Ngày 15/2, một nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã giới thiệu một nghị quyết kêu gọi Hoa Kỳ tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022 nếu nó không được chuyển ra khỏi Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra hàng loạt vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Embed from Getty Images

Dân biểu Đảng Cộng hòa Michael Waltz (tiểu bang Florida) đã giới thiệu một nghị quyết thúc giục Ủy ban Olympic Hoa Kỳ đề xuất chuyển địa điểm đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 sang một quốc gia khác. Và nếu đề xuất này bị từ chối, Hoa Kỳ nên rút khỏi Thế vận hội này.

Dân biểu Waltz nói trong một thông báo rằng ĐCSTQ đã “thực hiện một số hành vi cực kỳ tàn ác chỉ trong năm ngoái, khiến họ [Trung Quốc] không đủ tư cách để đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022.” Ông chỉ ra những hành động tàn bạo của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương mà Hoa Kỳ xem là một tội ác diệt chủng, cuộc đàn áp nghiêm trọng của chế độ này tại Hồng Kông, cũng như việc ĐCSTQ che giấu virus corona giai đoạn ban đầu khiến nó lan ra khắp thế giới thành đại dịch toàn cầu đang tàn phá nghiêm trọng các nước. Dựa trên những yếu tố này, nghị quyết khẳng định “thật vô đạo đức, trái với luân thường đạo lý, và sai trái” khi để Trung Quốc đăng cai Thế vận hội. 

Ông Waltz viết trong một bài xã luận trên tờ The Washington Examiner: “Khen thưởng hành vi tồi tệ của những kẻ chuyên quyền chỉ khuyến khích họ [tàn ác hơn]. Không có thời điểm nào tồi tệ hơn [thời điểm tổ chức Thế vận hội] để khen thưởng [nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập cận Bình về những hành vi cực kỳ nguy hiểm và vô nhân đạo của ông ta.”

Động thái này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi trên toàn thế giới yêu cầu chuyển Thế vận hội 2022 ra khỏi Trung Quốc. Một nhóm các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ đã giới thiệu một nghị quyết tương tự vào đầu tháng này, trong khi đó chính phủ Anh và Canada cũng đang phải đối mặt với áp lực từ một số chính trị gia.

Ngày 2/2, một liên minh hơn 180 nhóm, bao gồm Mạng lưới Tây tạng Quốc tế, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, và Tổ chức Đức sát cánh cùng Hồng Kông (Germany Stands with Hong Kong), đã ký một lá thư chung gửi đến các nhà lãnh đạo thế giới, kêu gọi chính phủ các nước tẩy chay Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh 2022.

Bức thư viết: “Bất kỳ điều gì ít hơn [sự tẩy chay] sẽ được coi là một sự ủng hộ cho sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là một sự coi thường trắng trợn đối với nhân quyền và các quyền dân sự.”

Phản ứng trước lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội 2022 tại Bắc Kinh, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 2/2 rằng chính quyền [Mỹ] không có bất kỳ “thay đổi nào trong cách tiếp cận đối với Thế vận hội Bắc Kinh”.

Hồi tháng 7/2015, tại thành phố Almaty, Kazakhstan, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã được chọn là thành phố đăng cai Thế vận hội 2022. Lần trước, khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008, nhiều người đã chỉ trích quyết định của Ủy ban Olympic Quốc tế khi cho phép Trung Quốc đăng cai trong bối cảnh nước này đang vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), trong một thông báo trước đây gửi cho The Epoch Times, nói rằng khi chọn Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội, ủy ban đánh giá của họ đã “xem xét quan điểm của các tổ chức phi chính phủ độc lập về một số vấn đề, bao gồm vấn đề nhân quyền” và [họ] đã nêu lên những quan ngại với các cơ quan chính phủ.

Tổ chức này nói thêm: “Chúng tôi nhận được sự đảm bảo rằng các nguyên tắc của Hiến chương Olympic sẽ được tôn trọng trong bối cảnh Thế vận hội”, đồng thời cho biết họ sẽ tiếp tục thảo luận “các vấn đề liên quan đến Thế vận hội” với ban tổ chức.

Ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phi chính phủ đặt tại New York đã viết trên Twitter vào ngày 30/1: “Hãy nhớ rằng khi mọi người cho rằng việc tổ chức Thế vận hội Mùa hè 2008 tại Bắc Kinh sẽ giúp giảm bớt sự đàn áp của [ĐCS] Trung Quốc. [Tuy nhiên] điều đó đã không xảy ra. Mọi thứ ngày nay còn tệ hại hơn nhiều, nhưng Bắc Kinh hiện lên kế hoạch đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022, bất chấp [việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chế độ này] tại Tân Cương, Hồng Kông, Tây Tạng, v.v.”

Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, Tổ chức Theo Dõi Nhân quyền đã gửi một lá thư cho Chủ tịch IOC Thomas Bach, kêu gọi ông “ngay lập tức tiến hành thẩm tra vấn đề nhân quyền một cách thiết thực xung quanh việc chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2022, đồng thời giải thích những nỗ lực của tổ chức này trong việc quản lý các rủi ro về nhân quyền liên quan đến Thế vận hội trước tháng 2/2021.”

Tháng 9/2020, hơn 160 tổ chức nhân quyền cũng đã gửi một lá thư cho ông Bach, yêu cầu ông “đảo ngược sai lầm của tổ chức này” khi chọn Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội mùa đông 2022.

Gia Huy (T/h)