Vài năm trước, một người bạn Hoa kiều sinh sống tại Canada của tôi, cô Anastasia Lin, hoa hậu Miss World Canada, đã đi thử vai chính trong tác phẩm mới của Disney, Mulan 2020. Cô đã không nhận được vai diễn, và giờ đây tôi [cuối cùng] đã hoàn toàn hiểu được lý do đằng sau.

Bộ phim Mulan 2020 dựa trên câu chuyện của một thiếu nữ Trung Hoa cổ xưa vào thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên, tên là Hoa Mộc Lan. Cô đã giả nam để ra chiến trường thay cho người cha già yếu của mình. Đây là một câu chuyện về lòng dũng cảm, trí tuệ, lòng kiên trung và đạo nghĩa.

Về nhân cách mà nói, Lin là một diễn viên hoàn hảo cho bộ phim bởi vì bản thân cô là một người kiên trì và dũng cảm phi thường trong cuộc chiến nhân quyền chống lại chế độ Trung Cộng. Nhưng đó cũng là nguyên nhân chính khiến cô không được nhận vai. Tất nhiên, xét về tài năng thì Lin có thể mạnh mẽ cạnh trạnh cho vai diễn, nhưng những hoạt động chính trị của cô đã khiến người ta loại ngay cô từ vòng đầu.

Thay vào đó, họ đã chọn Lưu Diệc Phi, một diễn viên Hoa Kiều tại Mỹ cho vai Mộc Lan. Rất nhanh sau đó, Lưu Diệc Phi đã công khai “khấu đầu” đối với chế độ Bắc Kinh khi bày tỏ sự ủng hộ với lực lượng cảnh sát Hồng Kông trong việc đàn áp tàn bạo những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Bất chấp việc cảnh sát Hồng Kông sử dụng bạo lực lan rộng, bừa bãi, và không tương xứng [với người biểu tình không có vũ khí], bất chấp việc những hành động này bị các tổ chức nhân quyền lên án rộng rãi, Lưu Diệc Phi đã đăng một thông điệp trên Weibo với nội dung: “Tôi cũng ủng hộ cảnh sát Hồng Kông.”

Hong Kong Free Press: Người yêu điện ảnh có lương tri nên tẩy chay Mulan 2020
Poster tẩy chay phim Mulan của cư dân mạng Đài Loan (Ảnh: Facebook Light4HK)

Lưu Diệc Phi đã đăng tin này ngay sau khi cảnh sát Hồng Kông cho phép xã hội đen đánh đập dân thường mà không bị trừng phạt ở quận Nguyên Lãng, Hồng Kông, và sau các báo cáo đáng tin cậy về bạo lực tình dục và tra tấn trong trại các giam ở Trung Quốc do Tổ Chức Ân xá Quốc tế đưa ra.

Đương nhiên nhận xét của Lưu Diệc Phi đã gây ra phản ứng dữ dội trong cộng đồng người Hồng Kông và họ đã kêu gọi tẩy chay bộ phim. Hành động của Lưu Diệc Phi [trong bối cảnh này quả thật] là không cần thiết. Cô không cần phải bình luận về cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông. Nhưng rõ ràng cô cảm thấy cần phải gắn bó với Bắc Kinh.

Nhưng giờ đây chúng ta đã hiểu nguyên nhân [cho hành động của Lưu Diệc Phi]. Bộ phim Mulan 2020 do Disney sản xuất và phát hành thứ 6 ngày 4/9/2020 không phải là một bộ phim dành cho gia đình, mà là một tác phẩm thông đồng mật thiết với chế độ Trung Cộng và là một tác phẩm tuyên truyền của Trung Cộng.

Hóa ra Mulan 2020 đã được quay ở Tân Cương, một vùng đất “nổi tiếng” vì tại đây chế độ Trung Cộng đàn áp tàn bạo người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trên diện rộng.

Tên gọi chính thức của vùng đất này là Khu Tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ (XUAR) và nó được người Duy Ngô Nhĩ gọi là vùng Đông Turkestan. Đây là nơi có hệ thống các trại tập trung giam giữ ít nhất 1 triệu người, có thể lên đến 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ. Ở đó họ bị buộc phải lao động khổ sai, bị tra tấn và bạo lực tình dục.

Nơi đây, bên ngoài các trại giam là một hệ thống giám sát kiểu [độc tài như nhà văn] Orwell [mô tả trong tiểu thuyết 1984], mọi hành động của người Duy Ngô Nhĩ đều bị theo dõi từng chút một. Chế độ Trung Cộng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhận diện khuôn mặt, camera ở mọi khu nhà và đặc vụ Trung Cộng sống cùng với các gia đình người Duy Ngô Nhĩ 24/24 mỗi ngày. Một người bạn Duy Ngô Nhĩ của tôi ở Kuzzat Altay đã nói với tôi 18 tháng trước rằng: “Người ta thậm chí không có cả tự do để thở.”

Nơi đây, không có tự do tôn giáo, và người ta cho phá hủy các nhà thờ Hồi giáo và khu chôn cất người Hồi giáo. Việc đàn ông để râu dài hoặc đội khăn trùm đầu có thể là nguyên nhân khiến họ bị bắt giữ. Các hoạt động tôn giáo như ăn chay trong tháng Ramadan hoặc cầu nguyện đều sẽ bị trừng phạt và người Duy Ngô Nhĩ còn bị ép ăn thịt lợn và uống rượu.

Nơi đây, là nơi chứng kiến việc đưa người Duy Ngô Nhĩ đến các vùng khác của Trung Quốc để làm nô lệ lao động, trong các nhà máy sản xuất cho các thương hiệu nổi bật trên các khu phố thương mại, và cho các tập đoàn đa quốc gia.

Nơi đây, theo nhà nghiên cứu Adrian Zenz, đã và đang diễn ra một chiến dịch cưỡng bức triệt sản đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, nhắm đến 80% phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đang trong độ tuổi sinh đẻ tại 4 quận có đông người Duy Ngô Nhĩ. Theo công ước Chống Diệt chủng năm 1948 thì chiến dịch này có thể tương đương với tội ác diệt chủng.

Đầu tháng 9, một bác sĩ người Duy Ngô Nhĩ dũng cảm đã nói với ITV rằng bản thân cô đã thực hiện từ 500 đến 600 ca phẫu thuật đối với phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm cưỡng ép chống mang thai, cưỡng ép phá thai (kể cả thai nhi ở hai tháng cuối của thai kỳ), cưỡng ép triệt sản và cưỡng ép cắt bỏ tử cung. Cô nói rằng có ít nhất một ca là một em bé vẫn còn động đậy khi cho vào thùng rác. Những người khác cho biết, người ta sẽ tiêm để giết chết các em bé sơ sinh nếu các em vẫn còn sống sau khi phá thai muộn. (Xem bài: Bác sĩ tị nạn Duy Ngô Nhĩ: Phá thai, giết trẻ sơ sinh, cắt bỏ tử cung tại Tân Cương)

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố rằng mục đích của cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ này là “phá vỡ dòng dõi của họ, phá vỡ cội nguồn, phá vỡ mối liên hệ và phá vỡ nguồn gốc của họ”. Tờ Washington Post đã bình luận, “Thật khó để nghĩ rằng tuyên bố này mang hàm ý gì khác ngoài ý định diệt chủng.” Các tài liệu cấp cao của chính phủ Trung Quốc bị rò rỉ vào năm ngoái đề cập đến cụm từ “hoàn toàn không thương xót”.

Tình hình nghiêm trọng đến mức luật sư Anh quốc Geoffrey Nice đang đứng đầu một cuộc điều tra độc lập về việc liệu các bằng chứng [về sự đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương] có liên quan đến tội ác diệt chủng hay không. Ông là người đã truy tố cựu tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic, nên ông có thể nhận ra các tội ác tàn bạo khi nhìn thấy chúng. Năm ngoái, ông đã dẫn đầu một cuộc điều tra tương tự về các cáo buộc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm ở Trung Quốc và kết luận rằng tội ác này đang được thực hiện và được coi là “tội ác chống lại loài người” theo luật pháp quốc tế. Tòa án độc lập do ông chủ trì cũng kết luận rằng những người đang giao dịch với chế độ Bắc Kinh cần biết rằng họ đang “tương tác với một nhà nước tội phạm”. (Xem thêm: 10 ngày 4 quả tim: Thực trạng ngành công nghiệp ghép tạng của ĐCSTQ)

Những nhà sản xuất của Mulan 2020 có vẻ như cũng cùng hội cùng thuyền với nhà nước tội phạm này. Phần thông tin cuối phim có “lời cảm ơn đặc biệt” đến không ít hơn 8 cơ quan chính phủ ở Tân Cương trong đó có cả Cục An ninh Công cộng ở Turpan, một thành phố có nhiều trại tù tồn tại. Ngoài ra Bộ phận tuyên truyền Tân Cương của ĐCSTQ cũng được nhắc tới. Nói cách khác, đây là một bộ phim được thực hiện với sự hỗ trợ của một chế độ đang phạm tội ác chống lại loài người và cũng có thể phạm tội ác diệt chủng.

Chẳng trách Disney không cần cân nhắc việc cho Anastasia Lin vào vai chính. Cô là người đã phơi bày tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm ở Trung Quốc với thế giới. Disney muốn kiếm lời ở Trung Quốc. Và đương nhiên, sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hollywood từ lâu đã rất rõ ràng. Nhưng đối với Mulan 2020, hình thức ảnh hưởng này đã thay đổi từ ngấm ngầm kiểm duyệt sang tiếp quản hoàn toàn.

Bộ phim, không hơn không kém, chính là một công cụ tuyên truyền cho chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bành trướng mạnh mẽ của Tập Cận Bình, nhằm tạo ra niềm tự hào trong nước và ảnh hưởng ở nước ngoài. Đó là lý do tại sao tôi sẽ không bao giờ đi xem bộ phim này, và tôi kêu gọi tất cả những ai có lương tâm hãy tham gia chiến dịch #BoycottMulan.

Theo Hong Kong Free Press
Tác giả: Benedict Rogers
Minh Nhật biên dịch

Ông Benedict Rogers là nhà hoạt động nhân quyền, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch.