“Chống sai lệch thông tin” —hay hiểu một cách đơn giản là “kiểm duyệt truyền thông”— đã trở nên đặc biệt nhạy cảm kể từ vụ Hồ sơ Twitter. Ngày 9/5, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo Chính phủ Hoa Kỳ đã và đang phát triển hệ thống AI để “chống sai lệch thông tin” của Nga. Cư dân mạng Hoa Kỳ tỏ ý lo lắng khi liên hệ với cuộc bầu cử năm 2020, khi vụ “ổ cứng Biden” được coi là thông tin sai lệch của Nga và đã bị kiểm duyệt.

230510 blinken 01 scaled
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trong chuyến viếng thăm Kyiv 2022 (Ảnh: Wikipedia)

Thông báo về hệ thống AI

Trong bài thuyết trình hôm 9/5, dịp Lễ trao giải Hàng năm của Freedom House năm 2023, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken thông báo Chính phủ Mỹ đã và đang phát triển một hệ thống dựa trên nền tảng AI tối tân, với lý do là để chiến đấu với nạn thông tin sai lệch do Nga đưa ra, và Ukraine là một đối tác trợ giúp trong phần tổng hợp bộ số liệu đầu vào để dạy cho AI này:

“Chúng tôi cũng đang làm việc để giải quyết thách thức lớn về thông tin sai lệch và thông tin sai lệch trực tuyến… Nga tiếp tục đẩy mạnh luồng thông tin sai lệch một cách ổn định, liên tục về cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine…”

“Đáp lại, Bộ Ngoại giao đã phát triển một công cụ tổng hợp nội dung Ukraine trực tuyến hỗ trợ AI, để thu thập thông tin sai lệch có thể kiểm chứng của Nga và sau đó chia sẻ thông tin này với các đối tác trên khắp thế giới.”

“Chúng tôi đang thúc đẩy phương tiện truyền thông độc lập, và kiến ​​thức kỹ thuật số. Chúng tôi đang làm việc với các đối tác trong giới học thuật để phát hiện văn bản giả mạo do các chatbot của Nga tạo ra một cách đáng tin cậy…”

Ông Blinken cũng không quên nhắc nhở tới rủi ro về mối nguy hại tiềm ẩn —điều mà công chúng hiện nay rất lo lắng— nếu số liệu đầu vào dùng để dạy AI là các thông tin thiên vị, hoặc nếu AI được sử dụng với mục đích không đúng đắn, chẳng hạn dùng để đàn áp tự do ngôn luận và loại bỏ các thông tin trung thực:

“Là một hệ thống phản ánh theo kho số liệu mà nó được đào tạo —bao gồm cả những thành kiến ​​​​được nhúng trong số liệu đó— tất nhiên, AI có thể khuếch đại sự phân biệt đối xử và cho phép lạm dụng.”

“Nó cũng có nguy cơ củng cố các chính phủ chuyên quyền, kể cả bằng cách cho phép họ khai thác phương tiện truyền thông xã hội thậm chí còn hiệu quả hơn để thao túng người dân của họ và gieo rắc sự chia rẽ giữa các đối thủ của họ.”

Ukraine có phải là nguồn công chính để cung cấp số liệu đầu vào?

Người Ukraine đang bị thiệt hại trong chiến tranh, ít nhất theo truyền thông phương tây là như vậy, nhưng điều đó có khiến họ trở thành nguồn thông tin đáng tin cậy? Nguồn thông tin công chính? Hãy để công luận trả lời cho điều này.

Có một ví dụ nhỏ, gần đây nhà ngoại giao Nga bị nhà ngoại giao Ukraine đấm vào mặt trong một cuộc họp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Báo cáo của Reuters kèm theo video, và phân tích sự việc theo đúng trình tự thời gian.

Nếu chỉ xem phần video không trọn vẹn, kể từ lúc nhà ngoại giao Nga giật cờ của nhà ngoại giao Ukraine —điều mà các kênh của phe Ukraine đăng rất nhiều— thì có thể lầm tưởng là người Nga gây hấn trước. Nhưng nếu xem video đầy đủ toàn bộ sự việc, từ lúc các nhà ngoại giao Ukraine tìm cách ‘biểu tình’ trong phòng họp, rồi bị nước chủ nhà lôi ra ngoài, thì bức tranh lúc này sẽ khác.

Rủi ro lạm dụng hệ thống AI

Khi Washington Post đăng tin về vụ ổ cứng Biden ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2020, thì tin tức này đã bị coi là thông tin bịa đặt của Nga.

Một cư dân mạng đã đăng ảnh của 51 quan chức Mỹ dù biết rõ vụ “ổ cứng Biden” là có thật, chứ không phải tin đồn do Nga bịa đặt, nhưng họ vẫn ký vào bức thư ‘nổi tiếng’ trước dịp bầu cử 2020 nhằm che đậy vụ việc cho ứng viên Joe Biden trong cuộc tranh cử.

Sau này, như Hồ sơ Twitterchỉ ra thì nền tảng Twitter —và rất có thể các kênh truyền thông khác cũng vậy— đã được chỉ đạo từ quan chức chính phủ rằng phải kiểm duyệt thông tin về vụ ổ cứng Biden, như thể đó là tin đồn của Nga.

“Ổ cứng Biden” là vụ rò rỉ thông tin tiết lộ nhiều bê bối về gia đình nhà Biden. Thật trùng hợp, nó cũng có các thông tin liên quan đến quan hệ của ông Joe Biden với Ukraine – một quốc gia tham nhũng hàng đầu thế giới – vào thời ông còn làm phó tổng thống cho ông Barack Obama.

Sau này, khi vụ “ổ cứng Biden” được đưa ra ánh sáng, con số của các cuộc thăm dò cho thấy nếu năm đó vụ này không bị kiểm duyệt, và dân chúng biết được sự thật trước khi bỏ phiếu bầu tổng thống, thì kết quả bầu cử rất có thể đã khác.

Thời gian qua, ứng dụng dựa trên AI dần dần được công chúng biết đến về sức mạnh của nó. Nhưng đồng thời, nó cũng thể hiện khả năng kinh khủng nếu được dùng cho mục đích trợ giúp kiểm soát hành vi của cộng đồng dân chúng trên phạm vi rộng, điều mà trước đây rất khó làm được nếu không có AI. Bởi vì AI có khả năng phát hiện rất tốt các hành vi đặc trưng của người ta —ngay cả trong đám đông số liệu lớn— như lời nói, biểu cảm, phương cách đám đông tập trung, v.v.