Chỉ trong tuần qua, số lượng người dân phàn nàn về những cơn tức ngực, thở khò khè nghiêm trọng và đau đầu đã tăng gấp đôi, theo các bệnh viện địa phương, CNA đưa tin.

cong an do o nhiem khong khi
New Delhi, Ấn Độ chìm trong sương khói. (Ảnh: Saurav022/Shutterstock)

Mỗi mùa đông, một lớp sương khói dày đặc bao phủ thủ đô New Delhi của Ấn Độ.

Trong tuần qua, số lượng người dân phàn nàn về những cơn tức ngực, thở khò khè nghiêm trọng và đau đầu đã tăng gấp đôi, theo các bệnh viện địa phương.

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi phải hành động mạnh hơn nữa để giải quyết ô nhiễm ở Ấn Độ, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới.

Các quốc đảo nhỏ tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đang diễn ra đã kêu gọi các nền kinh tế gây ô nhiễm nặng như Ấn Độ và Trung Quốc đóng góp nhiều hơn vào quỹ đền bù khí hậu để giúp các nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu tái thiết.

Để giải quyết tình trạng khói mù độc hại ở New Delhi và các khu vực lân cận, một số biện pháp khẩn cấp đã được đưa ra.

Ô tô gây ô nhiễm sẽ không được chạy trên đường, trong khi hệ thống giao thông công cộng đã được tăng cường với thêm 500 xe buýt chạy trên các tuyến đường của Delhi.

Theo CNA, khói thải giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến làn khói bẩn tràn ngập bầu trời.

Súng chống khói cũng đang được sử dụng. Các hoạt động xây dựng và phá dỡ tư nhân bị cấm.

Tuy nhiên, các nhà phê bình chỉ ra rằng tất cả các biện pháp này chỉ được công bố khi mọi thứ đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

Họ cũng lập luận rằng chính phủ đang tiêu tiền của người đóng thuế vào những công nghệ không có hiệu quả.

Ví dụ, hai “tháp khói” cao 25m, được trang bị quạt công nghiệp và tốn hàng triệu đô la để xây dựng, đã được khánh thành ở thủ đô năm ngoái. Ý tưởng là những chiếc quạt lớn sẽ hút không khí ô nhiễm và làm sạch nó trong bán kính 1km.

Chính phủ tuyên bố, một nghiên cứu sơ bộ đã phát hiện ra rằng ở khu vực lân cận, có tới 80% không khí được lọc sạch.

Nhưng người dân Delhi không chắc liệu những đổi mới như vậy có hiệu quả hay không.

Một người dân tên là Ravina Singh nói với CNA: “Tôi không có vấn đề gì nếu họ tiêu tiền của chúng tôi vào những thứ này, nhưng tôi không cảm thấy có sự khác biệt nào cả.”

Một cư dân khác là Arvind Rawat nói: “Chính phủ nên tăng cường hệ thống giao thông công cộng. Điều này chẳng giúp ích gì cho chúng tôi cả”.

Các chuyên gia cho biết việc cấm đốt than và sinh khối là cấp thiết hơn. Họ nói thêm rằng các chính quyền khu vực trên khắp miền bắc Ấn Độ nên thực thi nghiêm ngặt lệnh cấm đốt rơm rạ.

Nhật Minh (theo CNA)