Ngày 10/5, đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ dẫn đầu các cuộc đàm phán gia hạn thỏa thuận với ba quốc đảo Thái Bình Dương. Ông sẽ thăm họ vào tuần tới với hy vọng đạt được tiến bộ trước chuyến công du của Tổng thống Joe Biden vào cuối tháng này.

Joseph Yun
Đặc phái viên Joseph Yun (Ảnh chụp màn hình video)

Đặc phái viên Joseph Yun nói với Reuters, ông sẽ đến Micronesia và sau đó là Palau và quần đảo Marshall.

“Chúng tôi muốn đạt được tiến bộ,” ông Yun đề cập đến các cuộc đàm phán để gia hạn thỏa thuận Hiệp ước về Hiệp hội Tự do (COFA) với ba quốc gia (Liên bang Micronesia, Cộng hòa Palau và Cộng hòa Quần đảo Marshall).

Theo các thỏa thuận này Hoa Kỳ vẫn giữ trách nhiệm bảo vệ các đảo và được độc quyền tiếp cận các vùng chiến lược rộng lớn ở Thái Bình Dương. Những thỏa thuận trên sắp hết hạn trong năm nay và năm tới. 

Nhà Trắng hôm 9/5 thông báo, ông Biden sẽ trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm quốc đảo Papua New Guinea ở Thái Bình Dương sau hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh sự đầu tư của chính quyền Hoa Kỳ vào khu vực Thái Bình Dương để chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao của quốc đảo Papua New Guinea Justin, ông Tkachenko nói với Reuters, ông Biden sẽ ký các thỏa thuận quốc phòng và giám sát với Papua New Guinea trong chuyến thăm ngày 22/5. Điều này làm mới tầm quan trọng chiến lược của quốc gia nơi mà chú của tổng thống Biden đã hy sinh trong Thế chiến thứ hai. Một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết họ “không có gì để xem xét thêm vào thời điểm này”.

Washington đã ký các biên bản ghi nhớ về hỗ trợ trong tương lai với ba quốc gia COFA, nhưng những biên bản này vẫn cần được hoàn thiện.

Hồi tháng trước, ông Yun bày tỏ, ông rất lạc quan và Quốc hội Hoa Kỳ sẽ thông qua chúng trong thời gian ngắn, nhưng vẫn còn một số công việc khó khăn phía trước. Theo đánh giá của ông, Washington cần đẩy nhanh “bắt kịp” ngoại giao với khu vực đảo quốc Thái Bình Dương trước sự cạnh tranh của Trung Quốc.

Ông Yun tiết lộ, các thỏa thuận “hàng đầu ” với ba quốc gia sẽ cung cấp cho những quốc đảo này tổng cộng khoảng 6,5 tỷ đô la trong 20 năm.

Trong một bức thư vào cuối năm ngoái, hơn 100 nhóm kiểm soát vũ khí, môi trường và các nhóm hoạt động khác đã kêu gọi chính quyền Biden chính thức xin lỗi Quần đảo Marshall về tác động của vụ thử hạt nhân quy mô lớn của Mỹ ở đó vào những năm 1940 và 1950, đồng thời đưa ra mức bồi thường hợp lý. 

Người dân đảo Marshall vẫn đang bị ảnh hưởng bởi sức khỏe và ảnh hưởng môi trường của 67 vụ thử bom hạt nhân của Hoa Kỳ từ năm 1946 đến năm 1958, trong đó bao gồm quả bom lớn nhất mà Hoa Kỳ từng kích nổ “Castle Bravo” tại Đảo san hô Bikini năm 1954.

Anh Nguyên (Theo Reuters)