Theo một tài liệu mà Bloomberg News có được, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị ủng hộ một nỗ lực mới về một cuộc điều tra nguồn gốc của Covid-19 sau những đánh giá mâu thuẫn về nơi khởi đầu của dịch bệnh.

shutterstock 1629242293
Nguồn gốc virus corona mới ở Vũ Hán, Trung Quốc? (Ảnh: FOTOGRIN/ Shutterstock)

Trong một dự thảo tuyên bố mà các quốc gia hy vọng sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng này, EU và Hoa Kỳ “kêu gọi tiến hành nghiên cứu giai đoạn 2 về nguồn gốc của Covid-19 một cách minh bạch, dựa trên bằng chứng, và do các chuyên gia do WHO triệu tập chủ trì, không bị can thiệp”. 

Hoa Kỳ nằm trong số các quốc gia yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn và cho phép tiếp cận nhiều hơn đối với dữ liệu của nước này, trong bối cảnh nhiều nghi vấn đang đặt ra về việc liệu đại dịch là do một sự cố trong phòng thí nghiệm gây ra, hay là được lây truyền từ động vật hoang dã hoặc là do một nguyên nhân gì khác gây ra.

Một cuộc điều tra mới có nguy cơ sẽ làm tăng căng thẳng với Trung Quốc bởi vì quốc gia này luôn bác bỏ mọi ý kiến về việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, đồng thời cự tuyệt những nỗ lực của quốc tế muốn điều tra thêm về nguồn gốc của virus.

Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đầu năm nay cho biết nguồn gốc của virus rất có thể là tự nhiên, nhưng báo cáo này cũng kêu gọi cần tiến hành các nghiên cứu sâu hơn.

Một người biết rõ nội dung các cuộc thảo luận giữa các nhà ngoại giao châu Âu đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, tiết lộ rằng Hoa Kỳ đã yêu cầu EU ủng hộ một nghiên cứu về nguồn gốc của Covid.

Nhà Trắng chưa phản hồi yêu cầu bình luận. Bản tuyên bố mới chỉ là bản thảo và có thể thay đổi trước khi các lãnh đạo Hoa Kỳ và châu Âu gặp nhau tại Brussels vào ngày 15/6.

Tài liệu cũng cho biết Hoa Kỳ và EU “cam kết hợp tác với nhau để phát triển và sử dụng các phương tiện độc lập và nhanh chóng để điều tra các nạn dịch như vậy trong tương lai”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra một tuyên bố bất ngờ vào cuối tháng trước, tiết lộ rằng cộng đồng tình báo Hoa Kỳ vẫn còn chia rẽ về nguồn gốc của đại dịch virus corona. Ông Biden nói rằng cộng đồng tình báo Mỹ có hai “cơ sở giả thiết” mà ông chưa xác định được nghiêng về bên nào, một giả thiết nghiêng về nguồn gốc tự nhiên của virus, trong khi một giả thiết khác nghiêng về khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, một trung tâm toàn cầu nghiên cứu về virus corona. Mỗi cơ sở giả thiết đều có “độ tin cậy từ thấp đến trung bình”.

Ông Biden yêu cầu các cơ quan tình báo báo cáo lại trong 90 ngày, thiết lập viễn cảnh vấn đề bùng phát trở lại trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 nơi ông Biden có khả năng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

EU cũng sẽ có nguy cơ chọc giận Trung Quốc khi ủng hộ nghiên cứu này. Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích động thái của ông Biden là một nỗ lực nhằm “bêu xấu, thao túng chính trị và đổ lỗi”.

Ngoài ra, trong bản tuyên bố, Hoa Kỳ và EU sẽ cam kết tiếp tục hỗ trợ chương trình Covax Facility để đẩy mạnh việc tiêm chủng tại các quốc gia đang phát triển, đồng thời sẽ “khuyến khích nhiều nhà tài trợ hơn nữa nhằm sản xuất 2 tỷ liều vắc-xin trên toàn thế giới vào cuối năm 2021”.

Tài trợ và phân phối vắc-xin cho các nước đang phát triển sẽ là một nội dung chính trong chương trình nghị sự khi các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau tại Cornwall, Anh trong tuần này. Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ, ông muốn G7 cam kết sẽ tiêm chủng cho toàn bộ thế giới vào cuối năm sau.

EU và Hoa Kỳ cũng sẽ cam kết hợp tác cùng nhau về các cách tiếp cận nhiều mặt tương tự của họ đối với Trung Quốc, bao gồm các yếu tố về việc hợp tác, cạnh tranh, sự đối đầu mang tính hệ thống.

Bản dự thảo tuyên bố đưa ra một danh sách các mối quan ngại chung của hai bên đối với Bắc Kinh, bao gồm:

  • Vi phạm nhân quyền tại Tân Cương và Tây Tạng
  • Làm xói mòn nền dân chủ tại Hồng Kông
  • Áp bức kinh tế đối với các quốc gia khác
  • Các chiến dịch thông tin sai lệch của ĐCSTQ
  •  Các vấn đề an ninh trong khu vực
  • Tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Gia Huy (Theo SCMP)

Xem thêm: