Chính quyền Biden đã tăng cường cảnh báo về hoạt động kinh doanh ở Tân Cương, nhấn mạnh rằng tội diệt chủng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với người Duy Ngô Nhĩ vẫn đang diễn ra, trong khi hệ thống lao động cưỡng bức của họ cũng đang lan rộng.

Embed from Getty Images

Ngày 13/7, Chính phủ Hoa Kỳ công bố bản cập nhật Tư vấn Kinh doanh Chuỗi cung ứng Tân Cương dài 36 trang, trong đó cáo buộc chính quyền ĐCSTQ tiến hành cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ cùng các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác, đồng thời khẳng định “tội ác chống lại loài người của Trung Quốc bao gồm bỏ tù, tra tấn, cưỡng hiếp, cưỡng bức triệt sản và bức hại, bao gồm cả cưỡng bức lao động và áp đặt các hạn chế hà khắc đối với tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, tự do ngôn luận và tự do đi lại”. Để so sánh, bản tư vấn phát hành hồi tháng 7/2020 chỉ dài 19 trang, nói về việc chính quyền Trung Quốc “vẫn tiếp tục tiến hành chiến dịch đàn áp ở Tân Cương”.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, Hoa Kỳ ban hành bản cập nhật tài liệu tư vấn này “nhằm phản ứng trước việc chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn không ngừng tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương, và bằng chứng ngày càng gia tăng về tình trạng sử dụng lao động cưỡng bức ở đó.”

Tài liệu mới được công bố sau báo cáo của Bộ Ngoại giao hồi đầu tháng, trong đó đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia có chính phủ tham gia vào “chính sách hoặc khuôn mẫu” về hoạt động buôn người. Báo cáo còn cho hay, Trung Quốc “đã thực hiện chiến dịch giam giữ hàng loạt và tuyên truyền chính trị” đối với người Duy Ngô Nhĩ. Tuần trước, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng thêm hơn mười thực thể Trung Quốc vào danh sách đen của mình, nhìn nhận rằng họ “đã kích hoạt chiến dịch đàn áp, giam giữ hàng loạt và giám sát công nghệ cao của Bắc Kinh.”

“Các doanh nghiệp, cá nhân và những người khác, bao gồm nhưng không giới hạn các nhà đầu tư, nhà tư vấn, nhà môi giới lao động, các tổ chức học thuật và nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu có khả năng tiếp xúc hoặc kết nối với các hoạt động, chuỗi cung ứng hoặc người lao động từ khu vực Tân Cương, nên nhận thức rõ những rủi ro đáng kể về uy tín, kinh tế và pháp lý khi có liên đới với các thực thể hoặc cá nhân tại Tân Cương hoặc những ai có hành vi vi phạm nhân quyền [ở khu vực này],” tài liệu tư vấn cảnh báo. “Trước mức độ nghiêm trọng và quy mô của những vụ lạm dụng này, bao gồm cả lao động cưỡng bức trên diện rộng được nhà nước bảo trợ và hoạt động giám sát sâu rộng diễn ra trong bối cảnh nạn diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương, các doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến chuỗi cung ứng, liên doanh và/hoặc đầu tư liên kết với Tân Cương có thể có nguy cơ cao vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.”

Hoa Kỳ đã vạch ra 4 cách chính mà một chuỗi cung ứng có thể tiếp xúc với các thực thể Trung Quốc có hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, bao gồm:

(1) “Hỗ trợ hoặc đầu tư vào việc phát triển các công cụ giám sát”, đặc biệt là liên quan đến việc thu thập và phân tích gen thay cho chính quyền Trung Quốc;

(2 “Tìm nguồn cung ứng lao động hoặc hàng hóa” từ Tân Cương hoặc các khu vực khác ở Trung Quốc gắn liền với nạn sử dụng lao động cưỡng bức ở đó;

(3) “Cung cấp hàng hóa, phần mềm và công nghệ có xuất xứ từ Hoa Kỳ cho các thực thể tham gia vào các hoạt động giám sát và cưỡng bức lao động như vậy” ở Tân Cương;

(4) “Hỗ trợ trong việc xây dựng và vận hành các cơ sở giam giữ” được sử dụng để giam giữ người Duy Ngô Nhĩ.

Ngày 13/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã phản hồi: “Bất kể một số người ở Mỹ khăng khăng với luận điệu sai trái của họ nhằm thổi phồng những lời dối trá về Tân Cương, âm mưu chính trị của họ nhằm phá vỡ Tân Cương và kiềm chế Trung Quốc sẽ chỉ dẫn đến thất bại.”

Thêm nữa, tài liệu tư vấn cảnh báo về “việc chuyển giao lao động cưỡng bức hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ” từ Tân Cương, dẫn đến tình trạng những nạn nhân này sau đó bị cưỡng bức lao động cả trong và ngoài Tân Cương. Ngoài ra, còn có bằng chứng về nạn cưỡng bức lao động trong các ngành công nghiệp may mặc, dệt, bông, khai thác mỏ và nông nghiệp của Trung Quốc, đặc biệt là “bằng chứng xác thực cho thấy các sản phẩm năng lượng mặt trời và nguyên liệu đầu vào ở gần như mọi bước của quy trình sản xuất, từ khai thác nguyên liệu silicon thô đến lắp ráp mô-đun năng lượng mặt trời cuối cùng, có liên quan đến lao động cưỡng bức.”

Hoa Kỳ cũng cung cấp thông tin chi tiết về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp nhân quyền ở Tân Cương, lập luận rằng họ đã “tùy tiện bỏ tù vô thời hạn hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Kyrgyzstan và các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và Hồi giáo khác trong các trại lao động” kể từ năm 2017. Những người bị giam giữ sau khi đào thoát ra ngoài mô tả tình trạng trong tù như “bị thiếu ngủ, bỏ đói, bỏ bê y tế, lạm dụng thể chất và tâm lý, tra tấn, lao động cưỡng bức, ép uống thuốc không rõ nguồn gốc, cưỡng bức triệt sản và phá thai, lạm dụng tình dục, buộc phải từ bỏ tôn giáo, từ chối không cho cầu nguyện hay thực hành các quy tắc trong một số tôn giáo (bao gồm vấn đề ăn thịt lợn hoặc uống rượu), cấm không được sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, và buộc phải học/đọc thuộc các tuyên truyền của ĐCSTQ.” Theo tài liệu tư vấn, “có những báo cáo về việc một số người bị giam giữ đã chết trong các trại tập trung, hoặc không lâu sau khi được thả tự do, do bị lạm dụng”.

Bộ Ngoại giao còn cho biết, “có những báo cáo về lao động cưỡng bức trong chính các trại giam giữ, cũng như các báo cáo về các cá nhân ‘tốt nghiệp’ từ các trại ‘đào tạo’ và sau đó được yêu cầu làm việc tại các cơ sở lân cận hoặc được gửi đến các nhà máy vệ tinh trong khu vực quê nhà của họ hoặc các tỉnh khác.”

Đáng chú ý, Hoa Kỳ tiết lộ: “Các tài liệu của chính quyền Tân Cương cho thấy sự tồn tại một kế hoạch quy mô lớn của chính quyền Trung Quốc, được gọi là chương trình ‘hỗ trợ ghép đôi’, cho phép các công ty từ các vùng khác của Trung Quốc thành lập các nhà máy vệ tinh ở Tân Cương kết hợp với các ‘trại đào tạo’.” Hiện 19 thành phố và tỉnh phát triển của Trung Quốc “đang chi hàng tỷ nhân dân tệ để thành lập các nhà máy ở Tân Cương” và một số nhà máy “liên quan trực tiếp đến việc sử dụng lao động trong các trại đào tạo”

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: