Hôm thứ Sáu (15/7), Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ chiếm đa số đã bỏ phiếu tán thành dự luật luật hóa án lệ phá thai Roe v. Wade vốn đã bị Tối cao Pháp viện lật ngược. Tuy nhiên, dự luật này gần như sẽ không thể qua được cửa Thượng viện để trở thành luật.

Embed from Getty Images

Dự luật luật hóa án lệ phá thai Roe v. Wade được đặt tên là Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ (WHPA) đã được Hạ viện thông qua hôm 15/7 với 219 phiếu ủng hộ, 210 phiếu phản đối. Dân biểu Dân chủ Hạ viện duy nhất gia nhập cùng các đồng nghiệp của Đảng Cộng hòa phản đối dự luật này là ông Henry Cuellar đại diện cho tiểu bang Texas.

Phát biểu bảo vệ dự luật tại sàn Hạ viện, Chủ tịch Nancy Pelosi cho hay: “Khi những thành viên Đảng Cộng hòa cực đoan tiếp tục cuộc tấn công vào các quyền sinh sản, thì Đạo luật Đảm bảo Quyền Tự do Sinh sản của Phụ nữ sẽ đảm bảo rằng người Mỹ vẫn có trong tay quyền cơ bản được di trú để nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết. Và Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ của chúng ta sẽ một lần nữa biến những bảo vệ của án lệ Roe v. Wade thành luật trên mảnh đất này”.

Tuy nhiên, trái với tuyên bố của Đảng Dân chủ tán dương dự luật là luật hóa Roe v. Wade, thực tế dự luật này vượt xa những gì có trong phán quyết án lệ phá thai năm 1973.

Án lệ Roe v. Wade không cho phép các tiểu bang đặt ra luật hạn chế phá thai trước thi thai nhi ở vào giai đoạn có thể sống bên ngoài bụng mẹ. Nhưng WHPA thậm chí sẽ cho phép phá thai trong toàn thai kỳ.

Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Steve Scalise (Đảng Cộng hòa), trong bài phát biểu phản đối dự luật tại sàn Hạ viện hôm 15/7, nói rằng dự luật “vượt xa hơn Roe dưới bỏ bọc luật hóa Roe để thúc đẩy một trong những luật ủng hộ phá thai cực đoan nhất mà chúng ta từng thấy”.

Ông Steve Scalise lưu ý rằng với WHPA, Mỹ sẽ gia nhập cùng một số ít các quốc gia như Trung Quốc và Triều Tiên vốn là những nơi cho phép phá thai theo nhu cầu.

Dự luật nêu trên sẽ cần phải được Thượng viện thông qua và khả năng này là rất thấp.

Như hầu hết các dự luật khác, WHPA trước tiên sẽ cần phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 60 thượng nghị sĩ để vượt qua được thủ tục filibuster và sau đó mới đến được giai đoạn bỏ phiếu thông qua theo quy tắc đa số quá bán.

Hồi tháng Ba, khi Đảng Dân chủ đưa dự luật tương tự ra Thượng viện lần đầu, nó đã bị bác bỏ khi không phá vỡ được filibuster. Khi đó, Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin đã gia nhập cùng các đồng nghiệp Đảng Cộng hòa phản đối dự luật.