Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Sáu (4/8) đã chính thức gửi văn bản tới Liên Hợp Quốc (LHQ) thông báo về việc nước này sẽ rút khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris. Tuy nhiên, Mỹ cũng để ngỏ khả năng sẽ tham gia trở lại nếu thỏa thuận này cải thiện các điều kiện phù hợp với Washington.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông cáo báo chí rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục tham gia vào các cuộc họp về biến đổi khí hậu của LHQ trong suốt tiến trình rút lui. Quá trình này dự kiến sẽ phải kéo dài ít nhất 3 năm.

Tổng thống Donald Trump hôm 1/6 đã tuyên bố sẽ rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris

Thông cáo báo chí nêu trên có đoạn viết: “Hoa Kỳ ủng hộ cách tiếp cận cân bằng đối với chính sách khí hậu làm giảm khí thải trong khi vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng”.

>>Biến đổi khí hậu: Tại sao chúng ta không thể nói về nó?

Tổng thống Donald Trump đã thông báo quyết định rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris từ đầu tháng 6. Ông Trump nói rằng thỏa thuận này sẽ khiến nước Mỹ tổn thất hàng nghìn tỷ USD, gây mất việc làm, cản trở việc khai thác dầu mỏ, khí đốt, than và các ngành sản xuất.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Tổng thống Mỹ cũng nói rằng ông sẽ để mở khả năng đàm phán lại thỏa thuận. Thỏa thuận Paris đã được gần 200 quốc gia đồng ý trong suốt nhiều năm qua, do đó các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh thế giới cho rằng yếu cầu đàm phán lại của chính quyền Washington là bất khả thi.

Trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh đến các tuyên bố của Tổng thống: “Như Tổng thống [Trump] đã nêu ra trong tuyên bố của ông vào ngày 1/6 và nhiều lần sau đó, ông sẽ để ngỏ khả năng tái gia nhập Thỏa thuận Paris nếu Hoa Kỳ có thể xác nhận các điều khoản có lợi hơn cho nước Mỹ, doanh nghiệp, công nhân, nhân dân và người nộp thuế Mỹ”.

Trong chuyến công du tới nước Pháp tháng trước, Tổng thống Trump cũng đã thảo luận với Tổng thống Macron về thỏa thuận khí hậu. Phát biểu với báo chí trong buổi họp báo chung với người đồng cấp Pháp, ông Trump nói rằng: “Một điều gì đó có thể xảy ra đối với Thỏa thuận Paris, chúng ta hãy xem điều gì sẽ xảy ra”.

Lập trường rút khỏi Thỏa thuận Paris của Tổng thống Trump đã gặp nhiều chỉ trích của Đảng Dân chủ trong nước và những nhà vận động môi trường quốc tế.

Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng động thái này của ông Trump đã thổi bay các nỗ lực quốc tế nhằm chống lại biến đổi khí hậu và đã bỏ lỡ cơ hội để đẩy mạnh tăng trưởng trong ngành năng lượng sạch đang bùng nổ.

Quan điểm cứng rắn của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu cũng gây ra chia rẽ tại Hội nghị G20 tại Hamburg, Đức vào tháng trước.

Một bản tuyên bố chung của G20 về biến đổi khí hậu ngoài việc thể hiện sự thống nhất của các quốc gia khác về Thỏa thuận Paris, cũng phải bổ sung thêm việc “G20 ghi nhận quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận Paris”. Đồng thời, các nhà lãnh đạo G20 (trừ Mỹ) đã đồng ý rằng thỏa thuận này là “không thể đảo ngược”.

Dù vậy, ông Trump vẫn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Đảng Cộng hòa trong quyết định rút khỏi Thỏa thuận Paris. Ví như, Lãnh đạo phe đa số Thượng viện, ông Mitch McConnell đã nói rằng “đó là một đòn mạnh khác giáng vào [chính sách] áp bức của chính quyền Obama đối với sản xuất và việc làm ngành năng lượng”.

Theo Reuters, ngày sớm nhất mà Hoa Kỳ hoàn toàn rút khỏi Thỏa thuận Paris là vào 4/11/2020, tức là rất gần với thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

BBC nhận định bất kỳ tổng thống mới nào khác cũng có thể quyết định đưa nước Mỹ tái gia nhập Thỏa thuận Paris.

Thông tin sơ bộ về Thỏa thuận Khí hậu Paris

Biến đổi khí hậu, hay còn gọi là sự nóng lên toàn cầu, đề cập đến tác động có hại của khí thải, phát thải từ ngành công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và các lĩnh vực khác vào bầu khí quyển.

Thỏa thuận Paris nhằm mục đích giới hạn sự tăng lên của nhiệt độ toàn cầu do phát thải. Tính đến nay đã có gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ ký kết tham gia thỏa thuận này. Trước khi Hoa Kỳ rút lui, mới chỉ có Syria và Nicaragua không ký vào Thỏa thuận Paris.

Các nước tham gia Thỏa thuận Paris đồng ý các nội dung sau:

– Giữ nhiệt độ toàn cầu “thấp hơn” mức tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và “cố gắng để hạn chế” nhiệt độ tăng thấp hơn nữa, có thể ở mức 1,5 độ C

– Hạn chế lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động của con người bằng với mức độ mà cây cối, đất và đại dương có thể hấp thụ tự nhiên, bắt đầu từ thời điểm giữa 2050 đến 2100

– Đánh giá đóng góp của mỗi nước vào việc cắt giảm phát thải khí nhà kính mỗi năm năm một lần để các nước có thể mở rộng việc hạn chế phát thải hơn nữa

– Yêu cầu các nước giàu giúp các quốc gia nghèo hơn bằng cách cung cấp “tài chính khí hậu” để các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển sang năng lượng tái tạo

Viện Goddard chuyên Nghiên cứu Không gian của Nasa cho biết nhiệt độ trung bình của thế giới đã tăng khoảng 0,8 độ C từ năm 1880, 2/3 mức tăng này là đến từ năm 1975.

Yên Sơn

Xem thêm: