Hôm thứ Hai (4/10), Triều Tiên và Hàn Quốc đã khôi phục lại liên lạc xuyên biên giới, sau khi Bình Nhưỡng từ cắt đứt liên lạc hồi tháng Tám để phản đối các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ.

Embed from Getty Images

Việc khôi phục đường dây nóng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một loạt vụ thử tên lửa, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phải họp khẩn.

Bộ thống nhất Seoul xác nhận rằng các quan chức hai miền Triều Tiên đã trao đổi cuộc điện thoại đầu tiên kể từ tháng 8 vào sáng thứ Hai (4/10).

“Với việc khôi phục đường dây liên lạc Nam – Bắc, chính phủ đánh giá rằng một nền tảng để khôi phục quan hệ liên Triều đã được thành hình”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố.

“Chính phủ hy vọng … sẽ nhanh chóng nối lại đối thoại và bắt đầu các cuộc thảo luận thiết thực để khôi phục quan hệ liên Triều”, tuyên bố nói thêm.

Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã “bày tỏ ý định khôi phục các đường dây liên lạc Nam – Bắc bị cắt đứt”, hãng truyền thông nhà nước KCNA cho biết, đưa tin động thái này là một nỗ lực nhằm thiết lập “hòa bình lâu dài” trên bán đảo Triều Tiên.

Hai miền Triều Tiên đã báo hiệu một sự tan băng bất ngờ trong quan hệ vào cuối tháng Bảy bằng cách thông báo khôi phục liên lạc xuyên biên giới, vốn đã bị cắt đứt hơn một năm trước đó.

Tuy nhiên, việc này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi Triều Tiên ngừng trả lời các cuộc gọi chỉ hai tuần sau đó.

Hãng thông tấn chính thức KCNA đã kêu gọi Seoul hoàn thành các “nghĩa vụ” của mình để khôi phục các mối quan hệ căng thẳng xuyên biên giới, mà không nêu chi tiết cụ thể. KCNA cũng nhắc lại bài phát biểu của ông Kim vào tuần trước rằng ông đã quyết định khôi phục lại đường dây để giúp hiện thực hóa hy vọng của người dân về hòa bình.

Trong bài phát biểu đó, ông Kim kêu gọi Hàn Quốc từ bỏ “tiêu chuẩn kép” và “ảo tưởng” về các hoạt động quân sự tự vệ của Triều Tiên trong khi phát triển vũ khí của riêng mình.

KCNA nói: “Chính quyền Hàn Quốc nên nỗ lực tích cực để đưa quan hệ Bắc – Nam đi đúng hướng và giải quyết các nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên để mở ra triển vọng tươi sáng trong tương lai”.

Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này ủng hộ mạnh mẽ hợp tác liên Triều, gọi việc nối lại đường dây là “một phần quan trọng trong việc tạo ra một môi trường ổn định hơn trên Bán đảo Triều Tiên.”

Lê Vy

Xem thêm: