Sau khi kết thúc Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), giới quan sát bên ngoài phổ biến cho rằng thách thức trong quan hệ Mỹ-Trung sẽ gia tăng hơn nữa. Có nhận định “quan hệ Mỹ – Trung có thể chuyển từ cạnh tranh sang đối đầu”.

Nicholas Burns va Tan Cuong
Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương đã không được lãnh đạo các bên tiếp đón kể từ khi họ nhậm chức, cho thấy quan hệ Mỹ-Trung đang rất có vấn đề. (Nguồn ảnh: Bộ Ngoại giao ĐCSTQ – Ralph Alswang/Flickr)

Tần Cương chưa từng được gặp Biden

Với tư cách là Đại sứ tại Mỹ, người tiền nhiệm của ông Tần Cương là ông Thôi Thiên Khải vào năm 2013 sau khi đến Mỹ vào ngày 2/4 thì đến ngày 15/4 đã có cuộc gặp Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama để trình quốc thư.

Người tiền nhiệm của ông Thôi Thiên Khải là ông Trương Nghiệp Toại đến Mỹ vào ngày 14/3/2010 thì cũng ngay 29/3 năm đó đã ghé Phòng Bầu dục của Nhà Trắng để trình quốc thư tới Tổng thống Obama.

So với những lần bổ nhiệm đại sứ ngoại giao khác của ĐCSTQ, chỉ một ngày sau khi đến Washington để nhận chức vụ (vào ngày 28/7/2021) thì ông Tần Cương đã nộp bản sao quốc thư cho Ban Lễ tân Chính phủ Mỹ, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể chính thức đệ trình lên Tổng thống Biden.

Trong khi đó cuộc gặp của ông Tần Cương với Ngoại trưởng Blinken cũng diễn ra kín kẽ. Truyền thông Mỹ gần đây đưa tin, phần lớn thời gian sau khi ông Tần Cương nhậm chức đến nay đã không được chính quyền Tổng thống Biden quan tâm.

Dù Nhà Trắng đã phản hồi không áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với các tương tác của ông Tần Cương. Ông Tần cũng được gặp qua các quan chức Mỹ gồm Đại diện Thương mại Katherine Chi Tai, Ngoại trưởng Blinken, Bộ trưởng Nông nghiệp Vilsack… nhưng hoạt động đã không công khai.

Về việc ông Tần Cương bị chính quyền Tổng thống Biden làm ngơ, giáo sư Chien-Kai Chen, khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Rhodes nói với Epoch Times hôm 4/11: “Tất cả những động thái ngoại giao đều là kết quả của cân nhắc kỹ lưỡng, do đó sẽ không quá lời khi diễn giải đó là vì vấn đề lao dốc trong quan hệ Mỹ-Trung”. Ông nhận định quan hệ Mỹ-Trung đến giai đoạn này đã ở mức rất tệ sau khi trải qua hàng loạt xung đột như cuộc chiến thương mại, vấn đề bùng nổ COVID-19, vấn đề tài sản trí tuệ công nghệ của Mỹ…

Ông Nicholas Burns chưa từng được gặp ông Tập Cận Bình

Về phía ĐCSTQ, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung như vậy, Đại sứ Nicholas Burns của Mỹ tại Trung Quốc cũng có trải nghiệm tương tự. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 3 năm nay, ông Burns đã không gặp lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình và Chủ nhiệm Văn phòng Ngoại giao Dương Khiết Trì, phải đến ngày 28/10, Ngoại trưởng Vương Nghị mới chấp nhận tiếp ông Burns.

Trái với những người tiền nhiệm, vào ngày 27/6/2017 Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc khi đó là ông Branstad nhậm chức thì đến ngày 12/7, ông Branstad đã trình quốc thư cho ông Tập Cận Bình tại Đại lễ đường ở Bắc Kinh.

Trước đó, 2 người tiền nhiệm của ông Branstad cũng chỉ sau khi nhậm chức một tuần đã nộp quốc thư cho nhà lãnh đạo của ĐCSTQ.

Giáo sư danh dự tại Viện Nghiên cứu Đông Á – Đại học Chính trị Đài Loan, ông Shuh-Fan Ding nói với Epoch Times hôm 3/11 rằng: “Khi ông Branstad nhậm chức thì quan hệ Mỹ-Trung không tệ lắm, gần cả năm sau khi ông rời nhiệm sở thì Mỹ gần như không có đại sứ tại Trung Quốc: Một phần do quá trình bổ nhiệm đại sứ của Mỹ không thể nhanh, phần khác do mối quan hệ Mỹ – Trung chuyển biến xấu, ngoài ra thì chức đại sứ là chức khổ cực nên có sự xuất hiện của ông Burns”.

Không khí cuộc nói chuyện giữa ông Burns và ông Vương Nghị không được tốt. Tài khoản Twitter chính thức của Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc đã chuyển tiếp cuộc gặp giữa hai ông chỉ để nói rằng “hai người đã thảo luận về mối quan hệ Mỹ-Trung một cách toàn diện”.

Quan hệ Mỹ – Trung có thể chuyển sang đối đầu

Theo Đài VOA Mỹ, ông Evan Medeiros từng là cố vấn về Trung Quốc và Đài Loan cho Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời chính quyền Obama, gần đây đã nói với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Washington trong một cuộc hội thảo về Đại hội 20 của ĐCSTQ và quan hệ Mỹ – Trung, rằng bắt đầu từ cuối nhiệm kỳ thứ hai thời Tổng thống Obama thì chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đã chuyển từ “giúp Trung Quốc hội nhập vào trật tự quốc tế sang kiềm chế”.

Ông Medeiros cho rằng điều này không có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc không thể cùng tồn tại, chỉ là vấn đề rất khó hòa giải. “Họ yêu cầu chúng tôi tôn trọng lợi ích cốt lõi của họ cùng các vấn đề Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương… là những điều rất, rất khó”, ông nói.

Giáo sư Shuh-Fan Ding cho rằng ngày càng có nhiều người nhận ra, trong tương lai mối quan hệ cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ có nhiều khó khăn về mọi mặt. Đặc biệt trong thời ông Tập Cận Bình, tình hình kiểm soát nội bộ Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm ngặt hơn, bao gồm cả vấn đề Hồng Kông và nhân quyền ở Tân Cương. “Có thể nhìn thấy trong ánh mắt người Đài Loan tâm lý cực độ chán ghét ĐCSTQ, Đài Loan là một điểm mâu thuẫn trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, vấn đề sẽ tiếp tục trong tương lai”, ông Shuh-Fan Ding nói.

Cùng quan điểm, giáo sư Đài Loan Chien-Kai Chen cho hay, nhìn từ động thái vào tháng 10, Mỹ đã công bố phiên bản mới của “Chiến lược An ninh Quốc gia”, coi Trung Quốc (ĐCSTQ) là đối thủ chiến lược lớn nhất của Mỹ, đảo ngược chiến lược tiếp xúc Mỹ-Trung (US-China strategic engagement) lâu nay; dù cũng giữ nguyên không gian hợp tác với Trung Quốc về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và các bệnh truyền nhiễm. Ông Chen cho rằng cạnh tranh đã trở thành trạng thái thường trong quan hệ Mỹ-Trung.

“Khi các vấn đề xung đột tiếp tục như: thương mại, vấn đề Đài Loan, chiến tranh Ukraine-Nga, vấn đề công nghệ… thì ngày càng nhiều nhà quan sát bi quan cho rằng mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã lao dốc trong tương lai có thể sẽ từ cạnh tranh chuyển sang đối đầu”, giáo sư Chien-Kai Chen nhấn mạnh.