Theo AP, Chính quyền Biden hôm thứ Năm (14/4, giờ Mỹ) đã thông báo trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga và áp đặt lệnh trừng phạt đối với khoảng 30 cá nhân và công ty, trong khi yêu cầu Điện Kremlin phải chịu trách nhiệm về sự can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái cùng cáo buộc vụ tấn công mạng vào các cơ quan liên bang.

Embed from Getty Images

(Ảnh minh họa: Getty Images)

Các hành động vốn đã được báo trước trong nhiều tuần này, có thể coi là biện pháp trả đũa công khai đầu tiên đối với Điện Kremlin trước vụ tấn công SolarWinds. Trong vụ xâm nhập đó, tin tặc Nga bị cáo buộc là đã lây nhiễm mã độc vào phần mềm được sử dụng rộng rãi để truy cập vào mạng của ít nhất chín cơ quan. Các quan chức Mỹ tin rằng, đây là một hoạt động thu thập thông tin tình báo nhằm khai thác bí mật của chính phủ này.

Bên cạnh vụ tấn công đó, các quan chức Mỹ hồi tháng trước còn cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủy quyền các hoạt động gây ảnh hưởng nhằm giúp ông Donald Trump trong nỗ lực không thành công để tái đắc cử tổng thống. Dù vậy, không có bằng chứng nào về việc Nga hoặc bất kỳ bên nào khác đã thay đổi phiếu bầu hoặc thao túng kết quả bầu cử.

Các biện pháp được công bố hôm 14/4 bao gồm các lệnh trừng phạt đối với sáu công ty Nga hỗ trợ các hoạt động mạng của nước này. Ngoài ra còn có các lệnh trừng phạt đối với 32 cá nhân và tổ chức bị cáo buộc cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, bao gồm cả việc phát tán thông tin sai lệch.

Phía Nhà Trắng cho hay, 10 nhà ngoại giao bị trục xuất, trong đó có đại diện của các cơ quan tình báo Nga.

Nhà Trắng cũng tiết lộ, ông Biden đang sử dụng các kênh ngoại giao, quân sự và tình báo nhằm phản hồi các báo cáo về việc Nga khuyến khích Taliban tấn công quân đội Mỹ và đồng minh ở Afghanistan, dựa trên “những đánh giá tốt nhất” của cộng đồng tình báo.

Các biện pháp trừng phạt mới được cho là nhằm gửi một thông điệp rõ ràng có tính chất răn đe tới Nga và để ngăn chặn các hành vi tương tự trong tương lai. Động thái này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Nga.

Trên thực tế, hành động này là đợt trừng phạt lớn thứ 2 mà chính quyền Biden áp đặt đối với chính phủ Nga. Tháng trước, Hoa Kỳ đã trừng phạt 7 quan chức cấp trung và cấp cao của Nga, cùng với hơn 10 tổ chức chính phủ, về một vụ tấn công bằng chất độc thần kinh gần như gây tử vong cho thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny và việc ông này bị bắt giam sau đó.

Ông Joe Biden đã nói với ông Putin trong tuần này trong lời kêu gọi thứ hai nhằm “giảm leo thang căng thẳng” sau khi Nga tăng cường quân sự ở biên giới Ukraine rằng, Mỹ sẽ “hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình” liên quan đến các cuộc tấn công mạng của Nga cũng như can thiệp vào cuộc bầu cử.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng trước, khi được hỏi liệu ông có nghĩ Putin là “kẻ giết người” hay không, ông Biden đã trả lời “Tôi cho là vậy.” Ông Putin sau đó đã triệu hồi đại sứ của mình khỏi Mỹ và phê phán lịch sử của Hoa Kỳ về chế độ nô lệ, tàn sát người Mỹ bản địa và vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Người phát ngôn của Điện Kremlin là ông Dmitry Peskov đã lên án các biện pháp trừng phạt mới, và cam kết rằng Nga sẽ đáp trả Hoa Kỳ.

Theo hãng thông tấn TASS, ông Peskov tuyên bố: “Chúng tôi lên án việc theo đuổi bất kỳ biện pháp trừng phạt nào, chúng tôi coi chúng là bất hợp pháp. Trong mọi trường hợp, nguyên tắc có đi có lại trong vấn đề này là hợp lệ; có đi có lại theo cách phục vụ tốt nhất cho lợi ích của chúng tôi.”

Về một cuộc gặp có thể có giữa 2 nhà lãnh đạo Putin và Biden, ông Peskov cho biết: “Khả năng thảo luận về các biện pháp trừng phạt này sẽ không có nghĩa là thúc đẩy một cuộc gặp như vậy.”

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: