Bất chấp áp lực từ các nhóm nhân đạo, Chính quyền Biden hiện vẫn chưa có kế hoạch giải phóng khối tài sản trị giá hàng tỷ đô la bao gồm vàng Afghanistan, các khoản đầu tư và ngoại tệ dự trữ ở Hoa Kỳ, vốn đã bị đóng băng sau khi Taliban tiếp quản. Nhiều người thậm chí còn cho rằng cái giá phải trả cho điều này có thể là sự sụp đổ của nền kinh tế Afghanistan.

Embed from Getty Images

Phần lớn trong số tài sản 10 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Afghanistan được cất giữ ở nước ngoài. Những tài sản này được coi là công cụ chính để các nước phương Tây gây áp lực buộc Taliban tôn trọng quyền của phụ nữ và pháp quyền.

Theo các chuyên gia tài chính, có thể mất vài tháng để giải phóng các tài sản này.

Kể từ khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào giữa tháng 8, các quan chức từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Tài chính, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng và các cơ quan khác đã thường xuyên thảo luận về các vấn đề tài chính của Afghanistan, điều mà Liên Hợp Quốc và các cơ quan khác coi là một cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ xảy ra.

Các chuyên gia cho rằng, bất kỳ quyết định giải phóng quỹ nào đều có thể liên quan đến các quan chức cấp cao trong một số bộ phận của Hoa Kỳ, nhưng cuối cùng sẽ phụ thuộc vào Tổng thống Joe Biden.

Giá lương thực và nhiên liệu đang tăng vọt trên khắp Afghanistan, trong bối cảnh thiếu tiền mặt do ngừng viện trợ nước ngoài, ngừng vận chuyển bằng đô la Mỹ và hạn hán.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong tuần này thông báo, họ đã cấp giấy phép cho chính phủ Hoa Kỳ và các đối tác, cho phép họ tiếp tục hỗ trợ viện trợ nhân đạo ở Afghanistan. Nó cũng đã bật đèn xanh cho Western Union, công ty chuyển tiền lớn nhất thế giới và các tổ chức tài chính khác, để họ có thể tiếp tục xử lý các khoản chuyển tiền cá nhân từ những người nhập cư ở nước ngoài đến Afghanistan.

Một phát ngôn viên Bộ Tài chính nói với Reuters rằng Bộ này không nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Taliban hoặc nới lỏng các hạn chế đối với quyền truy cập của họ vào hệ thống tài chính toàn cầu.“Chính phủ Hoa Kỳ đã liên hệ với các đối tác nhân đạo ở Afghanistan, xem xét cả tình hình an ninh tại đó và khả năng tiếp tục công việc nhân đạo của họ.”

Phát ngôn viên này cho biết thêm: “Trong khi chúng tôi duy trì cam kết của mình với người dân Afghanistan, chúng tôi không giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với các thủ lĩnh Taliban, cũng như các hạn chế lớn đối với việc tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế của họ.”

Ông Mehrabi, một giáo sư kinh tế ở Maryland và là thành viên lâu năm của Hội đồng Ngân hàng Trung ương Afghanistan, cũng là quan chức cấp cao của Nga và các tổ chức nhân đạo, đã thúc giục Bộ Tài chính Hoa Kỳ giải phóng tài sản của Afghanistan. Ông nhận định những tài sản này là vấn đề sống còn của các sinh mệnh: “Tình hình quá đỗi  nghiêm trọng. Mỗi ngày trôi qua sẽ có thêm nhiều đau khổ và nhiều người phải di dời hơn.”

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã chặn Taliban tiếp cận khoảng 440 triệu USD trong khoản dự trữ khẩn cấp mới, hoặc còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt, do tổ chức cho vay toàn cầu này phát hành hồi tháng trước.

Ông Adnan Mazarei, cựu phó chủ tịch IMF và là nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nói rằng Hoa Kỳ không thể giải phóng hợp pháp tài sản Afghanistan cho đến khi cộng đồng quốc tế công nhận chính phủ Afghanistan, và điều này có thể mất nhiều tháng. Ngay cả khi chính phủ Afghanistan được công nhận, IMF vẫn phải bỏ phiếu trong ban giám đốc của mình trước khi có thể hành động.

Ông còn tiết lộ, dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương thường không được động đến, trừ khi đó là biện pháp cuối cùng. Ngay cả với Iran, quốc gia hiện đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt quốc tế gay gắt, nguồn dự trữ khẩn cấp của IMF cũng không sử dụng.

Ông Brian O’Toole, một cựu quan chức Bộ Tài chính và hiện đang phục vụ tại Hội đồng Đại Tây Dương cũng nhìn nhận, việc giải phóng tài sản Afghanistan sẽ không giải quyết được các vấn đề lớn ở Afghanistan.

Ông khẳng định: “[Nếu] chỉ giải phóng những khoản tiền đó hoặc làm bất cứ điều gì tương tự, [thì] chưa thể ổn định nền kinh tế Afghanistan. Điều đó đơn giản chỉ là cho phép Taliban tiếp cận ‘hàng tỷ đô la’. Tôi không nghĩ rằng sẽ có nhiều người  ở Hoa Kỳ muốn làm điều đó, và cũng không nên làm như vậy.”

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Xem thêm: