Với mối quan hệ ngày càng chặt chẽ và phức tạp giữa các quốc gia hiện nay, Hoa Kỳ cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới trong các hoạt động quân sự của mình. Để đối phó với các mối đe dọa an ninh mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây ra cho các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ bằng cách quảng bá công nghệ 5G của họ trên khắp thế giới, Hoa Kỳ đã khởi động các dự án an ninh tương ứng.

Theo báo cáo ngày 31/8 của trang tin tài chính Mỹ Business Insider, việc đẩy mạnh công nghệ thông tin di động 5G đang gây ra nhiều vấn đề mới cho quân đội Mỹ. Vì các cuộc tấn công mạng có thể khiến quân đội Hoa Kỳ bị theo dõi và tấn công, các Lực lượng Hoạt động Đặc nhiệm đã hành động để đối phó với công nghệ mờ ám của ĐCSTQ.

Báo cáo cho biết, mặc dù Hoa Kỳ không gây chiến với ĐCSTQ, nhưng sự cạnh tranh đã rất gay gắt, các lực lượng đặc nhiệm và lực lượng thông thường được triển khai trên khắp thế giới, sẽ tiếp xúc trực tiếp hoặc thông qua ủy quyền với công nghệ của Trung Quốc. Những công nghệ này, đặc biệt là công nghệ 5G, có thể cản trở hành động của quân đội Mỹ trong các cuộc xung đột.

Khi công nghệ 5G giúp truyền tin nhanh hơn và hứa hẹn sẽ chuyển đổi mạng viễn thông theo cách làm cho các ứng dụng mới – chẳng hạn như phẫu thuật từ xa, thành phố thông minh và phương tiện tự hành – được phổ biến rộng rãi hơn, thì việc phát triển công nghệ này cũng trở thành một vấn đề quốc tế.

‘Gã khổng lồ’ viễn thông Trung Quốc Huawei bị nghi ngờ đánh cắp công nghệ 5G của một công ty Canada thông qua các cuộc tấn công mạng. Tuy nhiên, công ty này, được cho là được chống lưng bởi quân sự Trung Quốc, đã và đang quảng bá công nghệ 5G trên toàn thế giới.

Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ quy định rằng tất cả các doanh nghiệp và cá nhân phải chấp nhận các yêu cầu hợp tác của bộ phận an ninh của ĐCSTQ. Do đó, bất kỳ công nghệ nào của Huawei trên thế giới đều tiềm ẩn mối đe dọa đối với quyền riêng tư và an ninh quốc gia. Thông qua Huawei, Bắc Kinh có thể do thám hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng và kế hoạch hành động của các quốc gia khác trong thời bình hoặc chiến tranh.

Chính phủ của nhiều quốc gia đã nhận thức được mối nguy hiểm này và đã cấm Huawei tham gia vào mạng lưới của họ. Chính phủ Anh đã hành động như vậy vào năm 2020 và Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) cũng liệt Huawei vào mối đe dọa an ninh quốc gia vào năm 2021. Tuy nhiên, một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở châu Phi, Đông Nam Á và châu Mỹ Latinh, đang tìm kiếm công nghệ 5G của Trung Quốc dựa trên các cân nhắc về chi phí, mà ĐCSTQ cũng đang sử dụng điều đó để gây ảnh hưởng và thâm nhập sâu hơn vào các quốc gia này.

Sự gia tăng của công nghệ 5G cũng gây ra mối đe dọa cho chính Hoa Kỳ. Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) và Cơ quan An ninh mạng & An ninh hạ tầng của Bộ An ninh Nội địa (CISA) gần đây đã đưa ra một báo cáo tư vấn xác định 5 khu vực dễ bị tổn thương liên quan đến việc giới thiệu công nghệ 5G, có thể bị khai thác bởi cả nhà nước và tác nhân phi nhà nước:

  1. Nỗ lực của các nhà nước ác ý và các tác nhân phi nhà nước để ảnh hưởng đến thiết kế và kiến ​​trúc của mạng 5G;
  2. Chuỗi cung ứng 5G dễ bị tổn thương tiềm ẩn;
  3. 5G hoạt động với cơ sở hạ tầng cũ, có khả năng bị xâm phạm;
  4. Cạnh tranh hạn chế trên thị trường 5G;
  5. 5G mang đến những lỗ hổng mới chưa từng được biết đến trước đây.

Lực lượng hoạt động đặc nhiệm và lực lượng thông thường sẽ phải đối phó với các mối đe dọa 5G khi được triển khai các nhiệm vụ chiến đấu hoặc các hoạt động khác (chẳng hạn như trinh sát chung).

Ông Herm Hasken là nhà tư vấn hoạt động cấp cao của công ty MarkPoint Technologies, một đối tác và cố vấn hoạt động cấp cao của nhà thầu Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, có nhiều kinh nghiệm trong cộng đồng tình báo và hoạt động đặc biệt. Ông nói với Business Insider: “Lực lượng Hoạt động Đặc nhiệm và các lực lượng đối tác của lực lượng này sẽ ngày càng phải đối mặt với các mối đe dọa dựa trên công nghệ nước ngoài khi được triển khai trên toàn cầu, đặc biệt là nơi cơ sở hạ tầng viễn thông do Trung Quốc và Nga sản xuất và kiểm soát được lắp đặt.”

Ví dụ, khi Lực lượng Đặc nhiệm Lục quân hoặc Hải quân SEAL triển khai nhân sự ở nước ngoài cho các hoạt động chiến đấu hoặc hợp tác với các lực lượng đối tác, họ có chữ ký điện tử và trực tuyến. Các mạng cục bộ bị xâm nhập có thể được sử dụng để thu thập thông tin về nhiệm vụ và danh tính của những người lính này, cũng như thông tin chiến thuật, kỹ thuật và thủ tục của họ.

Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Nam của Hoa Kỳ, người chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ xung quanh Nam Mỹ, đã đặc biệt đề cập rằng sự hiện diện của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Trung Quốc là một nguy cơ đối với việc trao đổi giữa Hoa Kỳ và các nước đối tác.

Ông Hasken từng làm việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia với tư cách là chuyên gia mật mã trưởng của Bộ Chỉ huy Hoạt động Đặc Nhiệm Hoa Kỳ. Ông nói thêm rằng các Lực lượng Hoạt động Đặc nhiệm “phải tính đến việc họ đang hoạt động dưới sự giám sát liên tục khi triển khai ở nước ngoài.”

Ông Hasken nói rằng sáng kiến “Nhà điều hành được kích hoạt siêu tốc” (Hyper Enabled Operator) của Bộ Chỉ huy Hoạt động Đặc nhiệm Hoa Kỳ (SOCOM) được thiết kế để đối phó với những mối đe dọa này và “cung cấp các công cụ nhận thức tình huống (situational awareness tools) cho các lực lượng đặc nhiệm, lực lượng mạng và lực lượng thông thường. Những công cụ này có thể thực hiện được các công nghệ truyền thông an toàn và bảo vệ cưỡng bức cần thiết trong một môi trường thông tin đầy tranh chấp và tắc nghẽn.”

Theo Lý Hinh, Epoch Times

Xem thêm: