Luis Francisco Orozco là một nhà báo và nhà phân tích chính trị người Venezuela. Tài khoản Twitter của ông là @LForzco. 

Embed from Getty Images

Bài báo này gồm có 2 phần kể về trải nghiệm của một nhà báo người Venezuela trốn thoát khỏi quốc gia xã hội chủ nghĩa thất bại và vật lộn sống sót tại nơi mà các phóng viên, nhà báo thường trực bị đe dọa tính mạng và thân thể. Một số tên trong bài báo đã được thay đổi để đảm bảo sự an toàn của những người liên quan. 

***

Câu chuyện bắt đầu vào một đêm mưa ở thành phố Maracaibo của Venezuela năm 2014, một vài tháng sau khi nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela Leopoldo Lopez bị giam giữ. Các cuộc biểu tình và bạo động trên toàn quốc là một bước ngoặt trong lịch sử hiện đại của Venezuela. 

Tôi làm việc trong một phòng tin tức. Hôm đó, ngay trước khi rời khỏi văn phòng, tôi nhận được tin nhắn từ một người bạn quen biết nhà lãnh đạo của cuộc nổi dậy chống chính quyền trong thành phố. Anh ấy cho tôi số điện thoại “an toàn” của cô và cho biết cô ấy hiện đang sẵn lòng cho một cuộc phỏng vấn. Hiển nhiên, cô ấy là một thành viên cấp cao trong nhóm chính trị mà mục tiêu số một là lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa của tổng thống Nicolas Maduro, tiến tới một cuộc chuyển giao dân chủ tại Venezuela. 

Tối hôm đó, tôi gọi cho người lãnh đạo phe đối lập để sắp xếp trao đổi về một cuộc phỏng vấn. Cô ấy chia sẻ mình đã phải bỏ lại gia đình và sống trong bí mật để tránh khỏi sự bắt bớ của Vệ binh quốc gia và Tình báo nhà nước Bolivar (SEBIN). 

Chúng tôi tiếp tục trò chuyện và quyết định hẹn gặp mặt tại một nhà hàng ở trung tâm thành phố. Hai người đã phải vô cùng cẩn thận và giữ bảo mật để tránh việc bất cứ tin nhắn văn bản hay cuộc gọi nào trên điện thoại bị cơ quan an ninh phát hiện. Trước đó, lực lượng an ninh đã bỏ tù và giết hại nhiều người biểu tình trên toàn quốc. 

Trong buổi phỏng vấn, cô giải thích rằng SEBIN đang làm “biến mất” các  thành viên của phe kháng chiến. Cô khẳng định một số sĩ quan đã nhắm vào các cô gái và phụ nữ trong nhóm nổi dậy để cưỡng hiếp và đôi khi tống họ vào tù. Cuộc trao đổi giữa chúng tôi kéo dài vài giờ đồng hồ trước khi nữ lãnh đạo đề nghị tôi đưa cô ấy về nơi trú ẩn an toàn. 

Khi chúng tôi đến nơi, cô ấy đi vào để lấy một chiếc máy tính bảng mà cô đã lấy trộm từ một người lính Vệ binh quốc gia trong một cuộc biểu tình khoảng một tháng trước. 

“Tôi bị bắt cóc cùng với hai nữ thành viên khác của lực lượng kháng chiến. Vệ binh quốc gia đã cưỡng hiếp họ và quay lại tội ác đó để tống tiền họ trong tương lai bởi hai người phụ đó khá giàu.” cô nói.

Cô còn tiết lộ thêm, sự việc diễn ra ngay trong căn hộ của Mario Vega, con trai một chính trị gia nổi tiếng của đảng cầm quyền tại Venezuela. Nữ lãnh đạo cho biết những kẻ bắt cóc không làm hại cô vì cô nói với chúng mình bị AIDS. Trong một đoạn video cô cho tôi xem, cô ấy cầm lấy chiếc máy tính bảng, nhảy ra khỏi cửa sổ tầng 2 của căn hộ và bị vỡ mắt cá chân. 

Cô nói: “Anh phải tìm cách để công khai video này lên cho công chúng được biết.” 

Tôi đã xem video kéo dài 23 giây này ba lần và xác định ngôi nhà trong video là nhà của Vega sau khi đối chiếu nó với một số ảnh kỷ niệm Giáng Sinh mà anh ta đăng lên Facebook cá nhân. Tôi lặng lẽ trở về căn hộ của mình và cố gắng tìm cách đưa video này ra ánh sáng. Tôi thậm chí từ chối giao nó cho đồng nghiệp ngay cả khi trọng tâm tôi hướng đến trong các bài viết tiếp theo là lãnh đạo cuộc nổi dậy và các cuộc biểu tình chống chế độ. 

Phải mất 2 ngày để tôi nhận ra bước đầu tiên mình cần làm là gì. Xui xẻo thay ngay trước khi tôi đến được phòng tin tức để trình chiếu đoạn video này cho người biên tập viên, tôi bị mắc kẹt trong cuộc xung đột giữa những người biểu tình và dân quân (paramilitary members), hay được biết đến là vụ đụng độ Colectivos. Một vài người trong cuộc xung đột đã chặn xe tôi, ép tôi đi ra ngoài và chĩa súng vào đầu tôi. Sau đó, họ cướp lấy mọi thứ trong xe, bao gồm cả chiếc túi đựng máy tính bảng của người thành viên cấp cao phe đối lập. 

Chỉ 3 ngày sau, tôi phát hiện ra một chiếc xe Jeep màu xám luôn đi theo mình từ nhà đến phòng tin tức và từ phòng tin tức trở về nhà. Chiếc xe Jeep theo dõi tôi trong khoảng 1 tháng, thậm chí tiếp tục theo dõi vài ngày sau khi lãnh đạo phe kháng chiến cho tôi biết chính phủ đã ngừng theo dõi sau khi bắt giữ và tra tấn hàng chục thành viên của phe đối lập. 

Nữ lãnh đạo trên cuối cùng cũng trốn thoát đến Paris. Còn tôi quyết định ở lại Venezuela bất chấp nạn đói, diệt chủng hay hầu hết những người tôi quen biết đang ráo riết tìm cách rời khỏi đất nước. 

Tôi đã ngây thơ khi nghĩ rằng chức danh nhà báo sẽ giúp tôi an toàn ở quốc gia xã hội chủ nghĩa rối ren thậm tệ như Venezuela. 

Vài tháng sau khi cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chế độ kết thúc, người yêu đồng tính và cựu hộ tống an ninh của nhà lập pháp xã hội chủ nghĩa Robert Serra đã hạ thủ tàn khốc giết chết ông ta. 

Chế độ cộng sản Venezuela trước giờ luôn che giấu khuynh hướng tình dục của Serra và ngay lập tức tiến hành một cuộc vận động kiểm duyệt sau cái chết của ông ta. Chính quyền đã bắt giữ một côn đồ người Colombia, gán tội giết người và bắt anh ta phải thú nhận mình đã sát hại Serra. Không dừng lại ở đó, nó mở rộng chiến dịch kiểm duyệt đến tất cả các kênh tin tức quốc gia và phương tiện truyền thông xã hội, bắt giữ trái phép những người công bố các bức ảnh về xác chết của Serra tại nhà xác Caracas. Đặc biệt, hành động kiểm duyệt ghê tởm nhất giáng xuống Alicia, một người dùng Twitter nổi tiếng đã chế giễu cái chết của Serra. Cuộc sống của Alicia sau đó đã bị hủy hoại. 

Chỉ vài ngày sau bình luận của mình trên Twitter, các thành viên của SEBIN đã ập đến căn hộ của Alicia, đánh cô và mẹ đến bất tỉnh rồi đưa cô đến một khu vực tại Maracaibo nơi chính quyền che giấu những người đang bị giam giữ bất hợp pháp. 

Tôi bắt đầu đưa tin về vụ việc sau khi Alicia mất tích 3 ngày. Nguồn thông tin chủ yếu của tôi đến từ Arelis, luật sư của nhóm Foro Penal nổi tiếng. Tôi quen cô ấy khi đang tìm hiểu và đưa bài về các cuộc biểu tình lớn mà Arelis hỗ trợ pháp lý cho những người bị giam giữ. 

Ngay sau khi tôi xuất bản bài báo đầu tiên về Alicia, chiếc xe Jeep màu xám một lần nữa lại xuất hiện. Sợ hãi xâm chiếm trong tâm và tôi cảm thấy an toàn của mình bị đe dọa. Tôi hỏi Arelis cô có biết gì về chiếc xe và những người đang theo dõi tôi không. Cô phản hồi rằng sẽ điều tra và trả lời tôi sau. Tuy vậy, chúng tôi đều nhất trí trọng tâm chính bây giờ vẫn là vụ án Alicia. 

Tôi hiểu trách nhiệm của mình trong chuyện này là rất lớn. Tôi là nhà báo duy nhất ở Venezuela đưa tin về sự việc này. Arelis cho biết một số nhà báo khác cũng có chung mối quan tâm đến trường hợp của Alicia, nhưng cuối cùng đã quyết định chùn bước vì thực sự nó quá “mạo hiểm”. Cô ấy cũng nói thêm: “Chính quyền hiện đang rất coi trọng sự kiện Serra bị sát hại và đang làm mọi thứ để dập tắt dư luận.”

Trong khi tòa phụ trách vụ án Alicia ra lệnh thả tự do cho cô, SEBIN đã bất tuân và thay vào đó, họ chuyển Alicia đến trụ sở Helicoide ở Caracas, nơi hầu hết các tù nhân chính trị ở Venezuela bị giam giữ, tra tấn và giết chết. Một nguồn tin đến từ cơ quan tình báo tiết lộ với tôi rằng Alicia hiện đang bị bạo hành tâm lý, một phần của “quá trình chuyển hóa”, một thuật ngữ mà SEBIN dùng để ám chỉ việc hủy hoại tinh thần của tù nhân. 

Tôi đã đăng một loạt bài báo phơi bày các tình tiết trong vụ việc Alicia. Ngay cả khi các bài báo của tôi nhận được sự quan tâm lớn trên các trang mạng xã hội và mọi người bắt đầu bàn tán sôi nổi về vụ án, không có bất cứ một hãng thông tấn hay đài phát thanh, truyền hình nào đề cập đến nó. Chiếc xe Jeep màu xám vẫn xuất hiện thường xuyên và tôi bắt đầu nhận được các cuộc gọi điện thoại. Giọng nói bị bóp méo phía đầu dây bên kia yêu cầu tôi ngừng viết bài về vụ án. Arelis cho hay cô ấy cũng nhận được những cuộc gọi tương tự và SEBIN đã theo dõi tôi từ trước. 

“Rõ ràng là SEBIN đang theo dõi chúng ta. Tôi nghĩ là họ nhắm vào anh không chỉ đơn giản bởi các bài viết về Alicia, mà còn vì họ đã tìm ra cái gì đó trong chiếc máy tính bảng.” Arelis nói. 

Vì một số lý do, tôi đã bỏ qua những cảnh báo của Arelis. Tôi biết mình cần phát ngôn từ  mẹ của Alicia để tiếp tục đưa câu chuyện ra ánh sáng. Vụ việc đang dần đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, bà ấy đã từ chối đưa thêm bất cứ bình luận nào về trường hợp của con gái mình. 

Hai tuần sau khi Alicia bị chuyển đến Helicoide, mẹ cô liên lạc với tôi và sẵn lòng chia sẻ mọi điều diễn ra trong đêm con gái bà bị lạm dụng và bắt giữ bởi SEBIN. Bà thậm chí còn cho biết mình có một số bằng chứng chứng minh mọi cáo buộc của bà đối với SEBIN. Cuộc gọi giữa giữa bà và tôi diễn ra vào sáng thứ Tư và chúng tôi đã lên lịch một cuộc phỏng vấn vào tối thứ Sáu. 

Khi tôi đến căn hộ của bà, chiếc xe Jeep xám xuất hiện trong gara và một người đàn ông tóc vàng từ xe bước ra. 

“Rất vui khi được gặp anh, Luis. Tôi phải nói rằng tôi là một trong những fan hâm mộ của các bài báo anh viết về Alicia. Nhưng cuộc phỏng vấn này sẽ không xảy ra”, anh ta nói với tôi. 

Thay vì trả lời người đàn ông, tôi gọi cho mẹ của Alicia trước mặt hắn. Bà ấy hét lên trong điện thoại rằng sẽ không tham gia phỏng vấn với bất cứ cơ quan báo chí nào.

Tôi gác máy và người đàn ông đe dọa: “Anh nên vui mừng vì hiện tại anh đang đứng đây chứ không phải nằm dưới đáy hồ. Một số người đã vô cùng giận dữ khi biết chuyện về chiếc máy tính bảng, nhưng chúng tôi đã quyết định không làm gì cả. Không cần thiết phải giết một nhà báo, nhưng chúng tôi cho anh biết tốt hơn hết là đừng có viết thêm bất cứ điều gì về Alicia hay thậm chí đăng dù chỉ một từ trên mạng xã hội. Nếu không, chúng tôi có thể làm vài trò vui.”

Sau đó, anh ta đưa điện thoại cho tôi xem video bạn gái mình đang ngủ trong phòng của cô ấy. Một người đàn ông khác dưới sự chỉ huy của anh ta đã tìm cách lẻn vào nhà bạn gái tôi để quay video này. Đoạn video kéo dài gần 5 phút. 

Anh ta nói: “Tôi và các chàng trai có thể làm rất nhiều trò vui với cô gái này. Rõ ràng, nếu anh không muốn điều này xảy ra thì tất cả những gì anh phải làm quên Alicia và đoạn video trong máy tính bảng đi, và từ bỏ luôn cả mạng xã hội đi. Chỉ cần chúng tôi nhìn thấy anh đăng tải một chữ xoay quanh các sự việc này trên mạng xã hội hay đơn giản là nói xấu chính phủ, anh biết chúng tôi đủ sức bất cứ điều gì mình muốn đối với những người thân yêu của anh.” 

Nói xong, anh ta rời đi trên chiếc xe Jeep xám. Tôi gọi cho luật sư Arelis và nói cho cô ấy biết chuyện vừa xảy ra. Arelis cho hay SEBIN rất nghiêm túc trong lời đe dọa. Sau đó, tôi gọi cho một người quen trong SEBIN và anh ấy cho biết anh ấy nghe nói Maria Vega đang “thù ghét tôi vì sự việc máy tính bảng, tuy nhiên, anh ta sẽ chẳng làm được gì lớn vì không có bất kỳ quyền lực và ảnh hưởng chính trị nào.” 

Sau ngày hôm đó, câu chuyện về Alicia đã bị chôn vùi. Không một ai đưa ra bình luận về nó. Alicia đã trải qua gần 2 năm chịu đựng tra tấn và thậm chí bị mất một số nội tạng. Cô gần như đã bỏ mạng, nhưng cuối cùng may mắn trốn thoát sang Mỹ. 

Tôi đã ngừng sử dụng mạng xã hội và cuối cùng chia tay bạn gái. Trong vài năm sau đó, tôi bắt đầu làm cho một số cơ quan báo chí ở Mỹ với tư cách là một người đưa tin tức và bình luận, chứng kiến quê hương của tôi bị nuốt chửng bởi một hệ tư tưởng chính trị bạo lực đã biến Venezuela, một trong những quốc gia giàu có nhất ở Tây Bán Cầu trở thành một phiên bản của Syria ở Mỹ Latinh. 

Cho đến năm 2019, tôi buộc phải chạy trốn khỏi Venezuela để thoát khỏi sự đàn áp và sách nhiễu của chính quyền.

Hoa Minh dịch

Xem thêm: