Ngày 21/3, Hoa Kỳ thông báo áp dụng lệnh hạn chế thị thực đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến “hành vi đàn áp” các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo ở Trung Quốc và nước ngoài, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Lệnh hạn chế sẽ cấm các quan chức Trung Quốc tham gia cuộc đàn áp nhiều nhóm nạn nhân khác nhau nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Embed from Getty Images

“Hoa Kỳ muốn dập tắt nỗ lực của các quan chức [Trung Quốc] trong việc quấy rối, đe dọa, giám sát và bắt cóc thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo, bao gồm cả những người mong muốn có được sự an toàn ở nước ngoài cùng những công dân Hoa Kỳ lên tiếng thay cho những nhóm người dễ bị tổn thương này,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố.

“Chúng tôi cam kết bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới và sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao và kinh tế để thúc đẩy trách nhiệm giải trình.”

Ông Blinken lưu ý, các biện pháp trừng phạt sẽ áp dụng đối với những người “được cho là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các chính sách hoặc hành động nhằm đàn áp” các tín đồ tôn giáo, nhóm dân tộc thiểu số, nhà báo, nhà tổ chức lao động, nhà hoạt động nhân quyền, người bất đồng chính kiến ​​cùng những người biểu tình ôn hòa ở Trung Quốc và ở nước ngoài.

Hiện vẫn chưa rõ cụ thể những ai sẽ bị nhắm mục tiêu hoặc bao nhiêu người phải chịu các hạn chế mới. The Epoch Times đã liên hệ với Bộ Ngoại giao để làm rõ về mức độ của lệnh cấm.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, dưới thời chính quyền Tổng thống Trump và Biden, đều đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến nhiều vụ vi phạm nhân quyền, bao gồm cuộc đàn áp của chế độ ở Hồng Kông, cuộc đàn áp nhóm tu luyện Pháp Luân Công và đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Tháng 5 năm ngoái, chính quyền Biden đã xử phạt ông Dư Huy (Yu Hui), cựu chủ nhiệm Phòng 610 thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, cấm ông này và thành viên gia đình ông nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt theo lệnh của ông Dư Huy, trong đó có bà Phan Hiểu Giang (Pan Xiaojiang), trợ lý tư pháp tại một tòa án trung cấp ở tỉnh Tứ Xuyên.

Bà Phan đã bị bắt vào tháng 2/2017 vì treo biểu ngữ nơi công cộng, theo Minghui, trang web do các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Mỹ lập ra nhằm thu thập các tài liệu trực tiếp về cuộc bức hại. Bà đã bị kết án 4 năm tù vào tháng 6/2018. Ngoài ra còn có hai người khác bị bắt cùng bà, trong đó có một sinh viên mới tốt nghiệp, mỗi người bị kết án hai năm tù. Khoảng chục xe cảnh sát vây quanh tòa án khi diễn ra phiên xét xử bà Phan.

Các biện pháp mới được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Bộ Tư pháp (DOJ) công bố cáo buộc 5 cá nhân có liên quan đến các âm mưu theo dõi, đe dọa và quấy rối các nhà bất đồng chính kiến ​ gốc Hoa sinh sống tại Hoa Kỳ. Vụ việc này được đánh giá là không khác gì “sự đàn áp xuyên quốc gia” của một chính phủ độc tài.

Ông Blinken cũng yêu cầu chính quyền Trung Quốc ngừng tiến hành đàn áp xuyên quốc gia, chẳng hạn như cố gắng bịt miệng các nhà hoạt động người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ và những người khác bằng cách từ chối cho thành viên gia đình họ ở Trung Quốc rời khỏi đất nước.

“Hoa Kỳ tái khẳng định sự ủng hộ đối với những cá nhân dũng cảm dám lên tiếng bất chấp mối đe dọa trả đũa,” ngoại trưởng nhấn mạnh.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chấm dứt nạn diệt chủng và tội ác chống lại loài người đang diễn ra ở Tân Cương, các chính sách đàn áp ở Tây Tạng, đàn áp các quyền tự do cơ bản ở Hồng Kông, cũng như các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền, bao gồm cả vi phạm tự do tôn giáo, ở những khu vực khác trên đất nước.”

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)