Tập đoàn thời trang khổng lồ của Thụy Điển H&M hôm thứ Ba (15/9) cho biết họ đã chấm dứt mối quan hệ với một nhà sản xuất sợi Trung Quốc vì có nguy cơ liên quan tới “lao động cưỡng bức” tại Tân Cương.

Embed from Getty Images

Nhà bán lẻ thời trang nêu rõ rằng họ không làm việc với bất kỳ nhà máy may mặc nào trong khu vực và sẽ không còn mua bông (cotton) từ Tân Cương, khu vực trồng bông lớn nhất Trung Quốc.

Trước đó, một báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI) được công bố vào tháng 3 đã chỉ ra rằng H&M là một trong những đơn vị thụ hưởng trong chương trình chuyển giao lao động cưỡng bức tại nhà máy sản xuất sợi nhuộm Huafu ở An Huy, nơi bị cáo buộc có sử dụng lao động ép buộc từ Tân Cương.

Tuy nhiên, H&M cho biết trong một tuyên bố rằng họ chưa bao giờ có mối quan hệ với nhà máy ở An Huy, cũng như các hoạt động của Huafu ở Tân Cương.

H&M đã thừa nhận rằng họ có “mối quan hệ kinh doanh gián tiếp với một nhà máy” ở Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang, trực thuộc Huafu Fashion.

“Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy lao động cưỡng bức ở nhà máy Shangyu, nhưng cho đến khi chúng tôi hiểu rõ hơn về các cáo buộc lao động cưỡng bức, chúng tôi đã quyết định loại bỏ mối quan hệ kinh doanh gián tiếp của chúng tôi với Huafu Fashion Co ở bất kể khu vực nào trong thời gian 12 tháng tới,” H&M tuyên bố.

Công ty cũng cho biết họ đã tiến hành một cuộc điều tra tại tất cả các nhà máy sản xuất hàng may mặc mà hãng đang làm việc ở Trung Quốc nhằm đảm bảo rằng họ không sử dụng lao động cưỡng bức thông qua các chương trình chuyển đổi lao động hoặc các chương trình việc làm khác.

Áp lực quốc tế đang gia tăng đối với ĐCSTQ về các hành vi vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương.

Hôm thứ Hai (14/9), Liên minh châu Âu đã đề nghị Trung Quốc cho các quan sát viên độc lập của họ đến Tân Cương, đồng thời sẽ ràng buộc vấn đề nhân quyền vào trong các thỏa thuận thương mại và đầu tư trong tương lai với Bắc Kinh.

Các nhóm nhân quyền cho biết hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ hiện đang bị giam cầm trong các trại cải tạo chính trị mà Bắc Kinh mô tả là các trung tâm đào tạo nghề.

Trung Quốc đã liên tục phủ nhận các cáo buộc liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nói rằng những lời chỉ trích về Tân Cương là có động cơ chính trị và dối trá.

Hôm 14/9, hải quan Hoa Kỳ cho biết họ sẽ cấm vận chuyển một loạt các sản phẩm của Trung Quốc bao gồm bông, hàng may mặc và các sản phẩm tóc từ Tân Cương vì lo ngại chúng là sản phẩm từ việc sử dụng lao động cưỡng bức.

Ngay sau đó, Trung Quốc đã đánh giá động thái của Mỹ là “bắt nạt” và bác bỏ mọi cáo buộc về lao động cưỡng bức, nói rằng chúng là “hoàn toàn bịa đặt”.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: