Reuters đưa tin, nhà lãnh đạo Myanmar, bà Aung San Suu Kyi và các nhân vật cấp cao khác của đảng cầm quyền đã bị quân đội nước này bắt giữ trong một cuộc đột kích vào sáng sớm hôm 1/2, theo phát ngôn viên của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Embed from Getty Images

Động thái này diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính sau cuộc bầu cử mà quân đội cho là gian lận.

Người phát ngôn của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Myo Nyunt nói với Reuters rằng bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo khác đã bị bắt vào đầu giờ sáng.

“Tôi muốn nói với người dân của chúng tôi rằng đừng phản ứng một cách hấp tấp và tôi muốn họ hành động theo luật pháp,” ông nói và cho biết thêm rằng ông cũng dự kiến ​​sẽ bị giam giữ.

Theo lịch trình dự kiến, vào sáng thứ Hai (1/2) này, các nhà lập pháp mới được bầu của Myanmar sẽ bắt đầu cuộc họp tại Quốc hội, bất chấp các mối đe dọa từ quân đội và lo ngại về một cuộc đảo chính sau khi quân đội cáo buộc cuộc bầu cử năm ngoái là gian lận.

Đảng NLD của bà Suu Kyi đã giành được 83% số ghế có sẵn trong cuộc bầu cử ngày 8/11, nhiều hơn 322 ghế cần thiết để thành lập chính phủ. Nhưng phe đối lập được quân đội hậu thuẫn đã phản đối kết quả và yêu cầu tái bầu cử.

Các khiếu nại pháp lý chống lại Tổng thống và chủ tịch cơ quan bầu cử của đất nước đang chờ xử lý tại Tòa án tối cao.

Ủy ban bầu cử đã bác bỏ các cáo buộc gian lận, nói rằng không có sai sót nào đủ lớn để ảnh hưởng đến độ tin cậy của cuộc bỏ phiếu.

Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, quân đội cho biết họ sẽ bảo vệ và tuân theo hiến pháp và hành động theo luật pháp. Hiện các cuộc biểu tình ủng hộ quân đội vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều thành phố lớn.

Khoảng 300 người đã tuần hành tại thủ đô Yangon vào Chủ nhật, vẫy các biểu ngữ và tuyên bố ủng hộ quân đội chống lại sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của đất nước.

Theo hiến pháp của đất nước, một phần tư số ghế được dành cho các nhà lập pháp từ quân đội

Nhiều nhà lập pháp từ đảng cầm quyền đã phải ngồi tù nhiều năm dưới chính quyền quân sự cũ của Myanmar, vốn đã cầm quyền trong nửa thế kỷ cho đến khi bắt đầu cải cách vào năm 2011.

Xuân Lan (theo Reuters, ET)

Xem thêm: