Trong một chương trình của Fox News ngày 20/8, nhà văn nổi tiếng người Mỹ gốc Hoa là Gordon Chang cho biết, hàng chục năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cung cấp vũ khí và hỗ trợ hậu cần cho Taliban, trong khi các đời Tổng thống Mỹ đã phớt lờ mối quan hệ của Bắc Kinh với tổ chức này, mặc dù chính những vũ khí đó đã được sử dụng để đối phó với Mỹ và NATO.

p2991991a594061097
Ông Gordon Chang là luật sư, nhà văn, nhà phê bình truyền hình và Tiến sĩ Luật tại Đại học Cornell (Nguồn: Gage Skidmore / CC BY-SA 2.0).

Ông Gordon Chang cho biết trong những ngày gần đây, Đại sứ quán ĐCSTQ tại Kabul vẫn mở cửa, minh chứng Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận với Taliban trong giai đoạn Chính phủ Afghanistan sụp đổ nhanh chóng.

Tại thành phố Thiên Tân của Trung Quốc vào ngày 28/7, các nhân vật cấp cao của tổ chức khủng bố này mà đứng đầu là nhân vật chóp bu sáng lập tổ chức Abdul Ghani Baradar đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng Bắc Kinh sẽ sớm công nhận Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.

Ông Gordon Chang cho biết, mối quan hệ giữa ĐCSTQ và Taliban có thể bắt nguồn từ trước ngày 11/9. Theo một quan chức tình báo Mỹ giấu tên nói với Washington Times rằng trong hai năm trước khi xảy ra vụ khủng bố 11/9, công ty Huawei Technologies và ZTE (còn được gọi là ZTE) của ĐCSTQ đã luôn làm việc trên hệ thống viễn thông ở Kabul.

Trước những cáo buộc, ngày 18/9/2001 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Chu Bang Tạo (Zhu Bangzao) đã phản bác, “Trung Quốc không có quan hệ chính thức với Taliban dưới bất kỳ hình thức nào”. Ông Chu nói rằng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Taliban là ở “mức độ công việc”, qua đó cho biết các thông tin cáo buộc Trung Quốc xây dựng mạng lưới viễn thông và các đập nước cho Taliban là “tin đồn vô căn cứ”.

Về vấn đề này, ông Gordon Chang chỉ ra rằng nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là Huawei có mối quan hệ sâu sắc với Taliban. Vào tháng 12/2001, Thời báo Kỹ thuật Điện tử (Electronic Engineering Times) đưa tin rằng các quan chức tình báo Ấn Độ tin rằng công ty Huawei Ấn Độ đã cung cấp thiết bị giám sát thông tin liên lạc cho Taliban ở Afghanistan. Nhưng Huawei đã phủ nhận cáo buộc này, còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết những cáo buộc này là “sai lệch”.

Tuy nhiên, nguồn tin của hãng tin BBC của Anh và nhiều nguồn tin khác cho biết, ngay sau ngày 11/9, ĐCSTQ đã cung cấp cho Taliban các bộ phận cho tên lửa đất đối không, pháo phòng không, mìn, súng chống tăng bazooka, lựu đạn, súng bắn tỉa cỡ nòng lớn và hàng triệu viên đạn. Một số vũ khí này đã được vận chuyển trực tiếp từ các nhà máy ở Trung Quốc. Đặc biệt đáng quan tâm là tên lửa phòng không vác vai HN-5 của Trung Quốc. Tóm lại, ĐCSTQ là nhà cung cấp chính cho Taliban loại vũ khí nhỏ.

Mặc dù một số thiết bị được cung cấp thông qua những kênh trung gian ở Iran và Pakistan, nhưng các nhà chức trách trung ương của ĐCSTQ phải biết, vì những vũ khí này được sản xuất trong các nhà máy của nhà nước Trung Quốc. Khi đó cũng như hiện nay, ĐCSTQ vẫn thực hiện giám sát gần như toàn diện.

Ông Gordon Chang lên án những kẻ buôn bán vũ khí của ĐCSTQ, nhưng vấn đề là chính Mỹ và nhiều nước khác lại làm ngơ. Một loạt tổng thống Mỹ, đặc biệt là George W-Bush, đã làm ngơ trước việc ĐCSTQ cung cấp vũ khí cho Taliban và quân nổi dậy Iraq.

Ông tin rằng ĐCSTQ chưa bao giờ có bất kỳ lý do hợp lý nào để cố tình nhìn vấn đề sai hướng. Nhưng các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách của Mỹ không nghĩ như vậy. Hồi đó, Washington hy vọng ĐCSTQ có thể hội nhập vào hệ thống quốc tế, hy vọng rằng đất nước của ĐCSTQ có thể trở thành “bên liên quan có trách nhiệm”, như bài phát biểu nổi tiếng hồi năm 2005 của Thứ trưởng Ngoại giao Robert Zoellick khi đó. Hầu hết các bên đều muốn “xây dựng quan hệ” với Trung Quốc, vì vậy hãy kiên nhẫn.

Ông Gordon Chang nói rằng sau 20 năm ĐCSTQ gây hấn, ác ý và khiêu khích, bức tranh lạc quan này đã biến mất, tinh thần khoan dung đã cạn kiệt không chỉ ở Washington mà còn ở các thủ đô trên khắp thế giới. Giờ đây, không ai có thể làm ngơ trước hành vi nguy hiểm của ĐCSTQ. Nếu một lần nữa Taliban cho phép Afghanistan thành khu vực trú ngụ của khủng bố, thì Washington sẽ không chỉ quy trách nhiệm cho Taliban mà cả đối với các thế lực trợ giúp chính của Taliban, mà ở đây thế lực quan trọng nhất chính là ĐCSTQ.

Thành Dung, Vision Times

Xem thêm: