Đại sứ Hoa Kỳ tại Campuchia William Heidt hôm thứ Ba (12/9) đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc của chính quyền Hun Sen về việc Mỹ can thiệp vào chính trị nội bộ nước này. Ông Heidt xem lời chỉ trích đó là “không chính xác, gây hiểu nhầm và vô căn cứ”, đồng thời yêu cầu thả ngay lãnh đạo đảng đối lập Kem Sokha.

Campuchia đang ngày càng thân thiết với chính quyền Trung Quốc hơn.

Phát biểu của đại sứ Mỹ được coi là phản ứng mạnh mẽ nhất của chính phủ Hoa Kỳ kể từ sau khi chính quyền Campuchia bắt giam lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha hôm 3/9. Chủ tịch đảng Cứu quốc Campuchia bị chính quyền Phnom Penh buộc tội phản quốc và cáo buộc có âm mưu thông đồng với Hoa Kỳ nhằm tranh đoạt quyền lãnh đạo của Thủ tướng đương nhiệm Hun Sen – người đã tại nhiệm được hơn 30 năm.

Reuters nhận định rằng ông Hun Sen, từng là một cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, hiện tại đang là một trong những đồng minh khu vực thân thiết nhất của chính quyền Trung Quốc. Với việc ngả về Bắc Kinh, ông Hun Sen gần đây đã tăng cường phát ngôn chống lại Washington, đồng thời đẩy mạnh đàn án những người đối lập, các hãng truyền thông độc lập và những nhà phê bình khác nhằm mở đường cho việc tiếp tục tái đắc cử Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử vào giữa năm 2018.

Trong bài phát biểu hôm thứ Ba (12/8), đại sứ William Heidt cho hay: “Hàng chục lần suốt năm qua, Hoa Kỳ đã luôn khẳng định những cáo buộc [can thiệp vào Campuchia] là cực kỳ không chính xác, gây hiểu nhầm và vô căn cứ. Tất cả những cáo buộc mà quý vị đã nghe được trong những tuần gần đây về Hoa Kỳ – mọi điều trong đó – đều không đúng sự thật”.

Ông Heidt kêu gọi chính quyền Campuchia thả ngay ông Kem Sokha, chấm dứt gây áp lực lên các cuộc đối thoại xã hội dân sự giữa chính phủ và phe đối lập để “cứu vãn” cuộc bầu cử và khôi phục lại mối quan hệ giữa Mỹ và Campuchia.

Nếu cuộc bầu cử quốc gia Campuchia được tổ chức bây giờ, không nhà quan sát quốc tế đáng tin cậy nào có thể xác nhận đó là các cuộc bầu cử tự do, công bằng và phản ánh ý chí, nguyện vọng của người dân Campuchia”. Ông Heidt nói thêm.

Đại sứ Mỹ cũng cho rằng chính quyền Campuchia hiện tại không mấy chào đón các công ty của Mỹ và phương Tây làm ăn tại nước mình. Do đó, “có ít doanh nghiệp từ các nước này sẽ đầu tư vào đây”.

“Chúng tôi không coi Mỹ là kẻ thù”

Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Phay Siphan hôm thứ Ba (12/9) nói rằng dấu hiệu về việc thông đồng với người Mỹ đến từ phía ông Kem Sokha và Campuchia không coi Mỹ là kẻ thù.

Ông Siphan nói với Reuters rằng: “Chúng tôi chỉ sử dụng quyền của mình để yêu cầu Hoa Kỳ không được can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi”.

Theo Reuters, bằng chứng mà chính quyền Campuchia dùng để khép ông Kem Sokha vào tội phản quốc là một băng video được ghi hình từ năm 2013. Trong băng hình này, ông Sokha đã thảo luận chiến lược để tranh đoạt quyền lực với sự giúp đỡ của những người Mỹ ẩn danh. Luật sư của ông Sokha cho rằng bằng chứng này là vô nghĩa vì đó chỉ là một cuộc thảo luận về chiến lược tranh cử.

Trước đó, vào thứ Hai (11/9), Thủ tướng Hun Sen đã đe dọa rằng đảng Cứu quốc (CNRP) của ông Kem Sokha sẽ bị giải thể nếu nó tiếp tục ủng hộ ông Sokha. Các chuyên gia bên ngoài nhìn nhận rằng ông Kem Sokha là đối thủ hàng đầu và duy nhất thách thức việc ông Hun Sen tái đặc cử Thủ tướng Campuchia nhiệm kỳ mới.

Trước những diễn biến không thuận lợi cho đảng của mình, thành viên cao cấp của CNRP Son Chhay trong một buổi họp báo ngắn hôm thứ Ba (12/9) đã khẳng định rằng phe đối lập sẽ không tảy chay cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2018.

Chính quyền Hun Sen tăng cường trấn áp các hãng truyền thông độc lập

Theo Reuters, tiếng nói dân chủ và tự do ngôn luận tại Campuchia gần đây đang bị xâm hại rất nghiêm trọng.

Đài Châu Á Tự do (RFA), kênh phát thanh có trụ sở chính tại Washington, Hoa Kỳ, hôm thứ Ba (12/9) đã nói rằng đang có áp lực từ chính quyền Campuchia buộc họ phải dừng hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này.

Ông Libby Liu, Chủ tịch RFA, cho biết họ đang bị ép phải đóng cửa văn phòng địa phương tại Campuchia sau gần 20 năm tồn tại ở đây.

Ông Libby nói: “Những phát triển [về trấn áp dân chủ] gần đây đã tăng lên ở mức độ chưa từng có khi đảng cầm quyền vô liêm sỉ Campuchia tìm mọi cách để loại bỏ bất kỳ trở ngại hoặc ảnh hưởng nào đe dọa tới việc họ đạt được quyền lực tuyệt đối”.

Trước đó, vào thứ Hai (4/9), tờ Cambodia Daily, một tiếng nói dân chủ khác, đã thông báo rằng họ buộc phải dừng xuất bản sau khi bị chính quyền ép nộp khoản thuế khổng lồ lên tới 6,3 triệu USD.

Một biên tập viên của tờ báo này nói với hãng tin Al Jazeera (Qatar) rằng: “Đây là một kết thúc khủng khiếp cho một tờ báo đã làm rất nhiều điều để cung cấp thông tin cho người dân Campuchia”.

Tờ Cambodia Daily được thành lập từ năm 1993 bởi một cựu phóng viên thường trú tại Campuchia của tờ Newsweek (Mỹ) và theo lệnh của Quốc Vương Norodom Sihanouk.

Trong ấn phẩm cuối cùng xuất bản hôm thứ Hai (4/9), Cambodia Daily đã gửi thông điệp tới chính quyền Hun Sen bằng việc giật tiêu đề trên trang nhất rằng: “Suy thoái dưới Chế độ Độc tài”. Tiêu đề này được đi kèm với hình ảnh ông Kem Sokha bị bắt tại nhà riêng hôm Chủ Nhật (3/9).

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: