Trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lấy lòng Taliban của Afghanistan, mối quan hệ của họ với nước láng giềng “xưng huynh gọi đệ” Pakistan, vốn được ĐCSTQ gọi bằng cái tên yêu mến “Pa sắt” (nghĩa là tình bạn Pakistan son sắt), đã thất bại nghiêm trọng. Sự bất mãn, thậm chí phẫn nộ của người dân nước này đối với ĐCSTQ đang lan rộng.

Taliban 3
Taliban tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan. (Ảnh: Chụp màn hình video DW)

Trong tháng Bảy và tháng Tám, 2 vụ đánh bom liều chết liên tiếp ở Pakistan cướp đi sinh mạng của nhiều công dân Trung Quốc, đặt nghi vấn về khả năng tồn tại của “Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan” (CPEC) được biết đến với kế hoạch hào phóng 62 tỷ USD, và là trung tâm của Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (BRI) của ông Tập Cận Bình.

Ông Gordon Chang, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, đã viết một bài trên Newsweek vào ngày 24/8, bình luận về một bài xã luận của cơ quan truyền thông ĐCSTQ Thời báo Hoàn cầu có tựa đề “Những kẻ khủng bố và những kẻ ủng hộ chúng là kẻ thù của Trung Quốc và toàn thế giới”. Ông Gordon Chang tin rằng ĐCSTQ không chỉ có mối quan hệ thù địch với Hoa Kỳ và Ấn Độ, mà tình bạn “thủy chung son sắt” với Pakistan cũng đang tan vỡ.

Thứ Sáu tuần trước (20/8), một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra ở Gwadar, Tây Nam Pakistan. Thủ phạm nhắm vào một chiếc xe chở công dân Trung Quốc, khiến 2 trẻ em thiệt mạng và 3 người bị thương. Quân Giải phóng Balochistan (BLA), một nhóm ly khai cực đoan đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Gwadar nằm ở tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan. Những người Baloch bị đàn áp vốn đã phát động một cuộc nổi dậy lâu dài chống lại Chính phủ Pakistan. Cảng Gwadar được Trung Quốc xây dựng gần Biển Ả Rập. Gần đây, người dân địa phương Baloch đã biểu tình trong nhiều tuần để phản đối việc Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển gần đó. ĐCSTQ đang gặp rắc rối ở đây và khó có thể đảm bảo sự an toàn cho các công nhân Trung Quốc địa phương và gia đình của họ. 

Những xáo trộn ở Gwadar diễn ra sau một vụ đánh bom liều chết vào ngày 14 tháng trước, nhắm vào đập thủy điện Dasu, một dự án khác của CPEC. Vụ nổ đã khiến một chiếc xe buýt lao vào một khe núi, làm 9 công dân Trung Quốc thiệt mạng.

“Gần đây, tình hình an ninh ở Pakistan đã trở nên rất nghiêm trọng.” Đại sứ quán Trung Quốc tại Islamabad cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.

Ông Gordon Chang nói rằng hai vụ tấn công đã gây chấn động Bắc Kinh. Ông trích dẫn lời của ông Andrew Small thuộc Quỹ Marshall của Đức cho biết, ĐCSTQ nhiều tháng lo lắng về tình hình an ninh ở Pakistan, “họ lo ngại rằng Afghanistan có thể được sử dụng như một chiều sâu chiến lược cho Taliban Pakistan, và điều đó sẽ làm tổn hại đến các khoản đầu tư và lợi ích an ninh của họ ở nước này.”

Ông Kamran Bokhari thuộc Viện Chiến lược và Chính sách Newlines nói với Newsweek, sự sụp đổ của Chính phủ Afghanistan đã tiếp thêm sức mạnh cho Tehreek-e-Taliban, thường được gọi là Taliban Pakistan. Tổ chức này hy vọng cũng có thể làm suy yếu chính quyền Pakistan và giúp họ lật đổ chính phủ hiện tại hoặc giành quyền kiểm soát lãnh thổ dọc theo biên giới Afghanistan. Do đó, họ nhắm vào các lợi ích của Trung Quốc để khiến Bắc Kinh từ bỏ các dự án CPEC và rời khỏi đất nước này.

Pakistan cho rằng vụ đánh bom liều chết ngày 14/7 là do Taliban Pakistan gây ra, nhưng tuyên bố rằng những kẻ tấn công được “đào tạo ở Afghanistan” “nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan tình báo Ấn Độ và Afghanistan.”

Thứ Bảy tuần trước (ngày 21/8), tờ Thời báo Hoàn Cầu cũng đã lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc xã luận “Những kẻ khủng bố và những kẻ ủng hộ chúng là kẻ thù của Trung Quốc và toàn thế giới”. Nội dung có đoạn viết: “Một số lực lượng tình báo Mỹ và Ấn Độ muốn xâm nhập vào Pakistan là thù địch với Sáng kiến ‘một vành đai, một con đường’ của Trung Quốc.”

Ông Gordon Chang phân tích, mặc dù bản thân các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng không tin những gì họ nói, nhưng điều này không có nghĩa là họ sẽ không áp dụng lựa chọn công khai (thù địch) chống lại Hoa Kỳ và Ấn Độ. Còn bà Cleo Paskal thuộc Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ (Foundation for Defense of Democracies) nói với Newsweek rằng sử dụng nhãn “kẻ thù” chính là việc ĐCSTQ mượn cớ để tấn công Ấn Độ, đây là thủ đoạn đánh đòn phủ đầu, tức là chúng tôi là nạn nhân, “chúng tôi không có lựa chọn nào khác, ngoài việc xâm nhập/tấn công/trừng phạt bạn vì những gì bạn đã làm với chúng tôi.”

Ông Gordon Chang nói thêm rằng ngoài Ấn Độ, ĐCSTQ cũng mong muốn tiến tới Đài Loan. Thời báo Hoàn cầu đã gợi ý trong một bài xã luận khác rằng ĐCSTQ có thể sử dụng sự hỗn loạn ở Kabul và Washington để xâm lược Đài Loan.

Theo Từ Giản, Epoch Times

Xem thêm: