Trong ngày lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình thăm Nga gặp ông Tổng thống Nga Putin, Mỹ đã có hai động thái liên quan Nga và Trung Quốc.

Tap Can Binh 2
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga 3/2023. (Ảnh chụp màn hình video)

Thêm gói viện trợ quân sự cho Ukraine

Hãng tin AP dẫn lời quan chức Mỹ cho biết về kế hoạch của Mỹ công bố ngày 20/3 liên quan đợt viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine trị giá 350 triệu USD vũ khí và thiết bị.

Gói viện trợ quân sự mới nhất bao gồm một số lượng lớn vũ khí và đạn dược khác nhau, chẳng hạn như tên lửa được sử dụng bởi HIMARS (Hệ thống tên lửa phóng đa năng cơ động cao) do Mỹ sản xuất, ngoài ra còn một số lượng tàu xe bồn nhiên liệu và ca-nô không được tiết lộ.

Vị quan chức giấu tên nói trên cho biết, thông qua Cơ quan phân bổ của Tổng thống (PDA), lô hàng viện trợ quân sự này sẽ được lấy từ kho của Lầu Năm Góc để có thể chuyển đến cho quân đội tiền tuyến Ukraine trong thời gian sớm nhất.

Kể từ khi nổ ra cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, tổng chi viện trợ quân sự Mỹ đã cung cấp cho Kiev đã là hơn 32,5 tỷ USD.

Báo cáo nhân quyền

Hôm 20/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố Báo cáo Nhân quyền năm 2022 của Bộ Ngoại giao, đánh giá tình hình nhân quyền tại 198 nước/vùng lãnh thổ trên thế giới vào năm 2022 thông qua 7 lĩnh vực chính, bao gồm tôn trọng nhân phẩm, quyền tự do dân sự và quyền tự do tham gia chính trị .

Trong báo cáo, ông Blinken đã chỉ ra 5 vấn đề nhân quyền lớn trên thế giới, bao gồm cuộc chiến tổng lực của Nga xâm lược Ukraine, phản ứng tàn bạo của Iran đối với các cuộc biểu tình ôn hòa, nhà cầm quyền ĐCSTQ tiếp tục diệt chủng ở Tân Cương, chính quyền quân sự Myanmar sử dụng bạo lực để củng cố quyền kiểm soát đối với người dân, và Taliban kiểm soát Afghanistan đã áp dụng các biện pháp áp bức và phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Ông cũng quan tâm đến vấn đề khủng hoảng nhân quyền ở Nam Sudan, Syria, Cuba, Belarus, Venezuela và Campuchia.

Về Trung Quốc, báo cáo liệt kê tới 25 hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của nhà cầm quyền ĐCSTQ, bao gồm như: giết người phi pháp, chính quyền ngược đãi, cưỡng bức mất tích, đàn áp xuyên quốc gia, giam giữ tù nhân chính trị; hạn chế nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo, sử dụng điện thoại di động, Internet, hội họp ôn hòa và tham gia chính trị của người dân…

Báo cáo đặc biệt nói về Tân Cương, chỉ ra tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người mà nhà cầm quyền ĐCSTQ áp dụng ở Tân Cương tiếp tục diễn ra trong năm qua, nạn nhân chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác, theo đó có tới hơn 1 triệu người bị giam giữ tùy tiện hoặc bị tước đoạt nghiêm trọng quyền tự do cá nhân. Theo báo cáo, những nạn nhân này bị lạm dụng hàng loạt, cưỡng bức ngừa thai hoặc phá thai, áp dụng các biện pháp sinh sản nghiêm ngặt hơn, tấn công tình dục hoặc các hình thức bạo lực tình dục khác, cưỡng bức lao động và hạn chế hà khắc quyền tự do tôn giáo, ngôn luận và đi lại.

Ngoài ra, báo cáo một lần nữa tập trung vào thực tế người tập Pháp Luân Công đang bị bức hại ở Trung Quốc. Báo cáo cho biết, việc bức hại bao gồm việc chính quyền sử dụng biện pháp giam giữ hành chính để đe dọa các nhà hoạt động chính trị và tôn giáo cũng như ngăn chặn các cuộc biểu tình công khai, đặc biệt là việc giam giữ người tập Pháp Luân Công trong các trung tâm “giáo dục pháp chế”.

Báo cáo cũng đề cập cụ thể đến bằng chứng mới nhất về nạn thu hoạch nội tạng (của ĐCSTQ) từ những người Pháp Luân Công.

Báo cáo cho biết, một số nhà hoạt động và tổ chức đã cáo buộc chính phủ (ĐCSTQ) thu hoạch nội tạng sống từ các tù nhân lương tâm, bao gồm người tập Pháp Luân Công và những người theo tôn giáo và tâm linh, bao gồm cả những người Hồi giáo bị giam giữ ở Tân Cương.

Về Đài Loan, báo cáo duy trì đánh giá tích cực về hoạt động nhân quyền nói chung của Đài Loan, bao gồm các cuộc bầu cử tự do và công bằng cũng như sự tham gia không hạn chế của phụ nữ vào chính trị. Tuy nhiên, báo cáo vẫn bày tỏ lo ngại về vấn đề kết tội hình sự tội “phỉ báng” đối với giới truyền thông khi hoạt động thông tin có vấn đề, theo đó báo cáo chỉ ra theo quy định hiện hành thì bên phải hứng chịu đưa tin tiêu cực có thể khởi kiện các nhà báo và đơn vị truyền thông của họ về tội phỉ báng, tuy vấn đề kết tội khá hiếm hoi nhưng một số học giả pháp lý và các tổ chức phi chính phủ (NGO) tiếp tục kêu gọi vấn đề tin tức phỉ báng chỉ được coi là vấn đề dân sự. Ví dụ, một phóng viên của Liberty Times đã đưa tin ám chỉ có những nhà lập pháp đã vận động hành lang không phù hợp với Cục Nhập cư để giúp một doanh nhân Hồng Kông có được giấy phép cư trú tại Đài Loan, do đó phóng viên đã phải đối mặt vụ kiện phỉ báng, vào tháng 8 năm ngoái tòa án đã tuyên trắng án cho phóng viên.

Mộc Vệ (t/h)