Hoa Kỳ sẽ dành 3,2 tỷ đô la để đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại thuốc chống virus nhằm điều trị COVID-19 và các loại virus nguy hiểm khác có thể biến thành đại dịch.

Embed from Getty Images

Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Hoa Kỳ, chương trình mới sẽ đầu tư vào “thúc đẩy các biện pháp đang được tiến hành” đối với đại dịch COVID-19, nhưng đồng thời cũng sẽ tìm ra các phương pháp điều trị đối với các loại virus khác. Hôm thứ Năm (18/6) ông đã công bố khoản đầu tư này trong một cuộc họp báo vắn tắt của Nhà Trắng.

Ông Fauci cho hay: “Hiện có rất ít phương pháp điều trị đối với nhiều loại virus có khả năng gây ra đại dịch,” bao gồm Ebola, sốt xuất huyết, hội chứng suy hô hấp Tây Sông Nile, và hội chứng suy hô hấp Trung Đông.

Tuy nhiên, ông nói thêm: “Vắc-xin rõ ràng vẫn là biện pháp trọng tâm trong kho vũ khí của chúng ta.”

Hoa Kỳ đã phê duyệt một loại thuốc kháng virus “remdesivir”, đặc biệt dùng để điều trị COVID-19, đồng thời cho phép sử dụng khẩn cấp ba liệu pháp điều trị kháng thể giúp hệ miễn dịch chống lại virus. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc đều phải được truyền qua tĩnh mạch tại các bệnh viện hoặc phòng khám y tế, do đó nhu cầu sử dụng khá thấp do những trở ngại về kho vận này.

Các chuyên gia y tế ngày càng tích cực kêu gọi phát triển một loại thuốc viên tiện lợi mà bệnh nhân có thể uống khi các triệu chứng mới xuất hiện. Một số nhà sản xuất thuốc đang thử nghiệm các loại thuốc như vậy, nhưng kết quả ban đầu được dự kiến chưa thể có trong vài tháng tới. Ngân quỹ mới này sẽ tăng tốc độ các thử nghiệm đó, cũng như hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển, và sản xuất trong khu vực tư nhân.

Tuần trước, giới chức Hoa Kỳ thông báo sẽ mua 1,7 triệu liều thuốc viên kháng virus thử nghiệm của công ty Merck and Ridgeback Biotherapeutics, nếu loại thuốc này được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Kết quả của việc nghiên cứu quy mô lớn về loại thuốc với tên gọi “molnupiravir”, dự kiến sẽ có vào mùa thu này. Nghiên cứu ban đầu cho thấy, loại thuốc này có thể làm giảm nguy cơ phải nhập viện nếu được sử dụng ngay sau khi bị nhiễm bệnh bằng cách ngăn chặn virus corona sinh sôi nhanh chóng. Tuy nhiên, loại thuốc này không có lợi đối với các bệnh nhân đã nhập viện do bệnh trầm trọng.

Một số công ty dược phẩm khác, bao gồm Pfizer, Roche, và AstraZeneca, cũng đang thử nghiệm các loại thuốc viên kháng virus.

Các loại thuốc hiện có hầu hết đã chứng minh có thể giúp các bệnh nhân tránh phải nhập viện hoặc rút ngắn thời gian phục hồi của họ trước vài ngày.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã rót hơn 19 tỷ đô la để phát triển nhanh chóng nhiều loại vắc-xin. Tuy nhiên, chưa đến một nửa số tiền đó dành cho việc phát triển các phương pháp điều trị mới. Sự thiếu hụt đó ngày càng trở nên đáng lo ngại khi chiến dịch tiêm chủng chậm lại, cũng như việc các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát dịch bệnh ở hàng triệu người Mỹ có thể không bao giờ tiêm vắc-xin.

Gia Huy

Xem thêm: