Quỹ Di Sản (Heritage Foundation) là một think tank bảo thủ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới các chính sách công tại Hoa Kỳ, từng là think tank đứng đầu quốc gia này thời tổng thống Ronald Reagan. Ngày 14/10 vừa qua, Quỹ Di Sản đã đăng tải một bài viết về tình trạng đàn áp tín ngưỡng tại Trung Quốc, và kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ lên tiếng mạnh mẽ cho tự do tín ngưỡng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Dưới đây là toàn văn bản dịch. Bản gốc xem tại đây.

*

Trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục lạm dụng người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những nhóm khác, Hoa Kỳ cần tiếp tục dẫn đầu trong việc duy trì tự do tín ngưỡng.

Về vấn đề tín ngưỡng ở Trung Quốc, Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng: Không có nhóm tín ngưỡng nào được nằm ngoài tầm kiểm soát của ĐCSTQ.

Cuối tháng trước, Quỹ Jamestown đã báo cáo về một chương trình tập trung hóa và cải tạo mới của ĐCSTQ ở Tây Tạng, tương tự như chiến dịch cưỡng bức lao động đang được thực hiện đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Chỉ riêng trong năm 2020, có khoảng 600.000 người Tây Tạng ở nông thôn đã trở thành đối tượng của chương trình tẩy não và phải chịu đựng nhiều hình thức lao động khổ sai.

Chương trình huấn luyện kiểu quân đội này đi kèm với chương trình luân chuyển lao động nhằm phân bổ lại người lao động đến những nơi không phải là quê hương của họ – thường là những nơi bên ngoài Tây Tạng. Việc tập trung hóa nhanh chóng tách người ta ra khỏi quê hương mình, tách rời họ khỏi di sản truyền thống vốn có, thay thế ngôn ngữ mẹ đẻ thành tiếng Quan Thoại và định hướng lại cũng như trần tục hóa truyền thống tín ngưỡng của họ để phù hợp với các nguyên lý và mục tiêu của ĐCSTQ.

Chúng ta đã từng nghe câu chuyện tương tự trước đây. Chúng ta chắc chắn sẽ nghe nó một lần nữa. Và nó chắc chắn không có một kết thúc có hậu.

Vào năm 2017, các báo cáo cho thấy ĐCSTQ đã tập trung và giam giữ những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ vào các cơ sở đào tạo chính trị ở Trung Quốc. Lúc đầu người ta uớc tính có khoảng vài trăm nghìn người đã bị giam trong các trại tập trung, nhưng con số nhanh chóng được sửa đổi để phản ánh bức tranh chân thực: khoảng 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ.

Những người may mắn được trả tự do sau đó đã chia sẻ những câu chuyện về việc nghe thấy tiếng la hét của những người bạn tù ở hành lang bị tra tấn, bị tiêm thuốc cưỡng bức khiến họ phải triệt sản và những nỗi kinh hoàng khác.

Giống như người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ cũng bị cưỡng bức lao động. Trong số những người chưa được đưa đến các trại cải tạo chính trị, những người Duy Ngô Nhĩ có tri thức đang bị buộc thôi việc văn phòng và phải đi làm công nhân. Và họ cũng phải chịu sự luân chuyển lao động có hệ thống.

Các biện pháp cưỡng chế của ĐCSTQ nhằm hạn chế quy mô gia đình giữa những người Duy Ngô Nhĩ đã làm dấy lên lo ngại rằng mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là hạn chế đáng kể, hoặc có thể là loại bỏ hoàn toàn thế hệ người Duy Ngô Nhĩ tiếp theo. Chính sách cưỡng bức triệt sản và cưỡng bức cấy vòng tránh thai, kết hợp với chính sách cưỡng bức phá thai tàn bạo và lạm dụng tình dục, cũng có mục tiêu này. Cũng có báo cáo về việc trẻ em Duy Ngô Nhĩ bị tách khỏi gia đình và buộc phải vào các trường nội trú do nhà nước quản lý. Cưỡng chế giới hạn sinh sản và chuyển giao trẻ em từ nhóm này sang nhóm khác có thể cấu thành tội ác diệt chủng hoặc tội ác chống lại loài người.

ĐCSTQ từ lâu đã coi hoạt động tín ngưỡng độc lập là một mối đe dọa đối với sự cai trị của Đảng. Mặc dù Đảng không tìm cách loại bỏ tín ngưỡng, nhưng Đảng lại tìm cách thay thế vị trí của tín ngưỡng trong tâm trí của các tín đồ. Nếu không thay thế được, ít nhất Đảng cũng sẽ tìm cách thu nạp nó vào Đảng.

Chính sách Nhất thể hóa của Tập Cận Bình đã gia tăng việc đàn áp những người có đức tin, nhằm mục đích thế tục hóa tín ngưỡng để đảm bảo rằng tín ngưỡng đó có thể thúc đẩy các mục tiêu của ĐCSTQ. Chính sách Nhất thể hóa thực hiện điều này một phần thông qua việc thiết lập các cơ sở tín ngưỡng được nhà nước công nhận, nhằm kiểm soát và thậm chí sửa đổi cách thức mà các tín đồ thực hành đức tin của họ.

Dưới thời Nhất thể hóa, các quy định và việc can thiệp hoàn toàn vào hoạt động tín ngưỡng đã được đẩy mạnh. Những người theo Kitô giáo đã phải chứng kiến Thánh giá bị gỡ bỏ từ trên đỉnh các nhà thờ, chứng kiến nhà thờ bị phá dỡ và các mục sư, như Mục sư Vương Di của Giáo hội Thu Vũ Thánh Ước, bị bỏ tù.

Heritage Foundation: Cần phải lên tiếng về việc đàn áp tín ngưỡng tại Trung Quốc
Chính quyền Hà Nam đốt cháy Thánh giá của một nhà thờ địa phương. (Ảnh: VOA)

Những người Trung Quốc theo Công giáo đã chứng kiến cảnh ​​các nhà lãnh đạo của họ đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh 2 năm về trước, giúp ĐCSTQ có tiếng nói về việc bổ nhiệm các giám mục ở Trung Quốc. Và mới tuần trước, có thông tin cho rằng sách giáo khoa trung học do chính phủ phát hành đã sửa đổi một câu chuyện trong Kinh thánh để làm méo mó một trong những lời dạy quan trọng của Chúa Jesus. Sau khi khuyên người khác đừng ném đá vào người phụ nữ đã phạm tội, [thay vì khuyên răn người phụ nữ, sách giáo khoa viết rằng] chính Chúa Jesus đã ném đá vào cô.

Các phong trào tín ngưỡng khác cũng không khá hơn. Có rất nhiều báo cáo cho biết các thành viên của Pháp Luân Công, một phong trào tu luyện tinh thần được sáng lập vào những năm 1990, đã bị thu hoạch nội tạng và bỏ tù bất hợp pháp

Mặc dù không bị đàn áp khốc liệt như người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, nhưng người Hồi vẫn không được bình an vô sự. Họ cũng phải chứng kiến cảnh các nhà thờ Hồi giáo của họ bị đóng cửa và các hoạt động tôn giáo bị giới hạn.

Mặc dù ĐCSTQ có thể nhắm mục tiêu vào mỗi nhóm tín ngưỡng vì những lý do riêng biệt, nhưng điều thúc đẩy các hành động chống tín ngưỡng của Đảng nói chung là vì Đảng tin rằng tín ngưỡng là mối đe dọa đối với chính quyền của mình. Do đó, Đảng xem việc đàn áp tín ngưỡng là điều cần thiết cho sự ổn định nội bộ của Đảng..

Cộng đồng quốc tế và chính phủ Hoa Kỳ nên ý thức được sự nghiêm trọng của việc ĐCSTQ hạn chế các hoạt động tín ngưỡng tại Trung Quốc.

Trung Quốc là một trong những quốc gia vi phạm một cách nghiêm trọng nhất các quyền con người được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, vào mùa xuân năm ngoái, Trung Quốc lại được bổ nhiệm vào một trong năm ghế của Nhóm Tư vấn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, một nhóm có quyền lựa chọn các chuyên gia đi báo cáo về những nơi như Tân Cương và Tây Tạng. Và, với sự bổ nhiệm đó, Bắc Kinh hiện đã sẵn sàng để giành một trong 47 ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Việc Trung Quốc vi phạm quyền tự do tín ngưỡng trong nước hoàn toàn trái ngược với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế mà Liên Hợp Quốc tán thành. Nếu Trung Quốc nắm quyền lãnh đạo Hội đồng Nhân quyền, những chuẩn mực đó có thể bị thay đổi đến không thể nhận ra được nữa.

Bất kể ai thắng cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 này, tự do tín ngưỡng phải tiếp tục là ưu tiên cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Tuần trước, 39 quốc gia đã ký một tuyên bố tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chỉ trích sự lạm dụng nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương. Đây là thành quả của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Chính phủ Hoa Kỳ phải tiếp tục dẫn đầu trong nỗ lực này và kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, bao gồm cả những người bị đưa vào trại cải tạo vì đức tin của họ.

Việc đảm bảo quyền được sống với tín ngưỡng cá nhân là cần thiết để bảo tồn tự do, hòa bình và an ninh. Bảo vệ tự do tín ngưỡng cũng là một yếu tố then chốt trong việc chống lại các âm mưu mà chế độ Trung Quốc và các chính phủ cùng chí hướng với họ vạch ra để củng cố và gia tăng quyền lực của họ. Âm mưu đó đã dẫn đến những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ngang với tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người.

Tác giả: Olivia Enos, Emilie Kao
Minh Nhật biên dịch

Mời xem video: