Ngày 27/1 vừa qua, tờ Health Europa đăng tải cuộc phỏng vấn với giáo sư Wendy Rogers, người được trao tặng Giải thưởng Y đức của Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia (NHMRC), được tờ The Australian có lượng lưu hành lớn nhất nước Úc bình chọn là người dẫn đầu trong lĩnh vực Đạo đức y khoa (Bioethics) của Úc vào tháng 10/2019, được tạp chí Nature vinh danh là một trong 10 nhà khoa học có đóng ghóp quan trọng, và là một trong các gương mặt Y khoa của năm 2019 do tạp chí Medscape bình chọn. Từng lên tiếng mạnh mẽ về tội ác thu hoạch tạng, là tác giả của nghiên cứu kêu gọi cộng đồng y học ghép tạng thế giới tẩy chay 400 bài báo khoa học tới từ Trung Quốc, bà Wendy Rogers đã chia sẻ hiểu biết của mình về nguồn nội tạng phi đạo đức của ngành công nghiệp cấy ghép tạng tại quốc gia này.

Dưới đây là bản dịch phần phỏng vấn. Bản gốc xem tại đây.

Đừng ngủ quên trước tội ác thu hoạch tạng
Giáo sư Wendy Rogers, một trong những người khởi xướng việc tẩy chay nghiên cứu ghép tạng tại Trung Quốc. (Ảnh: Chris Stacey, Đại học Macquarie)
  • Bà có thể cho biết tình hình cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc hiện nay được không?

Theo hiểu biết của tôi, Trung Quốc hiện vẫn đang thực hiện lượng lớn những ca cấy ghép tạng, con số thực tế khác rất xa với con số chính thức được đưa ra, và nguồn gốc phần lớn nội tạng là từ các tù nhân lương tâm.

Rất nhiều trong số đó là người tập Pháp Luân Công vẫn đang bị giam giữ; nhưng dựa trên bằng chứng mà một số phụ nữ từng bị giam giữ trong các nhà tù Duy Ngô Nhĩ gần đây cho biết, gần như chắc chắn rằng những người Duy Ngô Nhĩ cũng bị thu hoạch nội tạng.

  • Điều gì khiến bà bắt đầu quan tâm tới việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc?

Tôi xem bộ phim “Hard to Believe” (Tạm dịch: Điều khó tin) [một bộ phim tài liệu được sản xuất năm 2016 điều tra về cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc] của hai đạo diễn Kay Rubacek và Ken Stone. Bộ phim trình bày một điều bí ẩn: tất cả các ca cấy ghép này đang xảy ra tại Trung Quốc, tất cả những nội tạng ở Trung Quốc từ đâu mà có? Đó là một phim rất hấp dẫn, và khi xem nó, tôi đã nghĩ: Chúa ơi! Tôi chưa từng hiểu về bản chất của những cáo buộc về một thực tế đang diễn ra ở Trung Quốc.

Vì vậy tôi đã mua một cuốn sách của [nhà điều tra độc lập] Ethan Gutmann [có tên là The Slaughter (Tạm dịch: Đại thảm sát)], và một cuốn sách của David Matas và David Kilgour xuất bản năm 2006 [có tên là Bloody Harvest (Tạm dịch: Thu hoạch đẫm máu)] để đọc.

Càng đọc tôi càng thấy có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đang thực sự diễn ra, và chính quyền Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy ngành công nghiệp của họ là có đạo đức cả.

Tôi nghĩ rằng có sự khác biệt về khái niệm “diệt chủng” theo “Công ước của Liên Hiệp quốc về phòng ngừa và Trừng phạt tội ác Diệt chủng” với cách hiểu của mọi người. Việc người tập Pháp Luân Công bị đàn áp kể từ năm 1999 cho thấy rõ quyết tâm tiêu diệt Pháp Luân Công; và những ai không chịu từ bỏ tín ngưỡng này sẽ bị giết hại. Tôi nghĩ đó là mục đích chính lúc đầu của cuộc đàn áp, nhưng rồi chính quyền bắt đầu nhận ra giá trị của nội tạng bên trong các tù nhân này.

Nếu chúng ta nói về vấn đề “diệt chủng”, thì chúng ta nói về ý đồ xóa sổ một nhóm nạn nhân. Tôi nghĩ rằng đối với chính quyền Trung Quốc, ý đồ đó là có tồn tại, bởi vì họ đã lập nên Phòng 610, một cơ quan an ninh mật của chính phủ, chuyên để dập tắt Pháp Luân Công, bao gồm cả việc giết hại những người tập nếu cần thiết.

Đó là chính sách bao quát để đưa ra các hành động đàn áp đối với người tập Pháp Luân Công. Tuy nhiên nếu xét đến việc giết hại cụ thể từng cá nhân, thì những người trực tiếp thực thi công việc giết hại này không nhất thiết mong muốn tiêu diệt Pháp Luân Công. Họ muốn kiếm tiền từ nội tạng của những tù nhân đó. Tôi không rõ khái niệm pháp lý của “diệt chủng” có thể bao hàm cả hai phương diện “tiêu diệt nhóm nạn nhân” và “động cơ giết từng cá nhân” hay không.

  • Bà từng giúp đưa ra các hướng dẫn của Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe quốc gia về hiến tặng nội tạng và mô. Những người nhận tạng đã lách luật quốc tế và các quy chuẩn về đạo đức như thế nào? Bà có nghĩ rằng các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép ý thức được điều đang diễn ra không?

Hội đồng Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia chỉ có quyền tài phán ở Úc, vì vậy các quy chuẩn về đạo đức chỉ áp dụng cho việc hiến tạng của những người đang ở Úc vào thời điểm họ hiến; và ghép tạng cho người đang ở Úc vào thời điểm họ được cấy ghép.

Những hướng dẫn này không thể bao quát những sự việc xảy ra ở bên ngoài nước Úc. Nhưng theo những bằng chứng chưa được xác thực, theo những bài báo trên các phương tiện truyền thông, và theo các bác sĩ phẫu thuật đã liên lạc với tôi, thì những bệnh nhân tại Úc đang ra nước ngoài để ghép tạng. Một báo cáo xuất bản vào tháng 10 năm 2019 chỉ ra rằng có hơn 2 phần 3 trong số 540 bác sĩ được khảo sát đã đi ra nước ngoài để hỗ trợ bệnh nhân của họ cấy ghép tạng ít nhất là một lần.

  • Các bác sĩ thực hiện việc chăm sóc hậu phẫu khi bệnh nhân quay trở về Úc có bao giờ đặt câu hỏi về nguồn gốc của nội tạng không?

Cá nhân tôi có biết một bác sĩ không hài lòng sau khi một bệnh nhân quay trở về Úc. Cô cảm thấy rằng bệnh nhân này đã liên lạc với đường dây buôn bán nội tạng để nhận được tạng ghép. Người bác sĩ này đã rút lui và giao lại bệnh nhân cho người khác.

Về mặt đạo đức nghề nghiệp, người hành nghề y khó có thể ngừng chăm sóc cho bệnh nhân, bất kể bệnh nhân đó đã làm gì. Nên ngay cả khi bệnh nhân của bạn trở về sau khi được ghép tạng trong đường dây buôn bán tạng, hay tệ hơn là ghép tạng từ một người bị giết để lấy tạng, thì họ vẫn là bệnh nhân của bạn. Họ vẫn cần chăm sóc y tế. Vì vậy các bác sĩ sẽ nói rằng: “Không phải việc của chúng tôi, chúng tôi không phải cảnh sát. Chúng tôi chẳng thể can thiệp vào việc người ta đi đâu để ghép tạng, chúng tôi chỉ đơn giản là chăm sóc bệnh nhân mà thôi.”

  • Các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép, ở chừng mực nào đó, phải biết rằng tạng họ đang sử dụng là phi đạo đức. Liệu họ chỉ biết rằng nguồn gốc tạng là đáng ngờ, hay họ biết chính xác nguồn tạng đó ở đâu và lựa chọn cách nhắm mắt làm ngơ?

Tội ác bị bình thường hóa. Những cuộc trấn áp tàn bạo đối với người ập Pháp Luân Công, và giờ là người Duy Ngô Nhĩ, đã xảy ra. Những nạn nhân này không được xem là con người, họ bị xem là kẻ thù quốc gia. Suy nghĩ của các bác sĩ phẫu thuật là: Đây là điều tốt nhất đã có thể xảy ra, rằng ít nhất những nạn nhân đó sẽ có ích, bởi nội tạng của họ sẽ được dùng cho những bệnh nhân khác. Vì vậy các bác sĩ phẫu thuật biết nguồn tạng này đến từ đâu nhưng họ không nghĩ việc đó là sai trái.

  • Những bệnh nhân nước ngoài đang đến Trung Quốc để ghép tạng, họ có biết nguồn tạng lấy từ đâu không thưa bà?

Tôi nghĩ một số người biết. Trong một bài báo tại Úc vài năm trước, có một bệnh nhân đã nói rằng: “Tôi sẽ đến Trung Quốc, họ đang chuẩn bị xử bắn người sẽ hiến tạng cho tôi tuần tới.” Cô ta biết rõ điều gì đang xảy ra nhưng cô ấy bị thuyết phục rằng người hiến tạng là một kẻ giết người hàng loạt hoặc đại loại như vậy, vì vậy nên những người đó đáng bị xử chết.

Tôi không biết liệu các bệnh nhân ấy có hiểu rằng người vô tội đang bị giết hại hay không. Nhưng theo những phỏng vấn trong cuốn sách [Thu hoạch đẫm máu] của Matas và Kilgour, các bệnh nhân sẽ cảm thấy rằng việc ghép tạng tại Trung Quốc được thực hiện lén lút. Tôi không nghĩ rằng họ cảm thấy đó là việc đúng đắn, hoặc cảm thấy họ đang làm điều đúng đắn.

  • Bà có một bài báo khoa học trên tạp chí BMJ (British Medical Journal, một trong những tạp chí y khoa lâu đời nhất thế giới tại Anh quốc), chỉ trích cộng đồng cấy ghép quốc tế không kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc của các nội tạng được sử dụng trong cấy ghép tạng tại Trung Quốc. Bà có nghĩ rằng các báo cáo học thuật điều tra rộng hơn sẽ giúp ngăn chặn vấn nạn này?

Tôi nghĩ vậy. Trong bài báo đó, chúng tôi đã liệt kê ra 445 nghiên cứu khoa học tới từ Trung Quốc mà chúng tôi cảm thấy nên bị rút lại; và tôi mới phát hiện ra rằng PLOS ONE, một tạp chí y học lớn, đã rút lại 5 bài báo mà chúng tôi đã nêu ra. Tôi thực sự hài lòng về điều đó. [Kể từ cuộc phỏng vấn tới nay, PLOS ONE và tạp chí Transplantation đã rút lại tổng cộng 27 nghiên cứu khoa học tới từ Trung Quốc].

Cộng đồng cấy ghép đã “ngủ quên” trước vấn đề này và không xem xét kỹ lưỡng các nghiên cứu khoa học được công bố. Vấn đề là một số tác giả của nghiên cứu khoa học tới từ Trung Quốc đã dối trá. Chúng tôi đã chỉ ra được. Các tác giả này viết trong nghiên cứu rằng nghiên cứu không sử dụng nội tạng từ tù nhân. Nhưng các nghiên cứu đó lại được viết vào thời điểm Trung Quốc không có hệ thống hiến tạng tự nguyện. Vì vậy rõ ràng là họ đã nói dối.

Nói chung thông thường, các tạp chí đều tin rằng các nhà khoa học trung thực, vì vậy khi tác giả viết trong bài báo khoa học rằng nội tạng đến từ các tình nguyện viên, thì những người xét duyệt và phản biện sẽ không kiểm tra phương diện này nữa và sẽ không biết được rằng các bài báo khoa học đó không dựa trên nền tảng đạo đức y khoa.

  • Bà nghĩ các tạp chí khoa học có thể làm gì để cải thiện tình hình?

Họ nên nhận thức nhiều hơn về việc thu hoạch nội tạng đang diễn ra tại Trung Quốc và sẵn sàng đòi hỏi tác giả của nghiên cứu khoa học phải chứng minh rằng nghiên cứu của họ là phù hợp đạo đức y khoa. Đối với các nghiên cứu đã bị rút nói trên, các tạp chí khoa học đều liên hệ với tác giả và các tác giả này đã không trả lời hay phản đối việc gỡ bỏ nghiên cứu của họ. Khi các tạp chí khoa học gây sức ép, tác giả của các nghiên cứu tới từ Trung Quốc không thể cung cấp bằng chứng, nên việc từ chối các bài báo khoa học trở nên dễ dàng.

  • Bà có muốn nói thêm với độc giả điều gì không?

Tội ác này thật sự rất kinh khủng và khó tiếp nhận. Người ta sẽ nói thật khó tin là nó có thể xảy ra. Nhưng các độc giả cần đối diện với nó một cách cởi mở và đọc thêm tài liệu. Có rất nhiều tài liệu trên trang web của Tòa án [độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại] Trung Quốc; có rất nhiều tài liệu trên trang web của Tổ chức Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép tạng tại Trung Quốc ETAC; có rất nhiều tài liệu trên trang web của tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức DAFOH.

Nếu độc giả thực sự tìm hiểu các tài liệu đó, họ có thể hiểu điều gì đang thực sự diễn ra, và họ cần biết rằng đến Trung Quốc ghép tạng là không hề đúng đắn bởi vì rất có thể một ai đó sẽ bị giết để bệnh nhân có được nội tạng. Vì thế họ nhất thiết không nên đến Trung Quốc ghép tạng.

Theo HealthEuropa
Minh Nhật biên dịch