Hôm thứ Năm (18/2), Hoa Kỳ nói với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng họ đang hủy bỏ khẳng định của chính quyền Trump về việc tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã được áp dụng trở lại đối với Iran hồi tháng 9/2020.

doi dau My Iran
Minh họa về quan hệ đối đầu giữa Mỹ và Iran. (Đồ họa: C.Aphirak/ShutterStock)

Theo Reuters, Quyền Đại sứ Hoa Kỳ Richard Mills đã thông báo điều này cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong một bức thư.

Ngoài ra, trong cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp Anh, Pháp và Đức tại Paris ngày 18/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã sẵn sàng đàm phán với Iran về việc cả hai nước quay trở lại thỏa thuận năm 2015 nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

“Ngoại trưởng Blinken nhắc lại rằng nếu Iran trở lại tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết theo ‘Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung’ (JCPOA), Mỹ sẽ làm điều tương tự và sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận với Iran về mục tiêu đó,” tuyên bố chung của bốn quốc gia nhấn mạnh.

Động thái này diễn ra sau khi Iran tấn công một căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq với 15 quả tên lửa hôm 15/2, giết chết một nhà thầu quân sự và làm bị thương một binh sĩ. Theo các nhà phân tích, cuộc tấn công có thể làm phức tạp các kế hoạch đã nêu của chính quyền Biden nhằm quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Ông Biden gần như chắc chắn sẽ quay lại các chính sách với Iran giống như thời Obama, khi tin rằng việc ký kết hiệp ước hạt nhân sẽ giúp Iran được giảm nhẹ lệnh trừng phạt và từ đó có thể đổi lấy việc nước này thu hẹp nỗ lực làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Về phía Iran, nước này thậm chí còn đặt thời hạn vào tuần tới để Tổng thống Biden bắt đầu đảo ngược các lệnh trừng phạt do chính quyền tiền nhiệm áp đặt, hoặc Tehran sẽ ngăn cản các cuộc thanh sát trong thời gian ngắn mà IAEA được phép tiến hành theo Nghị định thư bổ sung.

Chính quyền Trump đã chính thức rút khỏi thỏa thuận JCPOA với Iran vào tháng 5/2018 và khôi phục lại các lệnh trừng phạt thậm chí còn khắc nghiệt hơn. Ông Trump nói rằng đây là “thỏa thuận một chiều tồi tệ mà đáng nhẽ ra không nên được tiến hành”. Quan điểm của ông Trump là không khoan nhượng với khủng bố, cần làm suy yếu Iran, tiêu diệt thủ lĩnh. Ông cho rằng làm như vậy là có thể chấm dứt được sự hung hăng của Iran mà không tốn một cuộc chiến tranh.

Đến tháng 8/2020, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết ông đã khởi động một quy trình 30 ngày tại Hội đồng Bảo an, theo đó sẽ tái áp dụng các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran, đồng thời tiếp tục một lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran vốn hết hạn vào ngày 18/10/2020.

Tuy nhiên, 13 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an cho rằng động thái của Washington thời điểm đó là vô hiệu vì ông Pompeo đã sử dụng cơ chế được đồng thuận theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà chính quyền Trump đã rút lui.

Dù vậy, Chính quyền Trump lập luận rằng họ vẫn kích hoạt việc tái áp dụng các lệnh trừng phạt, bởi vì một nghị quyết của Liên Hợp Quốc trong đó bảo vệ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn tính Hoa Kỳ là một bên tham gia.

Minh Ngọc

Xem thêm: