Các băng nhóm lừa đảo qua viễn thông ở Đông Nam Á không chỉ lừa tiền, lừa gạt tình cảm mà thậm chí còn bán người như hàng hóa. Bàn tay đen của chúng hiện đang vươn tới Đài Loan.

id13806189 ntdvn screen shot 2022 08 17 at 092223 600x400 1
Liên quan đến trường hợp những người dân bị lừa gạt và giam giữ tại Campuchia để làm việc gần đây, Ủy viên Cảnh sát Đài Loan Hoàng Minh Chiếu (hàng thứ nhất, thứ hai từ trái sang) đã đến sân bay quốc tế Đào Viên vào ngày 15/8/2022 để thị sát việc thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát. (Ảnh: CNA)

Pippi người Đài Loan (hóa danh), đã ở Campuchia trong 7 ngày và đã trải qua cơn ác mộng tồi tệ nhất trong 24 năm cuộc đời của cô.

Theo báo cáo của kênh truyền thông trực tuyến phi lợi nhuận “The Reporter” (Người đưa tin) của Đài Loan vào ngày 10/8, Pippi ban đầu làm huấn luyện viên phòng tập GYM và công việc liên quan đến làm đẹp y tế, nhưng cô đã thất nghiệp sau khi dịch bệnh bùng phát. Khi cô đi du lịch nước ngoài vào cuối tháng Sáu, có một người đã giới thiệu một công việc lương cao 25.000 USD ở Campuchia trên một ứng dụng mạng xã hội. Người trung gian nói như thật và anh ta là một người Đài Loan, nên Pippi đã tin.

Không ngờ, ngay khi đến Campuchia, hộ chiếu của Pippi đã bị tịch thu. Sau khi người trung gian đưa cô đến khu Sihanoukville, công ty lừa đảo đã nói rõ với cô rằng “cô đã bị bán” và yêu cầu cô lừa người tiếp theo đến, nếu không làm thì họ sẽ đánh cô, hoặc bán lại cô cho công ty khác. 

Sau khi Pippi từ chối, cô bị chích điện và sau đó bị bán cho một công ty lừa đảo thứ hai. Trong vòng một tuần, cô đã bị bán lại 4 lần và liên tiếp bị ngược đãi, giam giữ, chích điện, bị thu giữ hộ chiếu, hạn chế quyền tự do cá nhân và thậm chí bị nhân viên của 4 công ty lừa đảo liên tục xâm hại tình dục.

Khi Pippi bị bán cho công ty thứ tư, cô ấy thậm chí không thể nói được. Sau khi cưỡng hiếp và ngược đãi cô, người chủ định bán cô cho một công ty thứ 5, vì vậy cô không nhận được hộ chiếu của mình. May mắn thay, Pippi có một chiếc điện thoại di động bên người, khi người chủ không để ý, cô đã liên lạc với một người dẫn chương trình trên mạng ở Đài Loan. Với sự hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ đa quốc gia, Pippi đã được giải cứu sau khi liên lạc với Tỉnh trưởng tỉnh Sihanoukville ở Campuchia.

Gần đây, ngày càng nhiều người bị Đài Loan bị lừa đến Campuchia giống như Pipi. Ông Chu Dân Kiềm (Minn-Gan Chow), Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), hôm 15/8 cho biết 340 người đã đệ đơn lên chính quyền Đài Loan để nhờ giúp đỡ, con số này chỉ chiếm khoảng 1/10 số người Đài Loan đã đến Campuchia.

Ông Chu Dân Kiềm cho biết từ tháng Một đến tháng Sáu năm nay, 6.481 người đã bay từ Đài Loan đến Campuchia, trong khi chỉ có hơn 3.400 người trở về từ Campuchia trong cùng khoảng thời gian này, do đó ước tính có khoảng hơn 3.000 người đang ở Campuchia. Trong số những người này, khoảng 340 người đã xin giúp đỡ, trong khi tình hình của 90% còn lại (hơn 2.600 người) không rõ ràng lắm.

Ông cũng chỉ ra rằng từ tháng Sáu năm ngoái đã nhận được rất nhiều đơn kêu cứu, ban đầu chỉ là những trường hợp lẻ tẻ, và con số đã tăng lên nhanh chóng trong năm nay.

Tin tức về số lượng lớn người Đài Loan bị buôn sang Campuchia hiện đang xuất hiện trên các trang nhất của các phương tiện truyền thông lớn của Đài Loan, và các tin tức liên quan liên tục được phơi bày. Phía cảnh sát Đài Loan một mặt truy bắt các thành viên của nhóm buôn người tại địa phương, mặt khác, tại sân bay cũng thực hiện nhắc nhở, thuyết phục những công dân làm thủ tục xuất cảnh chuẩn bị sang Campuchia quay lại. Đài Loan và Campuchia không có quá nhiều thương mại qua lại với nhau, cũng không có bang giao bình thường, do đó việc giải cứu những người Đài Loan đã “rơi vào miệng cọp” này cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Hậu quả nguy hại của “Một vành đai, một con đường”

Công viên đầu tư trực tuyến ở Sihanoukville, Campuchia là nơi tụ tập của các băng nhóm lừa đảo, và thậm chí nó đã trở thành danh từ cùng nghĩa với các băng nhóm lừa đảo, điều này có liên quan đến sự phát triển của nó trong những năm gần đây.

Hơn 10 năm trước, Sihanoukville vốn là một vùng đất cằn cỗi, sau này theo kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ, nó đã phát triển thành đặc khu kinh tế duy nhất ở Campuchia. Đồng thời, ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Campuchia đã thu hút một lượng lớn “thợ đào vàng” Trung Quốc. Vào thời kỳ đỉnh cao, có tới 500.000 người Trung Quốc ở Sihanoukville.

Tuy nhiên, Chính phủ Campuchia đã ban hành “Lệnh cấm cờ bạc” vào tháng 8/2019, dẫn đến việc dừng một số lượng lớn các công trình xây dựng ở Sihanoukville và nhiều người đã rút lui. Tuy nhiên, cũng có nhiều người không đi, họ đã chuyển sang ngành lừa đảo trực tuyến lợi nhuận hơn và cũng hoạt động trên mạng.

Các nhóm lừa đảo không chỉ lừa tiền mà còn đánh lừa tình cảm (ghi chú: một số phương pháp lừa đảo là kết bạn trực tuyến trước, sau đó lôi kéo nạn nhân đầu tư sau khi mối quan hệ ổn định), và thậm chí còn coi người như hàng hóa để buôn bán.

Đặc điểm chính của các băng nhóm lừa đảo là người chủ về cơ bản là người Trung Quốc. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đã không mang lại nền văn minh cho Campuchia, nhưng nó đã mở ra một chiếc hộp Pandora.

Bàn tay đen chuyển hướng sang Đài Loan

Các băng nhóm lừa đảo cần liên tục gia tăng nhân lực, vì vậy chúng công khai thu mua, dẫn đến việc hình thành một chuỗi công nghiệp đen buôn người xuyên qua nhiều quốc gia.

Trung Quốc, quốc gia có nhiều nạn nhân nhất, gần đây bàn tay đen đã vươn đến Đài Loan và được cho là có liên quan đến đợt bùng phát virus Trung Cộng (COVID-19). Sau khi đại dịch bùng phát, ĐCSTQ đã đóng cửa và đình chỉ các chuyến bay xuyên biên giới khiến các băng nhóm lừa đảo mất đi nguồn “con mồi” chính. Ngoài Trung Quốc, nơi nói tiếng Hoa nhiều nhất chính là Đài Loan.

Theo sĩ quan ông Chiêm Lợi Trạch thuộc Phòng Interpol của Cục Hình sự Đài Loan cho biết, ông nghe nói nhóm lừa đảo muốn người biết tiếng Trung. “Người biết tiếng Trung có giá trị tương đối cao, vì vậy người Đài Loan tương mới có giá tương đối”. Pippi được nhắc đến ở đầu bài viết được bán đầu tay với giá 25.000 đô la.

3 mắt xích buôn bán người

Một báo cáo khác của trang tin “The Reporter” tại Đài Loan tiết lộ, chuỗi ngành buôn người này được hỗ trợ bởi 3 mắt xích quan trọng – băng đảng buôn lậu người tại Đài Loan, trung gian Đông Nam Á và các nhóm lừa đảo.

Trong số đó, băng đảng buôn người tại Đài Loan thu xếp tất cả các dịch vụ cho người Đài Loan trước khi họ xuất cảnh, bao gồm đăng quảng cáo, phỏng vấn việc làm, ký hợp đồng, thuyết phục cha mẹ, hỗ trợ làm hộ chiếu, xét nghiệm virus và đưa đón sân bay.

Sau khi “hàng” đã được xuất cảnh, bước tiếp theo sẽ do các trung gian Đông Nam Á tiếp quản. Nhiệm vụ của người trung gian tương đối đơn giản, chỉ cần chào họ tại sân bay bằng một tấm ảnh phóng to, sau khi xác nhận đúng, họ sẽ nhanh chóng đưa người lên xe ô tô, tịch thu hộ chiếu, và lái xe đến khu lừa đảo, sau đó “giao hàng” và thu tiền.

Các nhóm lừa đảo thường đặt hàng với giá từ 10.000 USD đến 20.000 USD/ người, và các băng đảng buôn người tại Đài Loan và trung gian Đông Nam Á sẽ phân chia số tiền này. Sau khi các nhóm lừa đảo mua người, họ sẽ nghĩ mọi cách để lợi dụng nạn nhân tạo ra giá trị cao hơn.

Bởi vì là buôn bán không cần vốn, nên các phần tử băng đảng xã hội đen đã bị phơi bày có dính líu sâu và đổ xô tham gia. Trong một vụ án được cảnh sát phanh phui vào tháng Bảy, một hội trường của băng đảng nổi tiếng Đài Loan, Bang Trúc Liên, đã tuyển dụng 82 người Đài Loan đến Campuchia, thu về hơn 20 triệu Đài tệ (670.000 USD).

Thủ đoạn của băng nhóm lừa đảo

Tờ Epoch Times đã có một số báo cáo về các băng nhóm lừa đảo ở Campuchia vào đầu năm nay. Họ thường được giới thiệu thông qua mạng xã hội, hoặc người quen như bạn bè, đồng hương để lừa nạn nhân ra nước ngoài làm việc, làm nhân viên dịch vụ khách hàng của sòng bạc, nhân viên văn thư, kỹ thuật, v.v., được bao ăn ở và mức lương cao. Một khi có người cả tin, giấc mơ đẹp bắt đầu tan vỡ ngay từ khi bước xuống máy bay.

Các nhóm lừa đảo thường được cảnh sát quân sự địa phương cầm súng bảo vệ, và việc trốn thoát lại càng khó hơn. Muốn thoát thì phải mất ít nhất hàng chục ngàn đô la “phí chuộc thân”, nhưng ngay cả khi trả tiền thì cũng không chắc có thể thoát ra được. Ai không tuân theo và không có tiền thì có thể bị đánh và bán lại. Nhiều lần bán lại nhưng vẫn không phục tùng, có phụ nữ bị ép làm gái mại dâm, và một số người nghe nói rằng nội tạng của họ bị đánh cắp và bị bán.

Vào ngày 13/8, nữ nghệ sĩ Đài Loan Yuni Lee đã tiết lộ giá nội tạng mà cô biết trên Facebook, trong đó có 4 nội tạng giá trị nhất: tim khoảng 120.000 USD, gan 160.000 USD, thận 200.000 USD và tuyến tụy 350.000 USD. Nội tạng của một người cộng lại trị giá ít nhất 800.000 đô la, chưa bao gồm các cơ quan nhỏ.

Cô Yuni Lee nhắc nhở người Đài Loan, công việc bình thường mà lương cao là chuyện hoang đường, thuốc hối hận trên thế giới này đều phải dùng cái giá rất đắt mới đổi được, có người còn không có cơ hội hối hận.

Ngoài Campuchia, các băng nhóm lừa đảo còn có ở các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Lào, Việt Nam và Philippines, cũng như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ở Trung Đông.

250 người Việt bị lừa bán sang Campuchia được giải cứu

Hồi đầu tháng Bảy, theo thống kê của Bộ Công an Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, có 250 người Việt bị lừa sang Campuchia đã được giải cứu.

Tại Campuchia, họ bị cưỡng ép lao động trái phép, cưỡng đoạt tài sản, bán qua lại các chủ, đánh đập, ngược đãi, bắt gia đình nộp từ 3.000 – 30.000 USD để chuộc…

Bộ Công an Việt Nam cho biết những người cầm đầu việc cưỡng bức lao động Việt Nam, đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là người Trung Quốc và có sự tham gia, giúp sức của những người Việt đang ở Campuchia.

Nhóm tội phạm này hoạt động chủ yếu tại các khu vực Bavet (tỉnh Svay Rieng), Banteay Meanchey (tỉnh Poipet), TP.Sihanoukville (tỉnh Preah Sihanoukville), Chrey Thom (tỉnh Kandal) và Phnom Penh của Campuchia.

Anh N.V.B (ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), nạn nhân vụ việc, cho biết nơi anh làm việc tại Campuchia là một khu nhà được bao bọc bởi những bức tường cao chót vót, phía trên giăng thép gai trông như nhà tù; bên trong bảo vệ người Campuchia luôn kè kè súng trong tay, chỉ mới nhìn thôi cũng đã ớn lạnh.

Công việc của anh là hack facebook của những người có độ tương tác cao (đa số là facebook người Việt Nam) rồi bán cho sòng bạc để thực hiện những việc lừa đảo qua mạng; chiếm đoạt facebook của những người khác sau đó đổi tên, đổi hình đại diện thành những cô gái trẻ đẹp và tìm kiếm những facebook “tiềm năng” để tư vấn, chào mời họ đánh bạc trực tuyến.

Điều đáng nói, giới chủ còn ép nhân viên lên mạng lôi kéo thêm nhiều người khác sang Campuchia làm việc. Nếu không đủ chỉ tiêu, không tuyển được người sẽ bị chửi bới, đánh đập, rồi bị bán cho công ty khác với giá cao hơn.

Anh B. cho biết trong 3 tháng, anh chỉ nhận được 15 triệu đồng, nhưng phải trả 60 triệu đồng bao gồm 52 triệu đồng tiền chuộc, chi phí xe cộ, sinh hoạt ở công ty.

“Thực tế là không có lương cao, không có cuộc sống màu hồng như các đối tượng môi giới vẽ ra mà chỉ có áp lực làm chuyện phi pháp, bị tra tấn, đánh đập nếu không “lừa” được người khác chơi game hoặc dụ dỗ thêm người sang làm việc. Sang đến đây giữ được mạng sống để trở về Việt Nam là may mắn lắm rồi”, anh B. nói.

Hôm 18/8, Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng dịch COVID-19 số 21, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình phát hiện 40 người gồm 35 nam và 5 nữ từ casino Rich World ở tỉnh Kandal, Campuchia bơi sông Bình Di về Việt Nam.

Bước đầu, những người này khai trước đó đã xuất cảnh trái phép qua Campuchia ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam. Sau đó, họ làm việc tại Casino Rich World. Công việc hàng ngày là làm game online và lên các trang mạng làm theo sự chỉ đạo của chủ casino (người Trung Quốc). Do làm việc không được nghỉ ngơi, không được trả lương, bị đánh đập nên nhóm người bàn bạc tìm cách về Việt Nam.

Tổng cộng có 42 người tháo chạy khỏi casino, trong đó 40 người chạy thành công; thi thể em Đ.M.H. (16 tuổi) được tìm thấy trên sông thuộc An Phú (tỉnh An Giang) hôm 20/8; anh N.T. H. (25 tuổi, ngụ Gia Lai) bị bảo vệ casino giữ lại.

Trí Đạt (t/h)