Hôm 25/3, nhà bán lẻ thời trang Nhật Bản Muji cho biết các cửa hàng của họ ở Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục bán các sản phẩm làm từ bông vùng Tân Cương, theo Nikkei Asia đưa tin. Tuyên bố của Muji xuất hiện trong bối cảnh nhiều hãng thời trang khác như H&M, Nike, Adidas, Burberry đã loại bỏ sản phẩm này và đang đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay từ cư dân mạng Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Đại diện của Muji tại Trung Quốc đã được ấn bản tiếng Trung của Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc, trích dẫn rằng “công ty chúng tôi vẫn đang sử dụng bông Tân Cương.”

Trang phục của công ty với nhãn “bông Tân Cương” đã được hiển thị rõ ràng trên Tmall vào thứ Năm. Hiện không rõ liệu Muji có sử dụng bông Tân Cương cho quần áo bán ở Nhật Bản và các nước khác hay không.

Bình luận của Muji được đưa ra sau khi các sản phẩm của đối thủ H&M đã bị nền tảng thương mại điện tử Tmall của Alibaba Group Holding và các nhà kênh bán hàng trực tuyến khác, bao gồm JD.com và Pinduoduo, loại bỏ hôm thứ Tư.

Trước đó một ngày, Đoàn Thanh niên Cộng sản của ĐCSTQ đã có bài đăng trên mạng xã hội bác bỏ tuyên bố của nhà bán lẻ Thụy Điển vào năm 2020 chống lại việc sử dụng bông Tân Cương.

Theo một phát ngôn viên của Muji nói với tờ Nikkei Asia, công ty điều hành Muji là Ryohin Keikaku “đã tiến hành thẩm định tất cả các công ty ở Tân Cương có liên quan đến chuỗi cung ứng của chúng tôi.” Công ty cho hay cuộc điều tra được thực hiện bởi một cơ quan kiểm toán độc lập, dựa trên tài liệu Tư vấn Kinh doanh Chuỗi Cung ứng Tân Cương từ chính phủ Hoa Kỳ và các hướng dẫn khác do các tổ chức và chính phủ như OECD ban hành.

Tài liệu Tư vấn Kinh doanh Chuỗi Cung ứng Tân Cương do Bộ Ngoại giao, Thương mại, Tài chính và An ninh Nội địa Hoa Kỳ ban hành vào tháng 7 năm 2020. Tài liệu cảnh báo các công ty về “rủi ro pháp lý, kinh tế và uy tín khi kinh doanh với các công ty Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền.”

Người phát ngôn của Ryohin Keikaku cho biết không có vấn đề gì lớn “ngoại trừ những quan sát có thể được sửa chữa”.

Nhà bán lẻ Nhật Bản cho biết sẽ yêu cầu các công ty trong chuỗi cung ứng của họ cải thiện điều kiện làm việc, cũng như tiếp tục thu thập thông tin “một cách thận trọng” và thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn chặn việc lạm dụng nhân quyền trong chuỗi cung ứng.

Người phát ngôn cũng cho hay nếu có bất kỳ thông lệ nào không phù hợp, công ty sẽ ngay lập tức yêu cầu các nhà cung cấp sửa chữa và xem xét kết thúc hợp đồng nếu khó có thể cải thiện được.

Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với Muji. Thị trường này chiếm 17% tổng doanh số bán hàng trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 11 trong năm tài chính 2019. Muji có 274 cửa hàng tại Trung Quốc Đại lục, tính đến tháng 8 năm 2020.

Trung Quốc và các nước phương Tây đã đáp trả nhau gay gắt sau khi Mỹ, EU, Anh và Canada đưa ra một tuyên bố chung hôm thứ Hai nhắc lại cáo buộc của họ về những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh liên quan đến người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Các nước phương Tây tố cáo Trung Quốc đã đàn áp nghiêm trọng với người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm những hạn chế khắc nghiệt đối với quyền tự do tôn giáo, sử dụng lao động cưỡng bức, giam giữ hàng loạt trong các trại giáo dục & cải tạo, triệt sản cưỡng bức và phá hủy di sản của người Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc nói trên.

Tại Trung Quốc, ngoài H&M, nhiều cư dân trên mạng internet đang kêu gọi tẩy chay các thương hiệu lớn khác như Nike, Adidas, GAP, Uniqlo, New Balance và Fila.

Trên Weibo, các nhãn hàng tuyên bố lập trường chống lại việc sử dụng sản phẩm làm từ lao động cưỡng bức Tân Cương đã phải hứng chịu nhiều lời xua đuổi. Các bài viết, hashtag mang nội dung tẩy chay sản phẩm, la ó đuổi họ khỏi Trung Quốc trở nên phổ biến.

Hashtag # “Tôi ủng hộ bông Tân Cương” của tờ Nhân dân Nhật báo nhà nước đã đứng đầu trên Weibo của Trung Quốc với 85 triệu lượt xem vào giữa trưa ngày thứ Năm.

Trên trang web của mình, Nike cho biết họ lo ngại về các báo cáo về lao động cưỡng bức ở Tân Cương và xác nhận rằng không có sản phẩm nào của họ có nguồn gốc từ khu vực này.

“Chúng tôi đã và đang thẩm định liên tục với các nhà cung cấp của mình ở Trung Quốc để xác định và đánh giá rủi ro về nguy cơ lao động cưỡng bức liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, hoặc các dân tộc thiểu số khác từ [Tân Cương]”, tuyên bố cho biết. 

Wang Yibo, ca sĩ Trung Quốc và là đại sứ thương hiệu của Nike, đã đưa ra một tuyên bố thông qua đại diện của mình vào thứ Năm, nói rằng anh đã ngừng mọi hợp tác với Nike ngay lập tức. “Chúng tôi phản đối bất kỳ tuyên bố hoặc hành động nào bôi nhọ Trung Quốc. Nhân phẩm của đất nước không thể bị xâm phạm và chúng tôi kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia”, tuyên bố viết.

Thương hiệu quần áo thể thao của Trung Quốc Anta hôm thứ Tư cho biết họ đã rút khỏi Better Cotton Initiative, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thụy Sĩ và Vương quốc Anh đang thúc đẩy các quy tắc chuẩn mực liên quan đến sản xuất bông. Anta sở hữu các thương hiệu bao gồm Fila, Wilson và Suunto.

Sau khi xem xét nguồn cung cấp bông ở Tân Cương, vào tháng 10, Better Cotton Initiative cho biết họ sẽ ngừng tất cả các hoạt động cấp thực địa trong khu vực do các cáo buộc lao động cưỡng bức kéo dài.

Lê Vy (theo Nikkei)

Xem thêm: