Hơn 100 nhà ngoại giao từ khoảng 40 quốc gia phương Tây và các đồng minh, bao gồm cả Nhật Bản, đã bỏ ra ngoài trong thời gian bài phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại diễn đàn nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba để phản đối việc Nga xâm lược Ukraine.

Embed from Getty Images

Cuộc tẩy chay của các đặc phái viên từ Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Anh và những nước khác khiến chỉ còn lại một số nhà ngoại giao trong phòng. Các phái viên từ Syria, Trung Quốc và Venezuela nằm trong số các phái đoàn ở lại.

Ngoại trưởng Lavrov đã nói chuyện từ xa trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, sau khi hủy chuyến đi với lý do các nước EU chặn đường bay của ông.

Đất nước trung lập Thụy Sĩ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Ngoại trưởng Lavrov hôm thứ Hai nhằm phản đối cuộc xâm lược mà Nga mô tả là một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm đánh bật “Đức quốc xã mới” đang cai trị Ukraine. 

Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc EU tham gia vào một “cơn cuồng bạo chống lại người Nga” bằng cách cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Trong khi đó, thiết giáp của Nga đã tấn công thủ đô Kyiv của Ukraine vào hôm thứ Ba và các lực lượng xâm lược đã nã tên lửa vào trung tâm Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của đất nước, gây ra nhiều thương vong cho dân thường.

Embed from Getty Images

Nằm trong số các nhà ngoại giao bước ra ngoài, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly và Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Jeppe Kofod cùng với Đại sứ Ukraine Yevheniia Filipenko đứng sau một lá cờ lớn màu xanh và vàng của Ukraine.

Bà Filipenko nói với các phóng viên: “Đây là một sự thể hiện đáng chú ý về sự ủng hộ đối với những người Ukraine đang đấu tranh cho độc lập của họ.”

Bà Filipenko cho biết các cơ sở hạ tầng dân sự ở Kharkiv đã bị tàn phá nặng nề, bao gồm  “Các khu hộ sinh đang bị tấn công, các tòa nhà dân sự đang bị đánh bom.”

Nga phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào bất kỳ địa điểm dân sự nào.

Cuối ngày thứ Ba, Canada sẽ kiến ​​nghị lên Tòa án Hình sự Quốc tế về những gì Ngoại trưởng Joly nói là “tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh” của Nga. 

Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Hội đồng Nhân quyền, Michele Taylor, cho biết trong một tuyên bố: “Cuộc chiến tranh xâm lược này của Nga sẽ có tác động sâu sắc đến nhân quyền ở Ukraine và Nga, và các nhà lãnh đạo của Nga sẽ phải chịu trách nhiệm.”

Tiến Minh