Hàng không mẫu hạm của Hải quân Mỹ USS Ronald Reagan đang tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, gần các đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép tại Quần đảo Trường Sa.

Hang khong mau ham My vao Truong Sa
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ. (Ảnh: U.S Navy)

Tờ Japan Times dẫn theo các hình ảnh vệ tinh trên mạng xã hội cho thấy rằng dường như USS Ronald Reagan và nhiều tàu chiến không xác định khác, có lẽ của cả Mỹ và Trung Quốc, đang đi lại trong vùng biển đông bắc Quần đảo Trường Sa, Biển Đông.

Khi được hỏi về các hình ảnh vệ tinh cho thấy vị trí của tàu Ronald Reagan hiện tại có phải là nhằm gửi thông điệp tới Trung Quốc, một phát ngôn viên của Hạm đội 7 Hoa Kỳ đã từ chối khẳng định vị trí của hàng không mẫu hạm Mỹ, nhưng nói rằng hiện tại tàu này đang “thực hiện hoạt động hàng hải thường xuyên”.

Hoạt động của tàu [USS Ronald Reagan] không nhằm hướng tới bất kỳ sự kiện đặc biệt nào,” phát ngôn viên Reann Mommsen của Hạm đội 7 Hoa Kỳ trả lời Japan Times qua thư điện tử.

Trước đó, vào thứ Năm (26/9), Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng hàng không mẫu hạm Mỹ và nhóm tàu tác chiến của nó đang ở trong Biển Nam Trung Hoa “để phô trương thanh thế và leo thang quân sự hóa khu vực”. Trung Quốc gọi Biển Đông là Biển Nam Trung Hoa.

Chúng tôi cực lực phản đối hành động đó. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ hãy tôn trọng những quan ngại an ninh của các nước trong khu vực và đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định tại Biển Nam Trung Hoa,” phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường nói. “Quân đội Trung Quốc sẽ nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ và sứ mệnh của mình và bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia.

Đảng Cộng sản cầm quyền tại Trung Quốc sẽ tổ chức đại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào thứ Ba (1/10), trình diễn một số vũ khí tối tân và mạnh mẽ nhất của mình để thể hiện tiến bộ mà nước này đã đạt được trong công cuộc hiện đại hóa quân đội. Các nhà phân tích quốc tế nhận định rằng buổi diễu binh lớn hôm 1/10 có thể bao gồm các tên lửa chống hạm tiên tiến và tên lửa đạn đạo có khả năng đánh chìm hàng không mẫu hạm Mỹ và tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản.

Tờ Japan Times nhận định sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tại Trường Sa có thể được coi là nỗ lực của Mỹ nhằm “dội gáo nước lạnh” vào lễ kỷ niệm trọng đại của Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn.

Khi được hỏi về sự hiện diện của tàu USS Ronald Reagan tại Biển Đông, ông Nhậm Quốc Cường nói: “Đối với những thủ đoạn nhỏ mọn mà một số nước thực hiện qua hoạt động của tàu chiến quanh Trung Quốc, tôi muốn nhấn mạnh rằng tiến bộ vẻ vang mà Trung Quốc đã đạt được trong 70 năm qua đã chứng minh không có thủ đoạn nhỏ mọn nào có thể cản trở sự phát triển của Trung Quốc và quân đội Trung Quốc.

Mỹ không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng cam kết hành động vì “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Washington đã nhiều lần lên án các hành động vô luật của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong đó có việc xây các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa, một số đảo này được Trung Quốc quân sự hóa với đường băng và đồn trú binh lính và khí tài hiện đại.

Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng các tiền đồn trên Biển Đông để hạn chế tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược có khoảng 3 nghìn tỷ USD hàng hóa thương mại luân chuyển qua hàng năm.

Trung Quốc thời gian qua cũng đang gia tăng sức ép lên các nước láng giềng cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Về vấn đề này, trong phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 28/9, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho hay: “Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, bao gồm các vụ việc nghiêm trọng xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại các khu vực hàng hải của chúng tôi theo định nghĩa của UNCLOS. Các quốc gia có liên quan nên thực hiện tự kiềm chế và tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng trên biển và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.

Nội dung trên được cho là nhắm vào Trung Quốc, tuy nhiên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã tránh đề cập trực tiếp đến Trung Quốc.

Trong diễn biến mới nhất gần đây, Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan dầu Hải Dương 982 bắt đầu hoạt động từ hôm 21/9 tại vị trí chưa rõ trên biển Đông, theo thông tin từ website của Ủy Ban Chính Pháp Trung ương Trung Quốc. Đây là giàn khoan lớn nhất và hiện đại nhất trong các giàn khoan cùng loại tại Trung Quốc, có thể khoan dầu ở độ sâu đến 5.000 m dưới mực nước biển.

Trước đó, đầu tháng 7, tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc đã hoạt động phi pháp trong khu vực Bãi Tư Chính, nơi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, và là nơi Việt Nam đặt giàn khoan.

Đến hôm 18/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định Bắc Kinh có chủ quyền tại Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính và những quyền này được đảm bảo bằng cơ sở lịch sử và pháp lý. Đồng thời, ông Cảnh Sảng tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc bằng hành động đơn phương khai thác dầu khí trong khu vực Bãi Tư Chính.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 27/9, đã không đề cập tới căng thẳng Biển Đông nói chung và vấn đề tranh chấp với Việt Nam tại Bãi Tư Chính nói riêng.

Như Ngọc

Xem thêm: