Hai phóng viên người Myanmar làm việc cho Reuters hôm thứ Ba (7/5) đã được thả tự do nhờ lệnh ân xá của Tổng thống Win Myint. Trước đó, hai phóng viên này đã bị tòa án Myanmar kết án 7 năm tù giam và đã bị giam giữ hơn 500 ngày.

Embed from Getty Images

Hai phóng viên Reuters Wa Lone (phải) và Kyaw Soe Oo vui đùa với con của họ sau khi được thả tự do hôm 7/5/2019 nhờ lệnh ân xá của Tổng thống Myanmar. (Ảnh: ANN WANG/AFP/Getty Images)

Hai phóng viên Wa Lone, 33 tuổi và Kyaw Soe Oo, 29 tuổi, bị kết tội vi phạm Đạo luật Bí mật Nhà nước và lĩnh án 7 năm tù vào tháng 9/2018. Vụ án này đã dấy lên những vấn đề về tiến trình hướng tới nền dân chủ của Myanmar và bùng phát sự phản đối gay gắt từ các nhà ngoại giao quốc tế và những người ủng hộ nhân quyền.

Hai phóng viên của Reuters được thả tự do hôm 7/5 cùng 6.520 tù nhân khác nhờ Tổng thống Win Myint ký lệnh ân xá tập thể nhân dịp năm mới truyền thống của Myanmar.

Theo Reuters, hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã được nhiều phóng viên và người dân chào đón khi họ bước ra khỏi cổng nhà tù Insein Prison, ngoại ô thành phố Yangon.

Phóng viên Wa Lone cho biết: “Tôi thực sự hạnh phúc và vui mừng khi thấy gia đình và các đồng nghiệp của tôi. Tôi rất nóng lòng được tới phòng làm việc của mình.”

Hai phóng viên được các đồng nghiệp chở đi bằng ô-tô và đã đoàn tụ cùng gia đình vợ, con.

Trước khi bị bắt vào tháng 12/2017, hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo thực hiện phóng sự điều tra về việc lực lượng an ninh chính phủ Myanmar và các dân thường theo Phật giáo giết chết 10 đàn ông và bé trai Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine, miền tây Myanmar trong một cuộc đàn áp vũ trang hồi tháng 8/2017.

Cuộc đàn áp của lực lượng vũ trang Myanmar đã khiến hơn 730.000 người Rohingya phải trốn chạy sang Bangladesh, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc.

Bài báo của Wa Lone và Kyaw Soe Oo, trong đó có lời khai chứng của thủ phạm, nhân chứng và các gia đình nạn nhân đã được trao giải thưởng báo chí Pulitzer vào tháng 5/2018.

Sau khi bị kết án 7 năm tù, hai nhà báo Reuters đã gửi kháng cáo lên Tòa án Tối cao Yangon hồi tháng Một, nhưng đã bị tòa bác đơn. Vào tháng Tư, họ tiếp tục gửi kháng cáo lên Tòa án Tối cao quốc gia, viện dẫn việc cảnh sát đã sắp đặt chứng cứ và thiếu bằng chứng phạm tội, nhưng Tòa án Tối cao vẫn không chấp nhận đơn kháng cáo này.

Trong thời gian đó, hai người vợ của hai phóng viên đã gửi thư cho chính phủ Myanmar xin được ân xá cho chồng họ. Những người phụ nữ này nói rằng họ viết thư xin ân xá không phải vì chồng của họ đã làm điều gì sai, nhưng là vì điều đó sẽ giúp họ được thả tự do và được đoàn tụ với gia đình.

Reuters cho biết hãng tin cũng cử đại diện đàm phán với chính phủ Myanmar về trường hợp của các phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo. Reuters luôn khẳng định hai phóng viên này không phạm tội và yêu cầu chính phủ Myanmar phải thả tự do cho họ. Các cuộc đàm phán của Reuters với các nhà chức trách Myanmar cũng có sự tham gia của đại diện Liên Hiệp Quốc và các chính phủ khác.

Sau khi hai phóng viên Myanmar được thả, Tổng biên tập Reuters Stephen J. Adler vui mừng cho biết: “Chúng tôi rất vui khi Myanmar đã thả tự do cho những phóng viên dũng cảm của chúng tôi, Wa Lone và Kyaw Soe Oo. Từ khi họ bị bắt vào 511 ngày trước, họ đã trở thành biểu tượng của tầm quan trọng của tự do báo chí trên toàn thế giới. Chúng tôi hoan nghênh họ trở lại.”

Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng Tổng thư ký cảm thấy nhẹ nhõm khi biết tin các phóng viên của Reuters tại Myanmar được thả tự do. Đại diện của Liên Hiệp Quốc tại Myanmar cho biết họ nhìn thấy hành động thả người này là dấu hiệu thể hiện cam kết của chính phủ Myanmar hướng tới việc chuyển tiếp sang nền dân chủ.

Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar cũng hoan nghênh việc thả phóng viên Reuters và nói rằng họ vui mừng vì hai phóng viên có thể trở về với gia đình của họ.

Xuân Thành