Hãng tin AP (Mỹ) mô tả, hôm thứ Hai (12/6), hàng chục nghìn người dân Nga đã tổ chức các cuộc tuần hành chống tham nhũng trên khắp nước Nga. Đây là hoạt động mới nhất của phe đối lập phản đối sự cầm quyền của ông Putin và gây sức ép yêu cầu điện Kremlin thay đổi.

AP cho hay đã có hơn một nghìn người bị bắt giam, trong đó có cả lãnh đạo phe đối lập và cũng là người tổ chức biểu tình, ông Alexei Navalny. Ông Navalny đã bị bắt ở bên ngoài nhà riêng của ông tại Moscow trong khi đang chuẩn bị di chuyển đến cuộc tập trung tại trung tâm thủ đô. Chỉ vài giờ sau khi bị bắt, lãnh đạo phe đối lập này đã bị kết án 30 ngày tù giam.

Ngoài cuộc tuần hành nổi bật nhất ở Moscow,  một chuỗi hơn 100 các cuộc biểu tình khác phản đối Tổng thống Vladimir Putin  đã diễn ra tại các thành phố và thị trấn kéo dài trên khắp 11 múi giờ ở Nga từ khu vực Thái Bình Dương tới địa giới châu Âu tại Kaliningrad.

Tại Moscow, hàng nghìn người biểu tình giận giữ đổ xô tới phố Tverskaya – một đại lộ chính của thủ đô, hô vang khẩu hiệu “Tẩy chay Sa hoàng” (ám chỉ Putin) và hát quốc ca Nga.

Các cuộc biểu tình này trùng với Ngày nước Nga, một kỳ nghỉ lễ quốc gia, tái hiện văn hóa lịch sử truyền thống, do đó một số người tham gia tuần hành đã mặc trang phục thời trung cổ. Vào thời điểm đông nhất, cuộc biểu tình tại thu đô thu hút khoảng 5000 người.

AP cho biết người dân tổ chức biểu tình ôn hòa, nhưng sau đó cảnh sát chống bạo động đã tới trấn áp đám đông và tiến hành bắt giữ những người biểu tình. Tại Moscow, có hơn 800 người đã bị bắt, trong khi tại thành phố St. Petersburg có khoảng 10.000 người tham gia biểu tình ôn hòa và 500 thường dân đã bị cưỡng chế lên xe cảnh sát. Lãnh đạo phe đối lập, ông Navalny đã được đưa ra tòa ngay tối thứ Hai và bị kết án 30 ngày tù giam vì giới chức cho rằng ông đã vi phạm nhiều lần luật về tụ họp công cộng.

Phạm vi của các cuộc tuần hành là đáng kinh ngạc và đã có rất nhiều người tham gia”. Ông Navalny đã nói với các phóng viên như vậy trước khi bị kết án và thêm rằng các cuộc biểu tình đã được tổ chức ở cả những thị trấn mà trong suốt nhiều thập kỷ qua chưa từng xuất hiện sự bất mãn công khai như vậy.

Theo ghi nhận của AP, những người tham gia biểu tình đa số là thanh niên, sinh ra hoặc lớn lên trong suốt 17 năm cầm quyền của ông Putin.

Các phóng viên tại hiện trường cho biết rằng họ thấy ba cô gái 16 tuổi mang theo giấy bút tới cuộc biểu tình ở Moscow và ngồi trên vỉa hè để viết các bài luận về Hiến pháp Nga; một nhóm thanh thiếu niên gần đó đã leo lên đỉnh một cái lều và căng băng rôn: “Tham nhũng giết chết tương lai”.  Những người khác dựng khán đài và treo biểu ngữ, “Chỉ có cuộc cách mạng mới có thể đánh bại tham nhũng”.

Ivan Sukhoruchenkov, 19 tuổi, đã tham dự cùng với bốn bạn cùng lớp đại học để phản đối điều mà cậu mô tả là “sự trì trệ của hệ thống chính trị”.

Thay đổi luôn luôn là tốt”, Sukhoruchenkov nói, thêm rằng cậu và bạn bè của mình thực sự quan ngại về vấn nạn tham nhũng – “nó biểu hiện ở tất cả các ngành nghề từ cảnh sát giao thông đến các giáo sư đại học”.

Trước những biến động tại Nga, Hoa Kỳ đã có những phản ứng đầu tiên. Thư ký báo chí Nhà Trắng, ông Sean Spicer đã “lên án mạnh mẽ việc [cảnh sát Nga] bắt giữ hàng trăm người biểu tình ôn hòa”, hành động mà ông mô tả là “ngược đãi các giá trị dân chủ cốt lõi”. Ông Spicer kêu gọi chính phủ Nga thả ngay lập tức tất cả những người biểu tình hòa bình .

Trước đó, vào ngày 26/3 một cuộc tuần hành tương tự cũng đã diễn ra khiến điện Kremlin chấn động vì các quan chức Nga xưa nay vẫn cho rằng thế hệ trẻ nước này phần đông không quan tâm đến chính trị.

Xuân Thành

Xem thêm: