Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ chiếm đa số hôm thứ Năm (22/4, giờ Mỹ) đã bỏ phiếu hoàn toàn đảng phái để thông qua một dự luật gây tranh cãi, trong đó sẽ cho phép Đặc khu Columbia (D.C) trở thành tiểu bang thứ 51 của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ.

toa nha quoc hoi my
Toà nhà quốc hội Mỹ. Ảnh Shutterstock)

Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua dự luật H.R 51 với 216 phiếu thuận, 208 phiếu chống. Toàn bộ Dân biểu Đảng Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ và toàn bộ Dân biểu Đảng Cộng hòa bỏ phiếu phản đối. Dự luật H.R 51 nếu được Thượng viện thông qua và Tổng thống ký thành luật sẽ trao cho tiểu bang D.C hai ghế thượng nghị sĩ, một dân biểu Hạ viện có quyền bỏ phiếu và một thống đốc.

Khi D.C trở thành tiểu bang, khu vực có các cơ quan chính phủ liên bang như Nhà Trắng, Điện Capitl và công viên National Mall sẽ vẫn là một quận liên bang. D.C khi trở thành tiểu bang sẽ có tên mới là Washington, Douglass Commonwealth – đặt theo tên của người theo chủ nghĩa bãi nô nổi tiếng Frederick Douglass, sống tại Washington từ năm 1877 cho đến khi qua đời vào năm 1895.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã nói tại Hạ viện trước phiên bỏ phiếu hôm 22/4 rằng viện này đã sẵn sàng “làm cho đúng lại một bất công mang tính lịch sử bằng việc thông qua luật để cuối cùng công nhận Washington D.C có cương vị một tiểu bang”.

Công dân D.C đã đang đấu tranh cho quyền bỏ phiếu và quyền tự trị trong 220 năm qua, với 86% dân số [D.C] gần đầy đã bỏ phiếu ủng hộ cương vị tiểu bang. Và bây giờ là lúc phù hợp để trao cho họ các quyền mà họ đã đang đấu tranh vì chúng và các quyền họ xứng đáng [được hưởng]”, bà Pelosi nói thêm.

Bà Eleanor Norton Holmes, đại diện không có quyền bỏ phiếu của D.C tại Hạ viện, là người đề xuất dự luật H.R 51.

Bà Holmes nói với các đồng nghiệp tại Washington: “Đất nước ta được thành lập theo nguyên tắc [người dân] không phải nộp thuế nếu [họ] không có đại diện và không được tham gia điều hành [đất nước]. Nhưng các Công dân D.C hiện phải nộp thuế mà không có đại diện và không thể [đưa ra ý kiến] tán thành những luật mà với tư cách là người Mỹ họ phải sống theo [các luật đó]”.

Đảng Cộng hòa kịch liệt phản đối dự luật H.R 51. Họ cho rằng việc trao cương vị tiểu bang cho Washington D.C là đi ngược lại quy định của Hiến pháp Hoa Kỳ.

Dân biểu Cộng hòa James Comer (bang Kentucky) nói tại Hạ viện hôm 22/4: “Tất cả các Bộ Tư pháp liên bang từ thời Tổng thống Kennedy đến Tổng thống Obama đều đã nhất quán rằng cần phải có một tu chính án hiến pháp để cho phép D.C có cương vị một tiểu bang”.

Ông Comer nhấn mạnh rằng Tu chính án thứ 23 của Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép Washington D.C có đại cư tri đoàn nếu nó là một bang. Ngoài ra, Quốc hội năm 1970 đã trao quyền cho công dân Washington D.C được cử một đại diện không bỏ phiếu tại Hạ viện.

Đảng Dân chủ muốn viết lại Hiến pháp mà không trải qua một tiến trình phù hợp để làm vậy”, ông Comer nói và cho biết thêm rằng ông đã đề xuất một thay đổi trong dự luật này, trong đó đề xuất đầu tiên phải hủy Tu chính án thứ 23, nhưng Đảng Dân chủ đã bác bỏ đề xuất sửa đổi này.

Dân biểu Cộng hòa Jody Hice (bang Georgia) nói rằng các bậc quốc phụ của nước Mỹ “không bao giờ muốn D.C là một tiểu bang và sau đó đã đặc biệt quy định như vậy trong hiến pháp. [Dự luật H.R 51] là hoàn toàn đi ngược lại mong muốn của các bạc khai quốc và cần phải hoàn toàn bác bỏ dự luật này”.

Đảng Cộng hòa khẳng định rằng Đảng Dân chủ ủng hộ tư cách tiểu bang cho Washington D.C là xuất phát từ động cơ chính trị bởi thực tế là nếu D.C là tiểu bang, thì Đảng Dân chủ gần như đảm bảo có thêm được 2 ghế thượng nghị sĩ và thêm các ghế dân biểu. Washington D.C hầu như bỏ phiếu cho ứng viên Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Đảng Dân chủ, bang New Yokr) hôm 22/4 đã cáo buộc những người chỉ trích dự luật H.R 51 là những kẻ phát-xít bởi vì dân số D.C có tới 47% là người da đen.

Tổng thống Joe Biden ủng hộ dự luật biến D.C thành tiểu bang. Nhà Trắng đầu tuần này đã phát đi tuyên bố gọi cương vị của Washington D.C hiện tại là “nỗi ô nhục đối với các giá trị dân chủ mà [dựa vào đó] Đất nước chúng ta được thành lập”.

Nhà Trắng ca ngợi việc Washington D.C có cương vị tiểu bang và khẳng định D.C “với một nền kinh tế mạnh mẽ, văn hóa phong phú, và dân số Mỹ đa dạng từ tất cả các thành phần xã hội có quyền được tham gia đầy đủ và công bằng vào nền dân chủ của chúng ta”.

Hạ viện trước đây cũng đã từng thông qua một dự luật tương tự để trao quyền tiểu bang cho D.C, nhưng dự luật đó đã không được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số.

Hiện tại Đảng Dân chủ đang chiếm đa số tại Thượng viện 50-50 do có phiếu của Phó Tổng thống Kamala Harris. Tuy nhiên, gần như dự luật H.R 51 sẽ không thể qua được Thượng viện bởi vì Đảng Cộng hòa sẽ sử dụng thủ tục filibuster để ngăn chặn. Khi thủ tục filibuster được kích hoạt, Đảng Dân chủ cần phải có được 60 phiếu ủng hộ để hủy bỏ filibuster và chuẩn thuận dự luật.

Xuân Thành (Theo The Epoch Times và Newsmax)

Xem thêm: