Hôm 29/5 truyền thông Thụy Sĩ đưa tin, do Thụy Sĩ ngày càng lên án mạnh mẽ vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, nên chuyện đàm phán cập nhật hiệp định thương mại tự do của nước này và Trung Quốc đã bị đình trệ.

Embed from Getty Images

Một cảng ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Hình chụp ngày 7/12/2021. (Nguồn: STR/AFP/Getty)

Theo Reuters đưa tin, vào năm 2013 Thụy Sĩ và Trung Quốc đã ký một hiệp định thương mại tự do, đây là hiệp định đầu tiên thuộc loại này giữa Bắc Kinh và một nền kinh tế lục địa châu Âu. Thụy Sĩ đã và đang tìm cách cập nhật một hiệp định thương mại tự do, theo đó mở rộng phạm vi giảm thuế quan đối với nhiều sản phẩm của Thụy Sĩ hơn và mở rộng hiệp ước để bao gồm các chương trình bền vững. Nhưng truyền thông Thụy Sĩ cho biết Bắc Kinh không muốn duy trì.

“Cho đến nay vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về một danh sách các chủ đề chung cần được khám phá sâu hơn”, Ban Thư ký Liên bang Thụy Sĩ về các vấn đề kinh tế (SECO) cho biết trong một tuyên bố với tờ báo Thụy Sĩ SonntagsBlick.

Tờ NZZ am Sonntag hôm Chủ nhật đưa tin với tiêu đề “Sự bế tắc đối với Trung Quốc” (The Chinese impasse), theo đó cho biết Thụy Sĩ đã có lập trường chỉ trích mạnh hơn đối với hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

Ủy ban Các vấn đề Pháp lý (Legal Affairs Committee) của Hội đồng Quốc hội Thụy Sĩ (National Council) gần đây đã thông qua một sáng kiến, theo đó ​​gọi lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của Trung Quốc “là vấn đề thực sự” và đã lên án nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Nhà cầm quyền Bắc Kinh Trung Quốc lâu nay thường thực hiện biện pháp cưỡng chế kinh tế, khi một nước không khuất phục ý chí chính trị của họ thì họ cấm nhập khẩu sản phẩm từ nước đó. Ví dụ vào tháng 11 năm ngoái khi Litva cho phép Đài Loan thành lập “Văn phòng đại diện Đài Loan tại Litva”, hệ quả bị nhà cầm quyền Trung Quốc trả đũa hạ cấp quan hệ ngoại giao và áp đặt các hạn chế thương mại, bao gồm cả việc hải quan của Trung Quốc từ chối thông quan hàng hóa của Litva và gây áp lực lên các công ty EU để không chứa các thành phần của Litva trong hàng hóa xuất khẩu của EU sang Trung Quốc.

Thành tích nhân quyền tồi tệ của nhà cầm quyền Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế theo dõi và lên án. Nền kinh tế Đức lớn nhất của EU vốn mở mang với Trung Quốc thì hiện cũng dường như đang chuyển hướng lên án Trung Quốc.

Thủ tướng Đức hiện tại là ông Olaf Scholz cho biết vào ngày 27/5 rằng Đức không nên vì lo ngại kinh tế mà tránh chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Ông cũng cho biết các công ty Đức nên tránh phụ thuộc đơn phương vào Trung Quốc và nên làm nhiều hơn nữa để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu.

Bộ Kinh tế Đức ngày 27/5 cho biết, Chính phủ Đức sẽ ngừng cung cấp bảo lãnh đầu tư cho các công ty muốn đầu tư vào khu vực Tân Cương của Trung Quốc do tình hình nhân quyền ngày càng xấu đi.

Theo tờ Der Spiegel hàng tuần của Đức, Bộ Kinh tế Đức đã không chấp thuận bảo lãnh cho khoản đầu tư bổ sung của công ty Volkswagen vào Trung Quốc do lo ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương.

Đầu tuần trước, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế Đức là Robert Habeck cho biết Đức đang đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc và sẽ chú ý hơn đến các vấn đề nhân quyền.