Sau khi Đề xuất số 3316 “Đảm bảo đạo đức hiến tạng” được trình lên quốc hội Pháp vào ngày 15/9/2020, nêu lên quan ngại của 65 nghị sĩ quốc hội Pháp về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hậu thuẫn, truyền thông Pháp đã đưa tin về vấn đề này cũng như về góc nhìn của giới y học Pháp trong việc hợp tác cấy ghép tạng với Trung Quốc.

1 Fr 65 Mdb 20200928
Dự luật do nghị sĩ Quốc hội Pháp Frédérique Dumas (hàng trên, bên trái 1) khởi xướng và đã có 65 nghị sĩ cùng ký vào đề xuất sửa đổi “Đảm bảo đạo đức hiến tạng”. (Ảnh: The Epoch Times)

Mặc dù công dân Pháp và châu Âu chịu quản lý giám sát rất chặt chẽ về vấn đề cấy ghép tạng, nhưng luật pháp tại đây lại tồn tại một lỗ hổng, đó chính là chưa quy định chặt chẽ về vấn đề cấy ghép tạng hoặc hợp tác cấy ghép tạng tại nước ngoài. Nội dung Đề xuất số 3316 được đăng tải trên trang web của Quốc hội Pháp đề nghị sửa đổi quy định về y tế công cộng của Pháp, nhằm giám sát các cá nhân, cơ sở y tế hoặc tổ chức nghiên cứu tại Pháp, buộc họ phải tuân thủ đạo đức của việc ghép tạng trong khi hợp tác với các nước không thuộc Liên minh châu Âu, nhằm tránh vô tình đồng lõa với tội ác.

Đề xuất 3316 chỉ ra vấn đề du lịch cấy ghép nội tạng ở Pháp bắt đầu từ những năm 1980. Theo đó, những người giàu có ở Pháp đã đến một số nước nghèo để mua nội tạng, nghiêm trọng nhất là Trung Quốc, bởi vì tại Trung Quốc, “[ĐCSTQ] thu hoạch nội tạng của các tù nhân lương tâm”. “Tại Trung Quốc ngày nay, đông đảo tù nhân lương tâm là người tập Pháp Luân Công, người theo Phật giáo, người Duy Ngô Nhĩ, và tín đồ Kitô giáo tại gia.”

“Thực trạng ở Trung Quốc là thời gian chờ để được cấy ghép tạng ngắn ngủi tới mức đáng ngạc nhiên, trung bình là 12 ngày. Trong khi ở phương Tây tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức ghép tạng thì trung bình phải mất 3 năm chờ đợi. Thời gian chờ đợi ngắn ngủi ở Trung Quốc tự nó đã đáng lo ngại và cho thấy thực trạng vi phạm mang tính hệ thống đối với nguyên tắc quyền tự do và chấp thuận của người cung cấp tạng.”

Năm 2019, kết quả của một cuộc khảo sát do Cơ quan Y sinh Pháp thực hiện trên 190 trung tâm cấy ghép cho thấy, trong số này có 24 ca cấy ghép được thực hiện ở nước ngoài, và có một người Pháp duy nhất được hưởng lợi từ cấy ghép ở Trung Quốc vào năm 2004. Tuy nhiên vấn đề không chỉ dừng lại ở việc công dân Pháp có sang Trung Quốc để du lịch ghép tạng hay không. Đề xuất 3316 viết: “Trong hai thập kỷ qua, Pháp luôn là một trong những đối tác y tế và khoa học quan trọng của Trung Quốc, vì vậy các bác sĩ cấy ghép tạng của Pháp đã đào tạo chuyên môn cho bác sĩ Trung Quốc nên có thể vô tình trở thành đồng lõa trong vấn nạn mổ cướp nội tạng mà họ không biết.”

Bình luận về vấn đề này, ông Weber, Giám đốc Quan hệ Quốc tế của Nhóm Bệnh viện Công Paris tại Pháp cho biết, vào những năm 2010, dưới sự dẫn dắt của Bộ Y tế Pháp, các tổ chức y tế của Trung Quốc và Pháp đã thành lập quan hệ đối tác để hỗ trợ cải cách y tế Trung Quốc. Hoạt động này do Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc bấy giờ là Trần Trúc đề xuất. Nhưng việc hợp tác này hiện đang rơi vào tình trạng bị đình trệ.

Ông Weber cho biết: “Nhóm bệnh viện Công Paris rất thận trọng về mối quan hệ với Trung Quốc. Kể từ khi thành lập mối quan hệ đối tác vào năm 2013 đến nay, chúng tôi đã quyết định rằng chúng tôi sẽ không bao giờ hợp tác với nhóm Trung Quốc trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng người. Vào năm 2015, ĐCSTQ đã thông qua luật cấm thu hoạch nội tạng từ các tù nhân, nhưng chúng tôi vẫn cảnh giác về vấn đề này. Dù sao đi nữa, các bệnh viện Trung Quốc có thể nói cho chúng tôi biết nhu cầu của họ nhưng chúng tôi không có cách nào xác minh [họ sử dụng sự trợ giúp của chúng tôi vào việc gì]”.

Tờ Le Monde dẫn lời của Joshua Rosenzweig, Phó giám đốc phụ trách khu vực Đông Á và Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết từ lâu ngành cấy ghép nội tạng của Trung Quốc đã luôn tồn tại những vấn đề về tính minh bạch. Trước hết, số liệu tử tù ở Trung Quốc được giữ bí mật, các tổ chức phi chính phủ đã căn cứ vào các tài liệu công khai ước tính rằng mỗi năm Trung Quốc hành quyết khoảng hơn 1.000 người. Hơn nữa, những người tập Pháp Luân Công bị ĐCSTQ đàn áp nhiều năm qua vẫn cáo buộc chính quyền Bắc Kinh thu hoạch nội tạng từ những người bị giam cầm. Ngoài ra, việc đàn áp, giam giữ tập trung và bỏ tù quy mô lớn những người Duy Ngô Nhĩ cũng khiến cho các tổ chức phi chính phủ lo ngại rằng họ sẽ trở thành đối tượng của hoạt động thu hoạch nội tạng. Đã xuất hiện rất nhiều báo cáo, phóng sự từ các nhà điều tra độc lập chứng minh một cách chi tiết cho các cáo buộc nghiêm trọng này.

Đầu tháng 11, ông Bahtiyar Omar, giám đốc dự án Dữ liệu Vận chuyển người Duy Ngô Nhĩ UTJD, đã cung cấp cho đài RFA những hình ảnh vệ tinh từ Google Earth, cho thấy thực trạng đáng lo ngại tại Tân Cương, khi một trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ được xây dựng tại Aksu cùng một lò hỏa thiêu, một khu nghĩa trang, một bãi đậu hàng chục chiếc xe trắng, và gần một sân bay có đường băng ưu tiên dành cho việc vận chuyển nội tạng người. (Xem bài: Tân Cương: Trại tập trung mở rộng từ bệnh viện để thu hoạch nội tạng?)

Từ ngày 17/6/2019, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc tại London đã đưa ra kết luận, xác nhận tội ác thu hoạch nội tạng của chính quyền ĐCSTQ trên quy mô lớn đối với các tù nhân lương tâm, trong đó nạn nhân chủ yếu là người tập Pháp Luân Công và hiện đang lan sang người Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương. Uy tín của tòa án độc lập được đảm bảo bởi 7 thành viên giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó đứng đầu là ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh quốc nổi tiếng từng phụ trách truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic vì tội ác chiến tranh tại Tóa án Hình sự Quốc tế.

Minh Nhật

Xem thêmÚc: Bình chọn giáo sư chống thu hoạch tạng là người dẫn đầu Đạo đức y khoa

Mời xem video: