Bộ trưởng Nội địa Úc Karen Andrews tuyên bố rằng ngôi sao quần vợt người Serbia Novak Djokovic được tự do rời khỏi Úc bất cứ lúc nào. Tay vợt nam số 1 thế giới đang bị cách ly phòng dịch tại một khách sạn ở Melbourne vì chưa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Embed from Getty Images

Djokovic đến Melbourne vào thứ Tư (5/1) để chuẩn bị tham dự giải quần vợt Úc Mở rộng, nhưng anh đã bị Lực lượng Biên giới Úc tạm giữ và hủy thị thực nhập cảnh. Giới chức Úc đã đảo ngược quyết định miễn trừ tiêm vắc-xin mà bang Victoria và Liên đoàn Quần vợt Úc cấp cho ngôi sao người Serbia.

Theo Reuters, Djokovic đang bị giữ tại một phòng riêng ở khách sạn Park tồi tàn, nơi giới chức Úc thường sử dụng để cách ly người nhập cư Afghanistan. Động thái này của Úc đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của chính phủ Serbia và đông đảo cổ động viên của Djokovic.

Các luật sư của Djokovic hiện đang khởi kiện chính phủ Úc ra tòa và dự kiến tòa sẽ xử kiện vào thứ Hai (10/7), một tuần trước khi giải Úc Mở rộng khởi tranh.

Theo RT, trong tuyên bố phát đi hôm 7/1, Bộ trưởng Nội vụ Karen Andrews đã nỗ lực ngăn chặn bất bình và bác bỏ các cáo buộc cho rằng Djokovic đang bị “bắt giữ” tại Úc. Bà tuyên bố rằng ngôi sao quần vợt người Serbia được tự do rời khỏi nước Úc bất kỳ lúc nào.

Mr. Djokovic không phải đang bị bắt giữ tại Úc, anh ta được tự do rời đi bất kỳ lúc nào anh muốn và Lực lượng Biên giới sẽ thực sự tạo điều kiện cho việc đó”, ông Andrews nói. Ông cũng cáo buộc Djokovic đã không có được “giấy tờ cần thiết để vào Úc” do không có bằng chứng tiêm vắc-xin COVID-19.

Trong khi đó, gia đình Djokovic tuyên bố rằng cách giới chức Úc đối xử với nhà vô địch quần vợt chẳng khác gì “giẫm đạp lên người dân Serbia”. Họ cũng cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison là “tài phiệt chính trị”.

Vợ của Djokovic, cô Jelena đã phát đi tuyên bố trên Instagram bày tỏ nỗi buồn khi phải xa chồng vào dịp Giáng sinh Chính thống (Orthodox Christmas) và nói, “thứ luật lệ duy nhất mà tất cả chúng ta nên tôn trọng khắp mọi biên giới là tình yêu và sự tôn trọng dành cho người khác”.

Sự vụ của Djokovic cũng đã khuấy động đến thượng tầng chính quyền Serbia. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 5/1 tuyên bố trên Instagram rằng: “Tôi vừa nói chuyện với Novak Djokovic. Tôi đã nói với Novak của chúng ta rằng toàn bộ người dân Serbia sẽ sát cánh cùng anh và rằng các cơ quan hữu trách của chúng tôi đang làm mọi thứ để kết thúc ngay lập tức hành vi quấy rối đối với vận động viên quần vợt xuất sắc nhất thế giới”.

Phù hợp với tất cả các chuẩn mực của luật quốc tế, Serbia sẽ đấu tranh cho Novak, cho sự thật và công lý. Như tất cả chúng ta biết, Novak là người mạnh mẽ”, Tổng thống Vucic khẳng định.

Nhiều ngôi sao quần vợt cũng đã lên tiếng về sự việc rắc rối của Djokovic tại Úc.

Cựu tay vợt số 1 thế giới và hai lần vô địch Úc Mở rộng Boris Becker cho rằng Djokovic đang “mắc sai lầm lớn” với lập trường phản đối vắc-xin.

Đó là điều sẽ đe dọa đến thời gian còn lại của sự nghiệp của anh ta và đe dọa tới cơ hội để anh có thể đóng đinh bản thân là tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại”, Boris Becker viết trên tờ nhật báo The Daily Mail.

Ngôi sao quần vợt người Tây Ban Nha Rafael Nadal nói với báo giới tại Melbourne rằng ông cảm thấy tiếc cho đối thủ của mình, nhưng cũng nói thêm rằng, “[Djokovic] đã biết về các điều kiện [để được nhập cảnh Úc] từ nhiều tháng trước đây”.

Trong khi đó, tay vợt người Mỹ Tennys Sandgren lại gửi lời ủng hộ đồng nghiệp người Serbia. “Novak, bạn tôi, hãy mạnh mẽ lên. Hy vọng bạn sẽ sớm thoát khỏi chỗ đó”, Sandgren nói với Reuters.

Tay vợt người Úc Nick Kyrgios cho biết anh tin tưởng vào vắc-xin, “nhưng cách chúng ta [nước Úc] đang xử lý tình huống của Novak là tồi tệ, thực sự tồi tệ”.

Như Ngọc