Trước đây, cựu huấn luyện viên trưởng Takeshi Okada của đội bóng đá Nhật Bản từng đến Trung Quốc dẫn dắt đội tuyển một khoảng thời gian, ông đã chia sẻ những ý kiến riêng của mình về đội tuyển bóng đá ở nước này. Còn mới đây, huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia Nhật Akira Nishino cũng đến thăm Trung Quốc và ông đã có những chia sẻ thẳng thắn rằng “bóng đá Trung Quốc không tiến bộ, họ gặp vấn đề về thể chế”.

Đội tuyển Nhật Bản được công nhận là đội mạnh nhất châu Á, còn đội tuyển Trung Quốc thì xếp thứ hạng trong khoảng 6-12 bậc, khoảng cách về bóng đá của hai nước là rất lớn.

Cựu huấn luyện viên Takeshi Okada quan sát các cầu thủ bóng đá Trung Quốc

Ông Takeshi Okada chia sẻ rằng các cầu thủ Trung Quốc bắt đầu tập luyện từ 10 giờ sáng, nếu là ở Nhật, các cầu thủ đã ra sân luyện tập từ rất sớm rồi. Trong một lần phát biểu, ông nói: Đội bóng của Trung Quốc thiếu những người nhiệt huyết với bóng đá, thiếu những người thật sự muốn nâng cao chất lượng đội tuyển.

bóng đá Trung Quốc
Đội bóng đá Trung Quốc. (Ảnh: Wikipedia)

Những lời thẳng thắn của huấn luyện viên Akira Nishino

Bài báo đăng ngày trên tờ “Sankei Shimbun” có viết, trong buổi phát biểu tại trường Đại học Thanh Hoa vào ngày 12/1/2019, huấn luyện viên Akira Nishino đã đưa ra những đánh giá về đội tuyển bóng đá Trung Quốc hiện nay. Ông thẳng thắn bày tỏ những suy nghĩ của mình. Ông cho biết đội tuyển Trung Quốc “không hề tiến bộ”, nhưng đồng thời ông cũng kỳ vọng nếu không có sự mạnh mẽ của bóng đá Trung Quốc thì bóng đá châu Á khó mà bước lên tầm cao mới.

Ông Akira Nishino chỉ ra rằng Chinese Super League (Giải bóng đá ngoại hạng Trung Quốc) đã thu hút rất nhiều cầu thủ quốc tế xuất sắc, thế nhưng bản thân bóng đá Trung Quốc lại không nhận được sự ảnh hưởng tích cực từ các cầu thủ này, vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Từ đó có thể thấy rằng bóng đá Trung Quốc tồn tại vấn đề về thể chế.

bóng đá Trung Quốc
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Nhật Bản, ông Akira Nishino. (Ảnh: Youtube)

Người phụ trách sự kiện này, ông Lưu Gia Viễn cho biết bóng đá Trung Quốc thiếu hụt nghiêm trọng các huấn luyện viên trình độ cao, khiến cho cơ chế huấn luyện của đội tuyển khó được hoàn thiện. Ông Akira Nishino thì cho rằng, không có đội tuyển quốc gia nào có thể đạt được trình độ cao chỉ trong ngày một ngày hai, Trung Quốc cần nghiêm túc hoạch định chính sách phát triển bóng đá hợp lý.

Vào tháng 6/2018, truyền thông Nhật từng tiết lộ, khi World Cup 2018 đang diễn ra, ở bên ngoài có một phóng viên Argentina xảy ra xung đột với phóng viên Trung Quốc do tranh chấp vị trí ngồi. Khi đó phóng viên Trung Quốc rất tức giận, giọng nói cũng rất lớn. Lúc này, phóng viên Argentina bỗng phản bác: “Các anh còn chẳng vào nổi World Cup, còn ở đây kiêu ngạo gì chứ?” Phóng viên Trung Quốc nghe xong lập tức im lặng, không biết nói gì hơn.

Phóng viên người Nhật Omiya Miyako đã chứng kiến hai người cãi vã thì nghĩ rằng, sự vinh dự được tham gia World Cup thuộc về đội mạnh hơn, tuy thái độ ức hiếp người của phóng viên Argentina là không đúng, “Nhưng câu nói này thì đúng là sự thật”.

Bóng đá Trung Quốc “chết vì lợi ích”

Những người đứng đầu của bóng đá Trung Quốc không hề xem trọng “nền tảng” bóng đá, vì việc sửa đổi nền tảng quá phức tạp, quá lâu dài, hơn nữa trong cơ chế trách nhiệm thì không có ai muốn gánh nguy cơ cả.

Ngoài ra, những hiện tượng như “bán độ”, “gian lận”, “hối lộ bóng đá” không ngừng xảy ra, thậm chí quan chức chính phủ còn thao túng trận đấu nhằm xây dựng mối quan hệ chính trị của họ, những điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm tinh thần thi đấu của các cầu thủ.

TQ
Cấp quản lý bóng đá Trung Quốc bị tố cáo bao nhà hàng ăn chơi trong thời gian World Cup ở Nga. (Ảnh: Weibo)

Truyền thông Hàn Quốc bình luận rằng, các tin tức tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của bóng đá Trung Quốc, đến nay vẫn chưa hoàn toàn loại bỏ được vấn đề cá độ bóng đá. Văn hóa bóng đá lạc hậu, liên tục xảy ra những vụ các cầu thủ cùng nhau “hợp sức” đuổi huấn luyện viên trưởng đi, hoặc đội tuyển tuyển người dựa vào mối quan hệ quen biết.

Vấn đề thể chế

Bóng đá Trung Quốc từ trước đến nay không nổi bật, “vấn đề thể chế” được xem là nguyên nhân căn bản cho sự ảm đạm này.

Ngoài ra chính sách kế hoạch hóa gia đình của chính quyền Trung Quốc dẫn đến việc “con cưng” của các gia đình một con mất đi tinh thần hợp tác tập thể, có người cho rằng đây là một trong những nguyên nhân cho việc cá nhân cầu thủ Trung Quốc thì có thành tích nổi bật, nhưng phối hợp tập thể lại tỏ ra yếu kém.

Có người dự đoán rằng, 5-6 năm sau sẽ xuất hiện hiện tượng đội tuyển trẻ chủ lực của bóng đá Trung Quốc cũng không giỏi, ví dụ như bắt đầu từ năm 2007, đội tuyển U-17 đã liên tục 6 năm chưa vào được vòng chung kết của World Cup U-17.

Một quốc gia lớn có 1,4 tỷ dân, mà số cầu thủ trẻ chỉ có 8.000 người. Trong khi đó ở Nhật có 670.000 trẻ em chơi bóng đá, còn ở cường quốc bóng đá như Đức – con số này lên đến 6,5 triệu. Ngay cả số người đá bóng cơ bản cũng không có, xem ra việc “bứt phá châu Á, hướng đến thế giới” của bóng đá Trung Quốc chỉ là một câu khẩu hiệu mà thôi.

Thanh Long

Xem thêm: