay tiếp theo.”

Về phần liệu ông Lư Sa Dã có chung số phận bị ghẻ lạnh như “Chiến lang số 1” Triệu Lập Kiên hay không, nhà bình luận các vấn đề thời sự Tô Văn Dần phân tích rằng “tâm thái chiến lang” của ĐCSTQ xét về tổng thể nhất quán với việc ra quyết sách của ông Tập Cận Bình.

Sau khi lên nắm quyền, ông Tập đã tấn công thế giới bên ngoài, gây thù chuốc oán tứ bề. Việc áp dụng chính sách đối ngoại sói chiến cho thấy ông Tập đã hiểu sai nghiêm trọng về tình hình quốc tế.

Với tư cách là cơ quan ngôn luận đối ngoại của ĐCSTQ hay ông Tập Cận Bình, các nhà ngoại giao ĐCSTQ đã sử dụng những luận điệu hiếu chiến để thể hiện uy lực quốc gia của họ. Nhưng bất ổn ngoại giao do ông Lư Sa Dã gây ra lần này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh quốc tế của ĐCSTQ.

Đồng thời, thái độ của cộng đồng quốc tế đối với ĐCSTQ sẽ ngày càng trở nên cứng rắn hơn. Dư luận dự đoán rằng có thể không lâu nữa ông Lư Sa Dã sẽ bị thuyên chuyển khỏi Pháp, hoặc bị giáng xuống tuyến hai vì “những lý do khác”.

Bình Minh (t/h)