Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp nhau tại Nhà Trắng vào thứ Sáu (3/3 – giờ Mỹ), nơi cả hai nhà lãnh đạo đều ca ngợi lẫn nhau về sự ủng hộ của chính quyền hai quốc gia ở chiến trường Ukraine, The Guardian điểm tin ngày 3/3.

52651400533 4dd87444e1 b
Tổng thống Joe Biden nói chuyện với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Apurva Kempinshi ở Bali, Indonesia vào 11/2022. (Nguồn: Adam Schultz/ Nhà Trắng)

“Ông đã đứng ra và cung cấp hỗ trợ quân sự quan trọng, và ông biết đấy, tôi cho là hơn cả việc hỗ trợ quân sự, thì sự hỗ trợ tinh thần mà ông dành cho người dân Ukraine là cực kỳ sâu sắc. Ông cũng thúc đẩy được những biến đổi lịch sử trong nước, như tăng quỹ chi tiêu quốc phòng, và đa dạng hóa các nguồn năng lượng để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Tôi biết điều đó không hề dễ dàng, rất khó khăn đối với ông,” ông Biden nói với ông Scholz.

Ông Biden tiếp tục nói thêm, “Là đồng minh của NATO, chúng tôi đang làm cho liên minh trở nên mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn.”

Ông Scholz nói với ông Biden về một điều quan trọng, đó là cùng sát cánh hỗ trợ chiến trường Ukraine trong một năm qua đã khiến Hoa Kỳ và Đức phối hợp chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết để bảo vệ hòa bình thế giới.

“Đây là một năm vô cùng và cực kỳ quan trọng vì mối đe dọa rất nguy hiểm đối với hòa bình đến từ việc Nga xâm lược Ukraine, và điều thực sự quan trọng là chúng ta đã hành động cùng nhau, chúng ta đã tổ chức chặt chẽ và đã làm cho điều đó trở nên khả thi để có thể đưa ra sự hỗ trợ cần thiết cho Ukraine trong suốt thời gian này,” Thủ tướng Đức nói.

Ông Scholz nói tiếp, “Chúng tôi đưa ra thông điệp rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy chừng nào còn cần thiết… và rằng chúng tôi cũng sẵn sàng sát cánh với người Ukraine đến cùng.”

Hai nguyên thủ quốc gia bày tỏ sự khâm phục lẫn nhau, trong bối cảnh họ và chính quyền hai bên đã liên tiếp cam kết sẽ hỗ trợ chính quyền Zelensky trong cuộc kháng chiến “as long as it takes” (hỗ trợ “đến cùng”, hoặc hỗ trợ “đến chừng nào cần thiết”). Đây là điều mà giới quan sát nhìn nhận là dấu hiệu cho thấy mục tiêu tham dự của phe đồng minh đã được mở rộng. Mục tiêu ban đầu của phe đồng minh là bảo vệ chính quyền Kyiv khỏi cuộc xâm lược từ tháng 2/2022 của Nga.

Ngay trước đó cùng ngày 3/3, theo bản tin từ Sky News – cũng là một hãng tin của Anh – nhà ngoại giao kỳ cựu của Nga, ông Sergei Lavrov, đã cố gắng miêu tả rằng tổ quốc của ông là nạn nhân của cuộc chiến tranh ủy quyền tại Ukraine, và đường ống Nord Stream bị đánh nổ vào tháng 9 năm ngoái là do động cơ chính trị, đã gây tổn thất rất lớn cho Nga.

“Cuộc chiến mà chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn, được phát động chống lại chúng tôi bằng cách sử dụng người Ukraine, tất nhiên, đã ảnh hưởng đến chính sách của Nga, bao gồm cả chính sách năng lượng,” nhà ngoại giao 72 tuổi nói tại hội nghị ở New Delhi, Ấn Độ.

“Và nói thẳng thế này về những gì đã thay đổi: Chúng tôi sẽ không còn phụ thuộc vào bất kỳ đối tác nào ở phương Tây. Chúng tôi sẽ không cho phép họ đánh bay các đường ống một lần nữa,” lời tuyên bố của ông được đón chào bằng hàng loạt tiếng cười chế giễu của mọi người, theo Sky News miêu tả.

Điện Kremlin đã nói từ đầu và nhiều lần tái khẳng định rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ là vì sự tồn vong của tổ quốc họ, của chính thể của họ, khi mà NATO liên tục mở rộng về phía đông, và Nga bác bỏ mọi miêu tả của phương Tây về Nga như một mối an nguy cho hòa bình thế giới.

Trong cuộc gặp mặt cấp cao nhất của hai nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ và Đức ở Phòng Bầu dục, ngoài việc đề cập đến các đồng minh phương Tây đã gìn giữ hòa bình thế giới thế nào trước nguy cơ từ Nga, thì cũng bàn về cam kết của hai ông về việc cùng nhau ngăn chặn nguy cơ từ Trung Quốc.

Báo chí phương Tây những ngày qua đã liên tục bày tỏ lo ngại rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ ủng Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng cách cung cấp các vũ khí sát thương cho Nga.

“Chúng tôi chưa thấy người Trung Quốc đưa ra quyết định này, [nhưng] chúng tôi không đặt [vấn đề này] ra khỏi phạm vi thảo luận,” phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby nói trong cuộc họp báo 2/3.

Tờ báo Der Spiegel của Đức hôm 23/2 báo cáo, Trung Quốc có thể đang đàm phán với Nga về việc cung cấp 100 UAV quân sự vào tháng 4 tới, và có thể Trung Quốc bán các vũ khí sát thương cho Nga nhưng ngụy trang thành hàng hóa dân sự.

Nhật Tân