Các nhà phân tích cho biết, Hàn Quốc đang định hình trở thành nhà cung cấp vũ khí mới cho các nước Đông Nam Á đối với các thiết bị tân tiến có giá phải chăng sau thương vụ mua vũ khí gần đây của Malaysia.

Embed from Getty Images

Bộ Quốc phòng Malaysia tuần trước cho biết họ đã ký các thỏa thuận trị giá 2,28 tỷ USD tại triển lãm Hàng hải và Hàng không vũ trụ Langkawi trong năm nay, bao gồm việc mua 18 máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 từ Korea Aerospace Industries (KAI).

Tại Đông Nam Á, Philippines và Indonesia  được cho là hai trong số những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Hàn Quốc,  chiếm lần lượt 16% và 14% doanh số bán hàng của nước này. Từ năm 2017 đến 2021, Hàn Quốc đã vận chuyển lượng vũ khí trị giá gần 2 tỷ USD cho các nước Đông Nam Á.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tổng doanh số bán vũ khí của Hàn Quốc đã tăng từ 7,25 tỷ USD vào năm 2021 lên hơn 17 tỷ USD vào năm ngoái, khi các nước phương Tây đua nhau trang bị vũ khí cho Ukraine và căng thẳng gia tăng ở các điểm nóng khác như Triều Tiên và Biển Đông.

Ian Storey, thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết Hàn Quốc là một lựa chọn hấp dẫn đối với các nước Đông Nam Á vì không giống như các cường quốc lớn, Seoul sẵn sàng chuyển giao công nghệ để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp vũ khí các nước trong khu vực. 

“Vũ khí của Hàn Quốc là công nghệ cao và rẻ hơn so với thiết bị phòng thủ của phương Tây,” ông Storey nói, đồng thời cho biết thêm rằng các công ty quốc phòng của Seoul sẽ tiếp tục mở rộng thị phần của họ trong miếng bánh bán vũ khí ở Đông Nam Á.

Theo Jaehyon Lee, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, các nước Đông Nam Á cũng coi Hàn Quốc là một quốc gia đối tác đáng tin cậy với “chương trình chiến lược không che dấu”.

“Xuất khẩu vũ khí của [Seoul] trong những năm gần đây là một cách tiếp cận thương mại hơn là một chiến lược,” ông Lee nói, đồng thời cho biết thêm rằng Hoa Kỳ chủ yếu tập trung vào việc bán vũ khí tiên tiến và đắt tiền “không thực sự cần thiết ở các nước Đông Nam Á”.

Chẳng hạn, máy bay phản lực KFX thế hệ tiếp theo do KAI hợp tác với Indonesia phát triển được thiết kế để trở thành một giải pháp thay thế rẻ hơn so với F-35 do Mỹ chế tạo; trong khi FA-50, máy bay chiến đấu hạng nhẹ có giá khoảng 50 triệu USD mỗi chiếc, được cho là chỉ bằng một nửa so với các máy bay phản lực tương đương của Mỹ hoặc châu Âu.

Ông Lee lưu ý rằng thành công ngày càng tăng của Hàn Quốc trên thị trường vũ khí quốc tế trong những năm gần đây là nhờ vào việc đặt trọng tâm của chính quyền tiền nhiệm và sự tiếp tục của Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk-yeol.

Theo Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc – ASEAN của ông Yoon, việc mua bán vũ khí và hợp tác công nghệ quốc phòng được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ, ông Lee cho biết thêm rằng các công ty Hàn Quốc đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu từ Đông Nam Á.

Cuộc chiến ở Ukraine và các cuộc giao tranh trong khu vực với Bắc Kinh ở Biển Đông cũng đã thúc đẩy các nước Đông Nam Á tăng cường chuẩn bị quân sự và mua vũ khí, ông Lee nói thêm.

Thomas Daniel, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Malaysia, cho biết việc bán thiết bị quốc phòng có thể tích hợp với các hệ thống và vũ khí của phương Tây đã được các nước đang phát triển tìm kiếm từ lâu, nhưng phần lớn bị các nhà sản xuất quốc phòng lớn của phương Tây phớt lờ.

Ông lưu ý rằng mức tăng đột biến gần 140% trong xuất khẩu quốc phòng của Hàn Quốc có nghĩa là một thách thức chính đối với Seoul sẽ là việc giao các đơn đặt hàng.

Hàn Quốc hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho NATO và các quốc gia thành viên, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI); tuy nhiên, tỷ lệ mua vũ khí 4,9% của nước này vẫn thua xa Mỹ chiếm 65% và Pháp là 8,6%.

Nhưng thỏa thuận vũ khí trị giá 13,7 tỷ USD gần đây với Ba Lan, thỏa thuận lớn nhất thuộc loại này, được cho là nhân tố chính thúc đẩy tham vọng của Hàn Quốc trong việc củng cố tổ hợp công nghiệp-quân sự, vốn đã liên tục duy trì chuỗi cung ứng quân sự mạnh trong nước chủ yếu để bảo vệ đất nước và chống lại Bắc Triều Tiên.

Chính quyền hiện tại đã tuyên bố sẽ biến Hàn Quốc thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư vào năm 2027, sau Mỹ, Nga và Pháp. Hanwha Aerospace, nhà thầu quốc phòng lớn nhất Hàn Quốc, có kế hoạch tăng công suất sản xuất lên gấp ba lần vào năm 2024.

Trong nhiều thập kỷ, Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Đông Nam Á, bán thiết bị quốc phòng trị giá khoảng 10,7 tỷ USD cho khu vực từ năm 2000 đến 2019, theo SIPRI, với phần lớn doanh số bán hàng là cho Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan.

Ông Daniel cho rằng việc các nước Đông Nam Á mua vũ khí của Nga trong ngắn hạn và trung hạn là không có khả năng và thậm chí là “không khôn ngoan” vì các biện pháp trừng phạt đối với nước này trong cuộc chiến Ukraine sẽ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và xuất khẩu vũ khí của Moscow.

Hiệu suất của một số sản phẩm quốc phòng của Nga cũng “bị nghi ngờ”, ông Daniel nói, đề cập đến hiệu suất kém của Moscow trên chiến trường trong cuộc chiến Ukraine, điều này đã gây nghi ngờ về độ tin cậy của phần cứng quân sự do Nga sản xuất.

Lê Vy (theo SCMP)