Ngày 30/6, một cơ quan quốc hội Hoa Kỳ đã thúc giục Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres hành động theo khuyến nghị của các giám sát viên do LHQ chỉ định và thực hiện các biện pháp đặc biệt để điều tra cáo buộc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Nhấn mạnh vào lễ kỷ niệm một năm thực thi Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi của Hồng Kông, cũng như tập trung vào các khu tự trị Tân Cương và Tây Tạng của Trung Quốc Đại lục, Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (tiểu bang Oregon) và Dân biểu Jim McGovern (tiểu bang Massachusetts), cũng là Chủ tịch Ủy ban Lập pháp – Hành pháp về Trung Quốc của Quốc hội Mỹ (CECC), đã yêu cầu ông Guterres tiến hành “các biện pháp tức thời nhằm giám sát chặt chẽ và đánh giá hành vi của Trung Quốc”.

Luật An ninh Quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông “đã dẫn đến sự suy thoái nhanh chóng các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông… Tương tự, tình trạng vi phạm nhân quyền trên khắp Trung Quốc vẫn chưa thuyên giảm,” các nhà lập pháp phát biểu, đồng thời bày tỏ thái độ ủng hộ một tuyên bố hôm 28/6 của 50 chuyên gia độc lập về nhân quyền của LHQ. Các chuyên gia này nhận thấy, Trung Quốc vẫn không cho phép các phái bộ độc lập điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Trong tuyên bố mà văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet đưa ra, các chuyên gia nhân quyền của LHQ đã “báo động” về “việc đàn áp các cuộc biểu tình và vận động dân chủ ở [Hồng Kông], mà trong đó cảnh sát được miễn trách nhiệm khi sử dụng vũ lực quá mức, sử dụng chất hóa học đối với người biểu tình, quấy rối tình dục và tấn công phụ nữ biểu tình trong đồn cảnh sát, và cáo buộc quấy rối nhân viên y tế”.

Tuyên bố kêu gọi đưa ra các biện pháp khác, trong đó bao gồm cả việc tổ chức một phiên họp đặc biệt của LHQ “để đánh giá phạm vi vi phạm” mà Bắc Kinh bị cáo buộc đã thực hiện, cũng như thiết lập một “cơ chế… mới nhằm giám sát chặt chẽ, phân tích và lập báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc”.

Theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Luật Đại học Georgetown, Luật An ninh Quốc gia của Hồng Kông xử phạt hình sự một loạt các hành vi bị “dán nhãn” ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngoài, đã dẫn đến gần 130 vụ bắt giữ kể từ khi đưa vào áp dụng. Đáng chú ý, những người bị bắt giữ thường là các ứng cử viên chính trị, nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo.

Giới chức Hồng Kông cũng viện dẫn luật này hòng buộc tờ Apple Daily đóng cửa hồi tháng trước, đồng thời đóng băng tài sản của công ty này trong bối cảnh cuộc điều tra về việc liệu tờ báo có ủng hộ các lệnh trừng phạt của nước ngoài hay không.

Trong bức thư của CECC, Thượng nghị sĩ Merkley (một nhà bảo trợ của Đảng Dân chủ cho dự luật cấm nhập khẩu toàn bộ hàng hóa từ Tân Cương vào Mỹ, trừ khi các doanh nghiệp chứng minh được rằng chúng không bị sử dụng lao động cưỡng bức), và Dân biểu McGovern đã yêu cầu ông Guterres cập nhật về tiến độ thực hiện các biện pháp của LHQ, hoặc phải đưa một lời giải thích nếu không thể làm điều đó.

Ông Dimitar Gueorguiev, một trợ lý giáo sư về khoa học chính trị tại Trường Công dân và Công vụ Maxwell thuộc Đại học Syracuse nhận định, bức thư của CECC nên được coi là sự phản ánh quyết tâm của chính phủ Hoa Kỳ trong việc gây áp lực với Trung Quốc hơn là điều gì đó đơn thuần là thúc đẩy ông Guterres hành động hoặc kiềm chế Bắc Kinh. 

Ông nói: “Những bức thư và lời kêu gọi [ông Guterres], trái ngược với ngoại giao đại sứ, thiên về việc đảm nhận [vai trò ở] vị trí công chúng và ra tín hiệu hơn là kết quả thực tế. “Do đó, CECC dường như báo hiệu một quan điểm thống nhất từ ​​phía Mỹ, rằng tình hình nhân quyền ở Trung Quốc vẫn là một vấn đề trọng tâm cần chú ý, ngay cả khi Bắc Kinh vẫn luôn muốn bác bỏ nó.”

Ông McGovern cũng là một đảng viên Dân chủ đồng ủng hộ dự luật cấm bán thiết bị kiểm soát bạo động cho các cơ quan thực thi pháp luật Hồng Kông, một biện pháp đã được thông qua cùng với Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông.

Đáng chú ý, bức thư của CECC còn trùng hợp với cuộc thảo luận của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhân dịp kỷ niệm một năm ban hành Luật An ninh Quốc gia, với sự tham gia của một số nhà hoạt động Hồng Kông, trong đó có La Quán Thông (Nathan Law Kwun-chung).

La Quán Thông đã được bầu vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông vào năm 2016 ở tuổi 23, trở thành nhà lập pháp trẻ nhất của thành phố, nhưng đã bị tước ghế vào năm 2017.

La Quán Thông đã đào thoát sang Anh hồi tháng 6 năm ngoái, vài ngày trước khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh. London đã tiếp nhận tị nạn với trường hợp của anh, sau khi phát hiện Luật An ninh Quốc gia vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984.

Ông Saita Yukio, đại sứ Nhật Bản của LHQ tại Geneva, gọi Luật An ninh Quốc gia là “một trở ngại lớn đối với quyền tự chủ cao độ, đối với tự do ngôn luận và báo chí của Hồng Kông”, đồng thời cho biết thêm rằng “điều quan trọng là cộng đồng quốc tế phải đoàn kết trong việc mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các quyền và tự do của công dân Hồng Kông”.

Minh Ngọc (Theo SCMP)

Xem thêm: