Luis Haza là một nghệ sĩ vilolin hàng đầu thế giới. Câu chuyện cuộc đời của ông đã được Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump vinh danh trong bài phát biểu tại Little Havana, hôm 16/6. Đối với ông Trump, với người Mỹ gốc Cuba và nhiều người dân Cuba yêu tự do, Luis Haza thực sự là một hình mẫu về khát vọng và nỗ lực tìm kiếm tự do – một nhân chứng sống về “Giấc mơ Mỹ” thực tế và nhân văn.

Tháng 1/1959, cha của Luis Haza, ông Bonifacio Haza bị cưỡng chế tới một cánh đồng cỏ đen tối và bị hành quyết cùng 70 tử tù khác. Nhân vật giám sát quá trình hành quyết này là em út của Fidel Castro, ông Raul Castro – hiện tại đang là đương kim Chủ tịch của chế độ Havana.

Embed from Getty Images

Nghệ sĩ violin Luis Haza bắt tay Tổng thống Donald Trump tại Little Havana hôm 16/6

Những người cộng sản Cuba đã trải qua 58 năm cầm quyền tại đảo quốc Caribbean. Fidel Castro đã qua đời và hiện tại ông Raul Castro đang kế nhiệm anh tiếp tục đứng trên cương vị lãnh đạo tối cao của chính quyền Havana. Mặc dù người em út nhà Castro đã có những bước đi cải cách kinh tế Cuba, nhưng những câu chuyện như của Bonifacio Haza cho thấy rõ rằng Raul Castro sẽ vẫn không bao giờ được những người đào tị Cuba, phần đông đang sinh sống tại Little Havana, Hoa Kỳ coi là hợp pháp.

Ngược dòng thời gian về gần 6 thập kỷ trước, cậu bé Luis Haza lúc đó lên 8 tuổi khi Fidel Castro giành chiến thắng trong cuộc chiến lật đổ nhà độc tài  Fulgencio Batista vào tháng 1/1959. Mặc dù, ông Bonifacio Haza, cha của Luis Haza là cảnh sát trưởng dân sự của thành phố Santiago dưới thời Batista, nhưng ông không ủng hộ nhà độc tài này – ông tin rằng Fidel Castro sẽ đem đến Cuba các cuộc bầu cử tự do.

Trên tạp chí The Sum ấn bản tháng 1/2007, ông Luis kể lại rằng: “Cha của tôi nghĩ rằng cuộc cách mạng đó là vì dân chủ. Fidel Castro đã phản bội cha tôi và toàn bộ cuộc cách mạng”.

Sau khi cha bị hành quyết cùng 70 tử tù khác, Luis Haza bị tẩy chay ở trường học. Nhưng tài năng âm nhạc thiên phú đã cho Luis một cơ hội hiếm có để xóa mờ đi cái gọi là “lý lịch đen” của lịch sử gia đình mình và trở thành một hình mẫu nổi tiếng toàn quốc về cuộc cách mạng Castro. Luis Haza bắt đầu học chơi violin năm 9 tuổi và sớm được các giáo viên và nhạc sĩ coi là thần đồng âm nhạc. Không lâu sau đó, tài năng của Luis đã được chính phủ Castro để mắt tới.

Năm 12 tuổi, Luis Haza được mời làm nhạc trưởng của một dàn nhạc chuyên nghiệp với toàn nhạc sĩ có nhiều kinh nghiệm. Chính phủ Cuba bắt đầu trả lương cho Luis hàng tháng và cử cậu bé đi lưu diễn khắp đất nước. Ông Haza hồi tưởng rằng: “Tổ chức quyền lực ấy muốn xem tôi có thể ‘tích hợp’ vào hệ thống hay không. Nếu họ hòa nhập thành công một người con của tử tù bị hành quyết vào chế độ, đó sẽ làm một hình mẫu cho tất cả thế hệ trẻ Cuba”.

Một năm sau, chính quyền đề nghị trao cho Luis Haza học bổng âm nhạc tại Đông Âu; nơi thậm chí khả năng Luis sẽ được theo học nghệ sĩ violon vĩ đại David Oistrakh. Đó là một cơ hội có lẽ sẽ đóng đinh vị trị của Haza như một người tôn sùng đất nước Cuba-Castro. Nhưng Luis đã từ chối, ông đã trả lời một quan chức cao cấp rằng: “Không. Tuy nhiên nếu các chú  gửi cháu sang Hoa Kỳ, cháu sẽ đi”.

Ông Haza kể rằng: “Giấc mơ của mình là được đến nước Mỹ vì tự do. Chúng tôi biết rằng ở Cuba, rốt cuộc chúng tôi rồi sẽ chết, cũng giống như chúng tôi đã được chứng kiến những người hàng xóm đã chết hoặc mất tích bất thường. Điều hàng ngày chúng tôi nói đến, một chủ đề hàng ngày là: Tự do ở nước Mỹ, phải tới được Hoa Kỳ”.

Đối với Luis Haza, nước Mỹ đã trở thành biểu tượng của tự do và hy vọng, một phần cũng vì đó là kẻ thù số 1 của chế độ Castro. Ông Haza nói: “Tất cả những gì Castro làm là nói xấu người Mỹ.  Đế quốc Mỹ thế này, đế quốc Mỹ thế kia. Sau đó chúng tôi sẽ nghe đài Tiếng nói Hoa Kỳ và nghe được sự thật”.

Nhưng chính phủ cộng sản ấy đã không từ bỏ ý định “tích hợp” Haza vào chế độ. Nỗ lực tiếp theo của chính quyền là tổ chức một sự kiện được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia, trong đó ông Haza sẽ phải biểu diễn solo cho Raul Castro. Mặc dù Haza vẫn tham gia tập luyện chuẩn bị cho chương trình, nhưng đến ngày biểu diễn ông đã từ chối chơi đàn.

Vài ngày sau đó, Haza bị trừng phạt tại một buổi tập của dàn nhạc. Một toán lính chĩa súng vào Haza và một người đàn ông trong số quân lính đó hét lên: “Cậu bé! Chơi bài gì đi!”. Cả phòng im lặng. Hoảng sợ, Haza lấy đàn violin của mình và bắt đầu chơi. Nhưng điều đáng chú ý rằng những gì Haza chơi khiến mọi người, thậm chí chính bản thân Haza phải ngạc nhiên.

Ông Haza nhớ lại vừa nói vừa làm động tác như đang chơi đàn: “ba ba bam bam bam bammm! Tôi đã chơi bài quốc ca Hoa Kỳ – ‘Lá cờ sao lấp lánh’. Toàn bộ bài nhạc đó!…Tôi biểu diễn xong và không ai biết phải làm gì”.

Tuy nhiên, sau khoảnh khắc đó, Luis Haza đã hiểu rằng những ngày tháng của mình tại Cuba sẽ chẳng còn được bao lâu.

May mắn thay, một trong những người chú của Haza là một quan chức cao cấp trong chính phủ. Vợ của chú là bạn của những người thân của Fidel Castro. Bà của Haza đã nói chuyện với người phụ nữ ấy nhờ giúp đỡ. Sau đó, Haza cùng mẹ mình và các anh em được lên máy bay cùng với một phái đoàn cộng sản tới Châu Âu.

Gia đình của Haza đã tới thủ đô Madrid, Tây Ban Nha và họ đã sống ở đó 6 tháng trước khi nhận được sự chấp thuận nhập cư vào Hoa Kỳ.

Luis Haza chính thức đặt chân tới nước Mỹ vào ngày 3/11/1964 – đúng vào ngày bầu cử Hoa Kỳ. Đó cũng là ngày sinh nhật tròn 18 tuổi của anh trai cả của Haza. Tại sân bay, Haza đã nhớ rằng mẹ đã nói với anh trai rằng, “Mẹ xin lỗi con vì không có quà tặng con”. Anh trai của Haza đáp lại: “Mẹ ơi, con đã có một món quà tuyệt vời nhất rồi. Hôm nay, con đã có tự do”.

Những ngày tháng sau đó, cậu bé 14 tuổi Luis Haza bắt đầu chơi violin tại các nhà hàng để kiếm tiền. Chẳng lâu sau, một nhà thờ địa phương đã tìm cho Haza một thầy giáo dạy violin tại Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia. Kể từ đó, Haza đã được gửi đến học tại Viện Peabody tại Đại học Johns Hopkins và Học viện âm nhạc Curtis uy tín ở Philadelphia.

Luis Haza đã trở thành nghệ sĩ violin hàng đầu của nước Mỹ và thế giới. Ông đã có hơn 20 năm làm giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc Thanh niên Hoa Kỳ (Youth Philharmonic – AYP), Ông đã từng chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Hoa Kỳ, Dàn nhạc Giao hưởng London, và các Dàn nhạc quốc gia ở El Salvador, Panama và Guatemala.

Luis Haza cũng đã cống hiến cả đời mình để tôn vinh những tư tưởng mà ông tin cha của mình đã hy vinh vì nó. Các dự án vận động của ông bao gồm chương trình hoà nhạc “Celebration of Freedom” tại Trung tâm John F. Kennedy ở Washington, nơi ông đã điều phối một buổi gala cho nhà hoạt động nhân quyền Cuba, ông Armando Valladares. Ông cũng dẫn đầu AYP trong chương trình “Spirit of Freedom” tại Carnegie Hall sau vụ tấn công khủng bố tại New York ngày 11/9/2001.

Giống như nhiều người Mỹ gốc Cuba, ông Haza theo dõi chặt chẽ sự phát triển ở quê hương của mình, hy vọng rằng Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh vì tự do của nhân dân Cuba khi đối mặt với vị lãnh đạo đời thứ 2 của chế độ Cuba, ông Raul Castro.

Ông Haza nói: “Tôi đang tận hưởng cuộc sống, và tôi hét lên vì hạnh phúc, vì lối sống Mỹ. Tôi rất tự hào là người Mỹ. Sự quản lý của Mỹ là vô song. Không có nước nào trên hành tinh này có những gì mà Hoa Kỳ có. Tài nguyên lớn nhất của đất nước này là người dân của mình. Đó là sự quản lý nguyên sơ, đó là tinh thần Mỹ”.

Câu chuyện về cậu bé Cuba, về người nhập cư Mỹ, về nghệ sĩ tài năng Luis Haza và về giấc mơ Mỹ đã được Tổng thống Donald Trump vinh danh trong bài phát biểu của ông tại Little Havana, Miami hôm 16/6, bài phát biểu tôn vinh tự do và cam kết nước Mỹ sẽ luôn sát cách vì tự do của người dân Cuba.

Tại Little Havana, Tổng thống Trump đã nói rằng: “Hoa Kỳ sẽ luôn luôn đứng về phía tự do và Hoa Kỳ sẽ luôn luôn cầu nguyện và chúc mừng tự do cho nhân dân Cuba”.

Nghệ sĩ violin Luis Haza cũng đã có mặt tại Little Havana vào hôm 16/6 đó và ông đã được Tổng thống Trump mời chơi nhạc, bản nhạc mà Luis biểu diễn cho cộng đồng người Mỹ gốc Cuba lại là “Lá cơ sao lấp lánh” – quốc ca Hoa Kỳ. Bản nhạc ấy đã chấp cánh cho người con của kẻ tử tù chế độ cộng sản Cuba nuôi dưỡng giấc mơ tự do Mỹ và cuối cùng cậu bé ấy đã có tự do, đã hoàn thành giấc mơ Mỹ cho riêng mình. Nhưng Luis Haza và nhiều người Mỹ gốc Cuba khác vẫn đang mơ một giấc mơ lớn hơn – giấc mơ tự do cho toàn thể nhân dân Cuba.

Tân Bình

Xem thêm: