Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, Tổng thống Mỹ Biden và Ngoại trưởng Blinken đã ra tuyên bố và có bài phát biểu bày tỏ quan ngại về tình trạng tự do báo chí ở Trung Quốc, nhiều dân biểu Mỹ cũng lên án hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp giới truyền thông.

50909235606 e7fa464e51 k
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Freddie Everett/ Nhà Trắng)

Chính quyền Biden lo lắng về tình trạng tự do báo chí ở Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong một tuyên bố hôm thứ Ba: “Tự do báo chí không phải là kẻ thù của người dân, trái lại khi truyền thông lên tiếng vì công chính chứ không phải để kích động hay giải trí, nghĩa là họ là bên bảo vệ sự thật”.

Theo Đài VOA Mỹ đưa tin, Tổng thống Biden nói rằng các nhà báo thường bị giết hại, bỏ tù, đe dọa, sách nhiễu, cưỡng hiếp… trong khi họ đưa tin về các cuộc chiến tranh, vạch trần nạn tham nhũng hủ bại, ghi lại những thiệt hại về môi trường, nâng cao tầm nhìn của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, lên tiếng cho cộng đồng và buộc những người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt là trong cuộc chiến Nga – Ukraine đã có ít nhất 11 phóng viên bị hại chết, còn chính phủ Putin đã thông qua luật mới để bịt miệng các nhà báo.

Trong tuyên bố, ông nhấn mạnh rằng các chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân đều đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tự do báo chí. Ông nói: “Nhìn chung, chúng ta có thể và phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ và duy trì các phương tiện truyền thông độc lập, quy trách nhiệm cho những kẻ tìm cách bịt miệng những tiếng nói quan trọng đối với nền quản trị minh bạch, đáng tin cậy”.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng trích dẫn báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) vào ngày hôm đó cho biết, tính đến ngày 1/12/2021 có tổng cộng 293 nhà báo bị bỏ tù trên toàn thế giới, trong đó nước có số lượng nhà báo bị bỏ tù nhiều nhất là Trung Quốc với 50 nhà báo.

Trả lời các câu hỏi về Trung Quốc, ông chỉ ra rằng ĐCSTQ đang tăng cường theo dõi, quấy rối, đe dọa các nhà phê bình; điều đáng lo ngại nữa là họ lợi dụng các nền tảng truyền thông tự do và cởi mở của các xã hội dân chủ để thực hiện các chiến dịch thông tin sai lệch và các hoạt động gây ảnh hưởng: “ĐCSTQ đang lạm dụng công nghệ cho những mưu đồ như tăng cường giám sát, sách nhiễu, đe dọa, kiểm duyệt công dân, nhà báo, nhà hoạt động và những người khác, bao gồm cả ở nước ngoài. Đồng thời, trong bối cảnh chúng ta ở tình thế không cân bằng, lãnh đạo của Bắc Kinh lợi dụng các phương tiện truyền thông tự do và cởi mở của chúng ta để tuyên truyền thông tin sai lệch, vấn đề này không thể để tiếp diễn”.

Nhân Ngày Báo chí Thế giới, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã công bố báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới cho 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Quyền tự do báo chí ở Hồng Kông bị thụt lùi 68 bậc xuống vị trí 148 do ĐCSTQ thực thi luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông; Cuba xếp thứ 143; Việt Nam từ vị trí 175 (năm 2021) lên 174, xếp trước Trung Quốc ở vị trí 175 năm nay; Bắc Hàn xếp cuối bảng tại vị trí 180, là quốc gia tồi tệ nhất về tự do báo chí…

Báo cáo chỉ ra rằng ĐCSTQ đã sử dụng đại dịch này như một lý do để thắt chặt quyền tự do bày tỏ ý kiến ​​của người dân và việc đưa tin trung thực của các phương tiện truyền thông.

Giới lập pháp Mỹ lên án ĐCSTQ gây bất an cho các nhà báo

Cùng ngày, các thành viên của cả hai đảng tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã lần lượt ra nghị quyết, lên án các mối đe dọa đối với các nhà báo từ các nước như Trung Quốc (ĐCSTQ) và tái khẳng định rằng Mỹ cam kết thúc đẩy và bảo vệ tự do báo chí.

Nhiều người khác như Chủ tịch Menendez (Đảng Dân chủ) của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Thượng nghị sĩ kỳ cựu Rubio thuộc Đảng Cộng hòa, cùng đưa ra một nghị quyết “Kỷ niệm Ngày Tự do Báo chí”.

Thượng nghị sĩ Rubio cho biết trước Ủy ban Đối ngoại: “Các nhà cầm quyền độc tài ở các nước như Trung Quốc, Nga, Iran, Cuba và Nicaragua quyết tâm kiểm duyệt bất kỳ tiếng nói nào thách thức họ. Tôi tự hào giới thiệu nghị quyết này như một sự ủng hộ vững chắc cho tự do báo chí trên toàn thế giới”.

Đồng chủ tịch của “Hội Tự do báo chí Quốc hội liên đảng phái” là dân biểu Adam Schiff và Steve Chabot cùng đưa ra nghị quyết của Hạ viện, nghị quyết này còn có 13 dân biểu Dân chủ khác là những người đồng bảo trợ.

Dân biểu Chabot nói trong tuyên bố rằng báo chí tự do và môi trường truyền thông đóng vai trò quan trọng trong cuộc tranh luận sôi nổi của công chúng và việc thúc đẩy trách nhiệm của giới chức chính quyền. Những nguyên tắc được công nhận này là trọng tâm của nền dân chủ. Ông viết: “Khi các chế độ độc tài từ Moscow đến Bắc Kinh tìm cách bịt miệng những người giám sát và biện minh cho tội ác của họ thì Mỹ càng phải tiếp tục thực thi cam kết của mình đối với tự do và độc lập truyền thông trên toàn cầu”.

Trong một báo cáo tháng 12/2021, Tổ chức phóng viên không biên giới (RFS) tuyên bố rằng “hiện nay Trung Quốc là nơi kinh khủng nhất trên thế giới trong việc bắt giam giữ các phóng viên nhà báo”.

Mộc Vệ (t/h)