Nỗ lực của Philippines nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng đang phải đối diện với 2 vấn đề: hầu hết người dân Philippines không muốn tiêm vắc-xin, và nếu tiêm, thì có nhiều người sẽ từ chối dùng loại của Trung Quốc.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: Par Roger Brown Photography/Shutterstock)

Vào ngày 17/5 vừa qua, một trung tâm tiêm chủng ở Thành phố Parañaque, Metro Manila, đã bị nhiều người vây quanh trước tin đồn về việc tiêm vắc-xin của hãng Pfizer.

Các báo cáo truyền thông cho thấy dòng người đông đúc tập trung tại trung tâm bất chấp quy định về giãn cách xã hội, thậm chí có cả những người không hẹn trước cũng xuất hiện.

Trong khi đó, các trung tâm tiêm chủng cung cấp các liều vắc-xin do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất báo cáo rằng có ít người đến tiêm chủng, và người dân cũng không đến đặt lịch tiêm, dẫn đến loại vắc-xin rơi vào tình trạng dư thừa vào cuối mỗi ngày.

Tiến sĩ Anthony Leachon, cựu cố vấn cấp cao của lực lượng đặc nhiệm về COVID-19 của Philippines, cho biết: “Tôi nghĩ đó là thành tích của [các công ty dược phẩm của Mỹ] trong việc sản xuất các loại thuốc chất lượng đã được chứng minh về hiệu quả và độ an toàn. Sản phẩm của họ là kết quả của quá trình nghiên cứu và phát triển xuất sắc”.

Theo ABS-CBN News, Philippines có 5,5 triệu liều vắc-xin Sinovac, 2,5 triệu liều vắc-xin AstraZeneca và 193.000 liều vắc-xin Pfizer.

Các quan chức trước đó đã ước tính rằng đất nước với dân số 110 triệu người, cần phải tiêm chủng ít nhất 70 triệu người để đạt được miễn dịch miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, ABS-CBN News cho biết rằng mục tiêu này đã được điều chỉnh trong tháng 5/2021 xuống còn 58 triệu.

Chương trình tiêm chủng của Philippines bắt đầu vào ngày 1/3. Theo số liệu do ABS-CBN news tổng hợp, tính đến ngày 24/5, chỉ có 986.929 người Philippines đã tiêm vắc-xin.

Trước những gì đã diễn ra ở Parañaque, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết hôm 18/5 vừa qua rằng người dân không còn được lựa chọn việc tiêm vắc-xin nữa. Ông cho hay thêm rằng người dân buộc phải tiêm vắc-xin, dù có muốn hay không.

Theo quy định hiện hành, chính quyền địa phương sử dụng vắc-xin theo phân cấp ưu tiên như sau: nhân viên y tế, người có bệnh lý nền, người già, người nghèo và nhân viên mặc đồng phục. Những người đủ điều kiện có thể đăng ký và đặt lịch hẹn bằng cách sử dụng một ứng dụng hoặc bằng cách điền vào biểu mẫu giấy.

Hiện nay, mọi người sẽ không được cung cấp thông tin về loại nhãn hiệu vắc-xin đang được sử dụng cho đến khi họ đến trung tâm tiêm chủng, lúc đó họ vẫn có thể từ chối nhưng sẽ cần phải đặt lại lịch hẹn.

Người phát ngôn của Tổng thống Harry Roque cho biết hôm 25/5 vừa qua rằng các nhân viên y tế được phép lựa chọn loại vắc-xin, nhưng những người cao tuổi và những người có bệnh lý nền lại không có được quyền này.

Một số nhà quan sát cho biết chính sách “bấp chấp thương hiệu” này có thể phản tác dụng vì 2 lý do.

Thứ nhất, hàng nghìn người Philippines làm việc ở nước ngoài phải trở về nước do đại dịch có thể không thể quay trở lại bởi quốc gia nơi họ làm việc sẽ yêu cầu cung cấp hộ chiếu vắc-xin và loại vắc-xin của Trung Quốc có thể sẽ không được chấp nhận.

Thượng nghị sĩ Christopher “Bong” Go cho biết vào ngày 25/5 tại thượng viện rằng “một số OFW [người lao động Philippines làm việc ở nước ngoài] tỏ ra do dự khi tiêm chủng bởi một số quốc gia yêu cầu loại vắc-xin cụ thể, mặc dù vắc-xin của chúng tôi đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả”.

“Nhiều OFW không thể rời khỏi đất nước vì các quốc gia nơi họ làm việc ưa thích việc sử dụng các thương hiệu vắc-xin của phương Tây. Họ đang bị phân biệt đối xử”.

Ông nói rằng “nếu có thể, chúng ta nên dùng một loại vắc-xin phù hợp với họ và có thể được chấp nhận tại các quốc gia mà họ đến làm việc”.

Thứ hai, hầu hết người dân Philippines đã không muốn được tiêm chủng. Vào hôm 20/5 vừa qua, nhóm khảo sát Social Weather Stations tiết lộ rằng chỉ có 32% người Philippines trưởng thành sẵn sàng tiêm vắc-xin. Hai tháng trước đó, một cuộc thăm dò của Pulse Asia chỉ ra rằng 61% những người được hỏi sẽ từ chối việc tiêm chủng.

Theo SCMP,

Phan Anh

Xem thêm: