Sau hơn 60 giờ thảo luận căng thẳng và hơn 1000 ngàn sửa đổi, Hạ viện Pháp hôm Chủ Nhật (22/4) đã thông qua dự luật nhập cư mới nhằm thắt chặt việc xin tị nạn. Đã có một số rạn nứt nhất định trong nội bộ đảng theo đường lối ôn hòa của Tổng thống Emmanuel Macron.

Embed from Getty Images

Người dân biểu tình tại Paris vào tháng 2/2018 để phản đối dự luật nhập cư mới của chính phủ Macron

Reuters cho hay vào cuối ngày Chủ Nhật 22/4 (giờ Pháp), Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật nhập cư gây tranh cãi, theo đó bùng phát những chia rẽ chưa từng có của Đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) của Tổng thống Macron.

Sau 61 giờ thảo luận, phương án cuối cùng đã được thông qua với 228 phiếu thuận, 139 phiếu chống và 24 nghị sĩ không bỏ phiếu.

Những nghị sĩ phản đối dự luật này đa phần là các chính trị gia của các đảng cánh hữu và cánh tả, cũng như đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen – ứng viên tổng thống thất bại trước ông Macron trong kỳ bầu cử 2017.

Hạ viện Pháp ban đầu dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật nhập cư vào thứ Sáu (20/4), nhưng các cuộc thảo luận gay gắt khiến buổi bỏ phiếu phải lùi lại tới cuối tuần qua, với hơn 1000 sửa đổi do các nghị sĩ đề xuất.

Hơn 200 thay đổi được đề xuất bởi các thành viên của Đảng LREM khi các chính trị gia của phe ông Macron công khai thách thức kế hoạch tăng gấp đôi thời gian tối đa người di cư có thể bị giam giữ lên 90 ngày.

Chính phủ của ông Macron lập luận rằng dự luật này là cân bằng, nhưng những người cánh hữu đã chỉ trích mạnh mẽ vì cho rằng luật nhập cư mới quá nhẹ, trong khi những người cánh tả lại đánh giá luật có tính áp chế mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ Gerard Collomb nói rằng luật mới nhằm mục đích để “kiểm soát tốt hơn” nhập cư, giảm một nửa thời gian các nguyên đơn xin tị nạn phải chờ đợi xét duyệt xuống 6 tháng, trong khi cũng tạo thuận lợi, dễ hàng hơn cho việc trục xuất những người bị coi là người di cư “kinh tế”.

Luật mới cũng giúp những người tị nạn được chấp nhận sẽ được giúp đỡ nhiều hơn để hòa nhập vào xã hội Pháp, chẳng hạn như tiếp cận tốt hơn về công việc và học ngôn ngữ, văn hóa Pháp.

Các nghị sĩ cánh tả đã lên án mạnh mẽ các biện pháp của dự luật mới nhằm giữ người xin tị nạn tại các trại tạm giam để đợi trục xuất, bao gồm cả trẻ em, lên đến 90 ngày.

Không có gì có thể biện minh cho việc nhốt một đứa trẻ“, Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Herve Saulignac nói trong buổi thảo luận về dự luật nhập cư.

Dự luật cũng giảm thời gian những người xin tị nạn phải nộp đơn từ 120 xuống còn 90 ngày và cho họ hai tuần để khiếu nại nếu đơn nộp trước đó bị từ chối. Các Tổ chức Phi chính phủ cho rằng thời gian 2 tuần khiếu nại là không đủ để thu thập thêm bằng chứng ủng hộ yêu cầu được tị nạn của nguyên đơn.

Trong số các nghị sĩ bỏ phiếu chống lại dự luật có một thành viên của Đảng LREM là ông Jean-Michel Clement. Nghị sĩ này cũng đã nói rằng ông sẽ từ bỏ phe đa số.

Những rạn nứt trong nội bộ đảng LREM về dự luật nhập cư là có. Trước khi bỏ phiếu, lãnh đạo đảng này tại Hạ viện, ông Richard Ferrand đã cảnh báo các thành viên trong đảng rằng việc không bỏ phiếu chỉ bị coi là “lỗi có thể tha thứ”, nhưng nếu bỏ phiếu chống sẽ bị xem là “tội chết người”.

Dự luật này sẽ tiếp tục được gửi sang Thượng viện để bỏ phiếu thông qua vào tháng Sáu tới. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng dự luật nhập cư được dự báo sẽ không khó để được Thượng viện phê duyệt khi đảng LREM đang nắm đa số quá bán.

Hiện tại, nước Pháp đang phải đối mặt với áp lực nhập cư rất lớn. Theo Reuters vào năm ngoái số lượng nguyên đơn xin nhập cư vào Pháp lên tới 100.000 người, trái với xu hướng người xin nhập cư vào Châu Âu năm 2017 đã giảm một nửa so với năm 2016.

Nhiều người châu Phi và Nam Á đã phải ngủ trên đường phố Paris do thiếu chỗ ở, hoặc cắm trại ở Calais với hy vọng sẽ có thể di chuyển sang Anh Quốc bằng xe tải.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: