Ngày 15/10, từ các cửa hàng, văn phòng và trường học, hàng chục nghìn người Thái Lan đã đổ ra đường phố ở thủ đô Bangkok, bày tỏ sự tức giận và thách thức chính phủ.

Embed from Getty Images

Đám đông tập trung tại Ratchaprasong, một trong những giao lộ đông đúc nhất của Bangkok, chiều 15/10 và hô to: “Tôi không sợ hãi”, “Trả tự do cho bạn bè của chúng tôi”, “Thủ tướng Prayuth phải từ chức”. Họ thậm chí còn gọi cảnh sát là “nô lệ” của chế độ.

Reuters đưa tin, cuộc biểu tình diễn ra sau khi chính phủ Thái Lan áp lệnh cấm tụ tập trên 4 người theo sắc lệnh khẩn cấp có hiệu lực từ sáng 15/10 để ngăn chặn biểu tình. Tuy nhiên, điều này chỉ làm gia tăng sự phẫn nộ của người dân bởi sắc lệnh khẩn cấp trao cho giới chức quyền bắt người biểu tình mà không cần chờ lệnh từ tòa án và giam tối đa 30 ngày mà không cho gặp luật sư hoặc người thân. Giới chức cũng được quyền tịch thu “thiết bị liên lạc điện tử, dữ liệu và vũ khí” bị nghi ngờ liên quan biểu tình. Các tin nhắn trực tuyến có nội dung “đe dọa an ninh quốc gia” cũng bị cấm.

“Tôi không sợ. Khẩn cấp hay không, tôi không có tự do”, họa sĩ minh họa 26 tuổi Thanatpohn Dejkunchorn đã nghỉ việc sớm để tham dự cuộc biểu tình cùng bạn bè cho hay. “Tôi muốn tự do tồn tại trên đất nước này. Tôi muốn thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này.”

“Tôi không sợ hãi. Tôi đã bị súng rượt đuổi”, người bán mì bò Thawat Kijkunasatien, 57 tuổi, một cựu chiến binh trong cuộc đàn áp đẫm máu một thập kỷ trước và một vụ khác vào năm 1992, cho biết. Ông nói thêm: “Tôi sẽ đi đến bất cứ nơi nào mà bọn trẻ đến.”

Một đặc điểm dễ nhận thấy trong các cuộc biểu tình gần đây ở Thái Lan chính là quy mô mở rộng dưới sự dẫn dắt của các sinh viên cùng nhiều người trẻ tuổi khác. Từ việc giơ 3 ngón tay thách thức để phản đối quốc ca vang lên ở trường, cho đến buộc dải dải băng trắng trên tóc và trên cặp học sinh làm biểu tượng phản đối, rất nhiều học sinh trung học cũng đã tham gia chiến dịch biểu tình.

Khoảng 2.500 cảnh sát chống bạo động đã được triển khai để ứng phó tình hình. Chiểu theo sắc lệnh khẩn cấp được công bố, cảnh sát đã giải tán hàng nghìn người biểu tình đồng thời bắt 2 nhà lãnh đạo biểu tình Parit “Penguin” Chiwarak và Arnon Nampa. 

Phong trào biểu tình đã nổ ra ở Thái Lan từ giữa tháng 7 nhằm yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức, cải cách chế độ quân chủ, xây dựng hiến pháp mới và tổ chức bầu cử.  Người biểu tình cho rằng không cần bãi bỏ chế độ quân chủ ở Thái Lan, nhưng họ yêu cầu kiềm chế quyền lực của nhà Vua theo hiến pháp.

Cho đến trước ngày 15/10, chính phủ phần lớn đều cho phép các cuộc biểu tình diễn ra, trong khi không hề có dấu hiệu đáp ứng các yêu cầu của họ. Tuy nhiên điều này đã thay đổi sau khi người biểu tình hôm 14/10 vây quanh đoàn xe hoàng gia chở Hoàng hậu Suthida và nhà Vua Maha Vajiralongkorn khi họ đi ngang qua cuộc tuần hành tại Bangkok. Bị những hàng cảnh sát đẩy lui, người biểu tình giơ cao ba ngón tay, biểu tượng của phong trào phản kháng. Đây là cảnh tượng chưa từng có ở Thái Lan, một quốc gia theo chế độ quân chủ và hoàng gia có uy quyền rất lớn trong xã hội.

Đảng Move Forward đối lập đã kêu gọi thu hồi tình trạng khẩn cấp, đồng thời nói rằng người biểu tình không cản trở đoàn xe. Hiện Cung điện Hoàng gia chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về cuộc biểu tình hay yêu cầu cải cách.

Minh Ngọc

Xem thêm: