Đó là phản ứng mới nhất của Hoa Kỳ sau khi Bắc Triều Tiên phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hôm thứ Ba (3/7).

Đại diện Hoa Kỳ nói rằng nước này sẽ sử dụng “lực lượng quân sự đáng kể” chống lại Bắc Triều Tiên “nếu chúng ta buộc phải [làm thế]”.

Bà Haley tuyên bố Hoa Kỳ “sẽ sử dụng vũ lực” với Bắc Triều Tiên nếu tình huống bắt buộc

Đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) bà Nikki Haley nói rằng vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng được xem là hành động leo thang quân sự nghiêm trọng và Washington sẽ trình LHQ một nghị quyết mới trừng phạt chế độ Kim Jong-un, trong đó nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt hơn.

Bà Haley cho hay vụ thử tên lửa ICBM của Bắc Triều Tiên vừa qua đã “nhanh chóng đóng lại khả năng [giải quyết mâu thuẫn] bằng biện pháp ngoại giao“.

Đại sứ Hoa Kỳ nói với Hội đồng Bảo an LHQ trong cuộc họp khẩn cấp sau động thái leo thang của Bình Nhưỡng: “Hoa Kỳ đang chuẩn bị sử dụng toàn bộ khả năng của mình để bảo vệ chính mình, và các đồng minh. Một trong những khả năng của chúng tôi nằm ở lực lượng quân đội đáng kể. Chúng tôi sẽ sử dụng vũ lực, nếu cần, nhưng chúng tôi không ưu tiên đi theo hướng đó”.

Tổng tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, Tướng Vincent K. Brooks hôm thứ Tư (5/7) đã nói rằng “tự kiềm chế” là tất cả những gì đã giữ Hoa Kỳ và Hàn Quốc khỏi chiến tranh với miền Bắc.

Tướng Brooks nói rằng: “Tự kiềm chế, đó là một sự lựa chọn, là tất cả những gì ngăn chặn việc đình chiến không chuyển sang chiến tranh. Miền Bắc tiếp tục thử tên lửa, chúng ta có thể thay đổi lựa chọn này khi được các nhà lãnh đạo quốc gia trong liên minh của chúng ta ra lệnh. Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu ai đó tin tưởng bất cứ điều gì trái ngược”.

Cảnh báo trên của Tướng Brooks được đưa ra ngay khi  Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc xác nhận rằng tên lửa của Bắc Triều Tiên có khả năng tiếp cận bang Hawaii, Hoa Kỳ.

Cũng ngay trong tối thứ Ba (3/7), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông qua cuộc tập trận tên lửa chung Mỹ – Hàn. Ông Moon lập luận rằng các đồng minh cần phải phản ứng lại sự khiêu khích của Bắc Triều Tiên với “nhiều hơn các tuyên bố”.

Quân đội Hàn Quốc cho hay cuộc tập trận chung này đã cho bắn thử các tên lửa có tầm xa khoảng 300km, nhằm kiểm tra khả năng có thể khởi động “một cuộc tấn công chính xác vào lãnh đạo kẻ thù” trong trường hợp chiến tranh.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga hôm thứ Tư (5/7) cho biết Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đồng ý triển khai “những hành động cụ thể nhằm cải thiện hệ thống phòng thủ và khả năng  ngăn chặn Bắc Triều Tiên“.

Ông Suga đã không tiết lộ chi tiết những hành động đó là gì, nhưng phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết chính phủ nước này đang xem xét mua các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo từ Hoa Kỳ.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng Tokyo đang tính đến hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Hoa Kỳ đã triển khai gần đây tại Hàn Quốc. Đồng thời, Nhật Bản cũng xem xét một hệ thống khác, được gọi là Aegis Ashore, tương tự như những gì mà quốc gia này đã triển khai trên các tàu khu trục hải quân.

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã loan báo rằng chính phủ cũng đang thảo luận mua Tomahawk hoặc các tên lửa hành trình khác, giúp Nhật Bản có khả năng tấn công Bắc Triều Tiên.

Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Nhật Bản Yasushi Kojima phủ nhận các thông tin trên. Nhưng một quan chức Hoa Kỳ giấu tên cho biết thương vụ tên lửa hành trình đang được hai nước Mỹ – Nhật thảo luận.

Đại sứ Pháp tại LHQ nói trước Hội đồng Bảo an rằng nước này ủng hộ một nghị quyết mới về Bắc Triều Tiên, thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt.

Trong khi đó, Nga một mặt lên tiếng phản đối Bình Nhưỡng thử tên lửa, nhưng cũng nhấn mạnh rằng khả năng sử dụng các biên pháp quân sự “nên được loại trừ”.

Đại diện của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh thấy hành động của Bắc Triều Tiên không thể chấp nhận. Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại lời kêu gọi chung của Trung Quốc và Nga về việc Hoa Kỳ hủy bỏ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc, và đề nghị hai nước ngừng các cuộc tập trận chung gần Bắc Triều Tiên.

Trước đó, Tổng thống Trump đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc đang tăng cường hoạt động thương mại với Bắc Hàn.

Về vấn đề thương mại này, bà Haley đã thảo luận với Tổng thống Trump, cho biết Mỹ có thể cắt đứt giao thương với các nước tiếp tục có hoạt động thương mại với Bắc Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hoa Kỳ.

Bà Haley nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ xem xét bất kỳ quốc gia nào chọn kinh doanh với chế độ ngoài vòng pháp luật này”.

Vấn đề Bắc Triều Tiên có thể sẽ là chủ đề thảo luận chính và căng thẳng giữa các nước công nghiệp phát triển G20 sẽ nhóm họp tại Hamburg, Đức vào cuối tuần này. Tại đây, Tổng thống Trump sẽ lần thứ hai gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và lần đầu tiên trao đổi trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tân Bình

Xem thêm: