Một cuộc diệt chủng "lạnh" đang diễn ra tại Trung Quốc

Học giả: Một cuộc diệt chủng “lạnh” đang diễn ra tại Trung Quốc

Hiệp hội Các học giả Nghiên cứu Diệt chủng Quốc tế (IAGS – International Association of Genocide Scholars) là một tổ chức phi chính trị của các học giả trên khắp thế giới được thành lập với mục đích nghiên cứu, giảng dạy về bản chất, nguyên nhân và hậu quả của các cuộc diệt chủng. Mới đây nhất, một bài nghiên cứu đăng tải trên tạp chí của tổ chức này đã gọi cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc là một cuộc diệt chủng “lạnh” (cold genocide) – một danh từ khá mới được sử dụng trong nghiên cứu diệt chủng.

Trong bài nghiên cứu có tựa đề “Diệt chủng lạnh: Pháp Luân Công tại Trung Quốc” (Cold Genocide: Falun Gong in China), 4 học giả đến từ Mỹ và Canada cho rằng cuộc diệt chủng Pháp Luân Công là một cuộc diệt chủng “bất thường” bởi vì nó hầu như bị bỏ qua. Nó bị bỏ qua bởi người dân Trung Quốc, bị bỏ qua bởi các học giả nghiên cứu diệt chủng, bị bỏ qua bởi chính quyền các nước trên thế giới (ngoại trừ một số nghị quyết lên án thay vì hành động thực tế), bị bỏ qua bởi giới truyền thông (với số lượng bài viết và đưa tin không nhiều). Các tác giả đã chỉ ra rằng có 3 nguyên nhân tạo nên cuộc diệt chủng “lạnh” này:

1 – Nó là một cuộc diệt chủng với nhiều bình diện khác nhau.

2 – Rất khó để có thể nhận ra nó.

3 – Nó bị “bình thường hóa” tại Trung Quốc, nơi nó diễn ra.

Ba nhân tố nêu trên đã biến cuộc diệt chủng Pháp Luân Công thành một cuộc diệt chủng “âm ỉ, có hiệu quả và đầy chết chóc”. Bài viết cũng cho rằng chính vì ba nhân tố đó mà cuộc diệt chủng lạnh này hiện chưa được nhiều học giả nghiên cứu.

Một cuộc diệt chủng "lạnh" đang diễn ra tại Trung Quốc
Nghiên cứu công bố trên tạp chí của Hiệp hội Các học giả Nghiên cứu Diệt chủng Quốc tế.

Vậy diệt chủng lạnh là gì và 3 yếu tố dẫn tới cuộc diệt chủng lạnh Pháp Luân Công là như thế nào? Dưới đây là phần tóm lược một số ý chính trong nghiên cứu.

DIỆT CHỦNG LẠNH

Diệt chủng “lạnh” (cold genocide) là một khái niệm khá mới trong nghiên cứu diệt chủng, được một số nhà nghiên cứu như Sheri Rosenberg, Rosenberg hay Kjell Anderson sử dụng trong các bài viết nghiên cứu về đề tài này. Theo đó, trái ngược với khái niệm diệt chủng thông thường vốn là các cuộc giết chóc diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, diệt chủng lạnh là “một quá trình tiêu diệt chậm chạp dẫn tới hiện tượng giết chóc hàng loạt đối với một nhóm người, thay vì cái chết ngay lập tức do bạo lực”.

Mặc dù việc một cuộc diệt chủng bắt đầu và kết thúc vào lúc nào thường xuyên là chủ đề gây tranh cãi, nhưng thời gian diệt chủng kéo dài tới hơn 10 năm là rất hiếm thấy. Trong 9 cuộc diệt chủng được biết đến vào thế kỷ 20 và 21, có 6 cuộc diệt chủng xảy ra trong thời gian ít hơn 5 năm và có 4 cuộc ít hơn 1 năm. Hầu hết đều được coi là diệt chủng “nóng”. Trên thế giới có 2 cuộc diệt chủng vẫn đang tiếp diễn: cuộc diệt chủng tại Sudan – Darfur đối với người Hồi giáo châu Phi hoặc người Hồi giáo không có gốc Ả Rập (một số học giả cho rằng đã kết thúc), và cuộc diệt chủng còn lại diễn ra tại Trung Quốc đối với người tập Pháp Luân Công.

PHÁP LUÂN CÔNG THEO CÁCH NHÌN HỌC GIẢ

Theo nghiên cứu, bắt đầu vào giữa những năm 1990, cuộc đàn áp Pháp Luân Công – một môn khí công tại Trung Quốc – manh nha khi “Đảng Cộng sản Trung Quốc phát hiện ra rằng 70 triệu người Trung Quốc đang tập Pháp Luân Công”. Cuộc đàn áp này đã gây khó khăn lớn cho giới học giả phương Tây ngay trong việc nhận định nó. Theo đó, thậm chí họ còn không hiểu tại sao người tập Pháp Luân Công luôn từ chối tự nhận mình là tôn giáo.

Paul Hedges khi nói về cuốn sách “Tôn giáo Pháp Luân Công” của Benjamin Penny đã chỉ ra rằng khái niệm “tôn giáo” ở phương Tây hoàn toàn khác với ở Trung Quốc do sự khác biệt về văn hóa. Hedges cho rằng vì Pháp Luân Công có tổ chức lỏng lẻo – không có hệ thống thành viên, không thu phí, không có cấu trúc, và không có tổ chức – nên ở Trung Quốc nó không phải là tôn giáo. Bởi vì tôn giáo ở nền văn hóa này là nói đến các tu sĩ, các hệ thống nhà chùa hay đạo quán.

Một cuộc diệt chủng "lạnh" đang diễn ra tại Trung Quốc
Pháp Luân Công tại Trung Quốc trước cuộc đàn áp.

Các nghiên cứu trực tiếp của David Ownby tại Bắc Mỹ chỉ ra rằng cộng đồng Pháp Luân Công cực kỳ lỏng lẻo. Và họ hài lòng với việc được gọi là một “nhóm tín ngưỡng” (creed). Học giả nghiên cứu diệt chủng Gregory Stanton gọi Pháp Luân Công là một “nhóm tín ngưỡng/tôn giáo” (religious group). Hầu hết trong các vụ kiện nhân quyền và các cuộc điều trần tại phương Tây, cuộc đàn áp Pháp Luân Công được gọi là một “cuộc đàn áp tín ngưỡng/tôn giáo” (religious persecution).

Trong khi nghiên cứu về cuộc đàn áp này, các học giả và phóng viên đã gặp khó khăn trong việc phân tích và nhận định về ĐCSTQ cũng như Pháp Luân Công. Một trong những nguyên nhân là việc Trung Quốc từ chối cấp thị thực cho các nhà điều tra độc lập vào nước này. Vào những năm 2000, các học giả thường chọn cách đứng ở thế trung lập khi nói về vấn đề này. David Ownby, tác giả cuốn “Pháp Luân Công và tương lai Trung Quốc”, sau nhiều năm nghiên cứu thực tế, cho rằng các bằng chứng nghiêng về phía Pháp Luân Công, bởi vì chính quyền Trung Quốc chỉ liên tục lặp lại luận điệu ma quỷ hóa tín ngưỡng này mà không có bằng chứng thuyết phục.

David Ownby, Andrew Junker và các học giả khác cũng kết luận rằng Pháp Luân Công có tổ chức lỏng lẻo, không phải là một nhóm chính trị, và chỉ bị nhìn nhận là “chính trị” sau khi cuộc đàn áp diễn ra. Việc các thành viên của nhóm này tham gia vào các hoạt động phản đối “được cho là phản kháng chính trị” “chỉ bắt đầu sau khi chính quyền Trung Quốc ma quỷ hóa và tra tấn những người trong nhóm này”.

CUỘC ĐÀN ÁP

Để nghiên cứu về cuộc diệt chủng, các học giả đã đưa ra cái nhìn sơ lược về cuộc đàn áp. Theo đó, ngay trước cuộc đàn áp Pháp Luân Công là “Sự kiện Trung Nam Hải” vào tháng 4-1999. Phản ứng lại việc 45 người tập Pháp Luân Công tại Thiên Tân bị bắt giữ do thỉnh nguyện ôn hòa về một bài báo tấn công Pháp Luân Công xuất bản tại địa phương này, khoảng 10.000 người tập Pháp Luân Công đã tập trung ôn hòa tại Văn phòng thỉnh nguyện Trung ương của chính quyền gần Trung Nam Hải (quần thể tòa nhà là trụ sở chính của chính quyền Trung Quốc).

Cũng theo nghiên cứu, không có bằng chứng cho thấy đây là một kế hoạch được chuẩn bị sẵn, mà chỉ là kết quả của các cá nhân độc lập muốn tới thỉnh nguyện cho những người cùng tín ngưỡng với mình. Họ yêu cầu quyền tự do tập luyện Pháp Luân Công và yêu cầu phóng thích những người tập Pháp Luân Công đang bị bắt giữ tại Thiên Tân. Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Dung Cơ đích thân bước ra khỏi cổng Trung Nam Hải, đứng trước toàn thể người thỉnh nguyện và yêu cầu họ cử ra đại diện để vào nói chuyện. Điều đó cho thấy chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ hoàn toàn yên tâm về cuộc thỉnh nguyện này.

Một cuộc diệt chủng "lạnh" đang diễn ra tại Trung Quốc
Hình ảnh tư liệu về cuộc thỉnh nguyện 25-4-1999.

Tuy nhiên người đứng đầu ĐCSTQ lúc đó là Giang Trạch Dân cho rằng sự kiện này là một “sự thách thức về tư tưởng” đối với ĐCSTQ. Vì thế, ông ta đã khởi động một chiến dịch chống lại Pháp Luân Công vào tháng 7-1999. Đi kèm với đó, nghiên cứu chỉ ra rằng một cơ cấu được thành lập ngay dưới ĐCSTQ, gọi là “Phòng 610”, chịu trách nhiệm tổ chức chiến dịch đàn áp. Tổ chức này có quyền lực rất lớn, có thể điều động các cơ quan chính quyền ở tất cả các cấp, bao gồm cả tòa án, các cơ quan dịch vụ công, các cơ quan giáo dục. “Toàn bộ các đơn vị của chính quyền và của Đảng đều phải nghe theo lệnh của Phòng 610.”

Chiến dịch của Giang Trạch Dân lúc đầu đặt mục tiêu là trong vòng 3 tháng, “chuyển hóa” tất cả người tin theo Pháp Luân Công bằng tất cả các thủ đoạn, bao gồm cả tra tấn. Tuy nhiên, mục tiêu đó không trở thành hiện thực. Những người tập Pháp Luân Công tiếp tục tới quảng trường Thiên An Môn và các cơ quan địa phương để thỉnh nguyện. Vì vậy, ĐCSTQ phải tăng cường mức độ đàn áp.

Theo nghiên cứu, phòng 610 đã khởi động một chiến dịch “đánh mạnh” (fight hard). Trong đó, việc tra tấn và tra tấn tới chết trở thành điều bình thường. Rất nhiều phương thức đã được sử dụng như tẩy não, cưỡng bức lao động, không cho ngủ, lạm dụng tình dục, điều trị tâm thần, và các thí nghiệm y học khác, thậm chí cả thu hoạch nội tạng.

Một cuộc diệt chủng "lạnh" đang diễn ra tại Trung Quốc
Nhóm Pháp Luân Công thường xuyên xuất hiện trước cộng đồng quốc tế với các hình ảnh là bằng chứng cho thấy sự tra tấn đối với những người thuộc nhóm này.

Theo khảo sát của nhà báo Ethan Gutmann, từ năm 2000 tới 2008, trung bình có khoảng 450.000 tới 1 triệu người tập Pháp Luân Công bị giam giữ tại các trại lao động cưỡng bức trong bất cứ thời điểm nào. Năm 2006, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về chống Tra tấn, ông Manfred Nowak, đã báo cáo rằng việc tra tấn nhóm Pháp Luân Công chiếm 66% các trường hợp được cho là bị tra tấn tại trại giam Trung Quốc, việc tra tấn người Duy Ngô Nhĩ chiếm 11%. Năm 2014, chính quyền Trung Quốc công bố đóng cửa các trại lao động cải tạo. Tuy nhiên, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), hệ thống trại lao động này thực chất là được thay thế bằng các hình thức giam giữ và tẩy não khác.

Nghiên cứu chỉ ra, một trong những vấn nạn lớn nhất về cuộc đàn áp Pháp Luân Công hiện đang được quốc tế nhắc tới là thu hoạch nội tạng – hành vi mổ lấy nội tạng, bao gồm cả các cơ quan nội tạng quan trọng, mà không được sự đồng ý, dẫn tới cái chết của người đó. Trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát – Bản cập nhật” (2017), nhà báo được đề cử Nobel Hòa Bình Ethan Gutmann, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour và luật sư nhân quyền được đề cử Nobel Hòa bình David Matas, đã công bố kết quả điều tra của mình dựa trên số liệu mới về 164 bệnh viện được Bộ Y tế Trung Quốc cấp phép thực hiện cấy ghép năm 2007. Báo cáo chỉ ra rằng mặc dù chính quyền Trung Quốc công bố ngừng sử dụng tạng từ tù nhân, nhưng thực chất việc thu hoạch tạng ở nước này đã trở thành một ngành công nghiệp.

Quay lại về 3 yếu tố cho thấy cuộc đàn áp này là một cuộc diệt chủng lạnh. Các nhà nghiên cứu phân tích:

DIỆT CHỦNG CÙNG LÚC TRÊN NHIỀU BÌNH DIỆN

Học giả Anderson cho rằng một cuộc diệt chủng lạnh thường xảy ra trên nhiều bình diện cùng một lúc. Cùng với các yếu tố diệt chủng về mặt thân thể, kẻ diệt chủng còn muốn hủy diệt nhóm nạn nhân trên các bình diện khác. Các hành động hay chính sách đàn áp được tính toán để mang tới sự phá hủy hoàn toàn nền tảng tồn tại của nhóm nạn nhân. Đó là sự tấn công về văn hóa, kinh tế và khả năng tồn tại chính trị. Mặc dù ông Anderson nghiên cứu về cuộc diệt chủng xảy ra tại tỉnh Tây Papua, Indonesia, nhưng điều ông chỉ ra lại ăn khớp với cuộc diệt chủng Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Ba mục tiêu mà ĐCSTQ đã đề ra để tấn công người tập Pháp Luân Công cũng là một cuộc tấn công trên nhiều bình diện: “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể”.

Theo nghiên cứu, các chính sách đã được đề ra để tẩy não và cải tạo người tập Pháp Luân Công, tách rời họ khỏi tín ngưỡng, ép họ phải từ bỏ cộng đồng người tập Pháp Luân Công và buộc họ phải chấp nhận các tư tưởng của ĐCSTQ. Những người tập Pháp Luân Công từng được nhìn nhận tốt tại nơi làm việc, đã bị mất việc và mất nguồn thu tài chính. Bên cạnh đó, cuộc sống xã hội của những người này cũng bị phá hủy ở cả trong và ngoài Trung Quốc.

Một cuộc diệt chủng "lạnh" đang diễn ra tại Trung Quốc
Hình ảnh tư liệu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại các địa điểm công cộng như quảng trường Thiên An Môn. Trong rất nhiều trường hợp dưới sự tuyên truyền, những người vây quanh chỉ đứng nhìn hay cười cợt.

Học giả Claudia Card trong nghiên cứu “Diệt chủng và Cái chết Xã hội” đã viết: “Mất đi sức sống xã hội là mất đi đặc điểm nhận diện của bản thân, từ đó mất đi ý nghĩa của sự sinh tồn”. Theo bà, việc gây ra sự phá hủy về mặt xã hội chính là nhân tố tà ác của một cuộc diệt chủng. Theo nghiên cứu, bằng các chiến dịch tuyên truyền, phi nhân tính hóa, ma quỷ hóa Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã khiến nhóm người này bị chia cắt khỏi xã hội. Nhóm người này phải đối diện với sự thù hận, chia rẽ, và sự giám sát đối với cuộc sống của họ. Họ bị cắt khỏi liên lạc với gia đình, bạn bè và xã hội.

Bên cạnh việc gây ra “cái chết xã hội”, ĐCSTQ đã gây ra “cái chết tâm linh” đối với nhóm người Pháp Luân Công. Việc chuyển hóa tư tưởng đã được thực hiện như một biện pháp quan trọng để xóa bỏ Pháp Luân Công. Theo nghiên cứu, ngay từ khi cuộc đàn áp bắt đầu, những người tập Pháp Luân Công bị bắt giữ sẽ được thả nếu ký giấy nhận sai và từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công. Những người không làm như vậy sẽ bị tra tấn, bị chết do tra tấn, bị thu hoạch nội tạng. Nhóm người này đã phải đưa ra lựa chọn giữa thể xác và tinh thần, lựa chọn giữa việc vứt bỏ tâm linh để đổi lấy mạng sống: Chết tâm linh hay là Chết thể xác. Lựa chọn nào cũng dẫn tới việc xóa bỏ Pháp Luân Công.

“Cái chết xã hội” và “Cái chết tâm linh” không giống với việc bị thảm sát về mặt thân thể. Chúng rất lặng lẽ, không đổ máu, nhưng chúng đạt được hiệu quả tương tự.

TÍNH ẨN GIẤU

Loại diệt chủng lạnh với diễn tiến chậm chạp còn rất xa lạ với các nghiên cứu về diệt chủng. Sự trải rộng về mặt ảnh hưởng trên phương diện quy mô và thời gian khiến các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong việc nhận diện mức độ nguy hiểm của nó. Tuy nhiên, diễn tiến chậm chạp không phải là điều khiến người ta khó nhận ra nó nhất. Một cuộc diệt chủng lạnh khó phân biệt được nhất là bởi vì nó rất tinh vi, khiến cho người ta trở nên thờ ơ với nó.

Trong trường hợp của Pháp Luân Công, các học giả quan sát thấy có ba hiện tượng về sự tinh vi của cuộc diệt chủng này:

  • Tốc độ chậm chạp
  • Sự che đậy có hệ thống
  • Sự cách ly Pháp Luân Công khỏi xã hội trong và ngoài Trung Quốc.

Tốc độ chậm chạp

Cuộc diệt chủng bắt đầu vào năm 1999, kéo dài suốt hơn 18 năm và tiếp diễn đến hiện tại. Các cuộc diệt chủng được cộng đồng quốc tế biết đến thường không kéo dài quá 5-10 năm. Một cuộc diệt chủng kéo dài lên đến hơn 10 năm là rất hiếm.

Sự che đậy có hệ thống

Truyền thông của ĐCSTQ đã trở thành một công cụ hiệu quả trong việc phủ nhận những hành động của chính quyền trong cuộc diệt chủng Pháp Luân Công. Một phương diện đáng kể trong việc che đậy này chính là sự bóp méo và xóa đi các dữ liệu công bố công khai. Đơn cử như các dữ liệu về cấy ghép tạng.

Năm 2006, sau khi David Matas và David Kilgour công bố rộng rãi báo cáo về nạn thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, hệ thống đăng ký ghép tạng tại Hồng Kông vốn mở công khai cho công chúng đăng ký, đã từ chối cho phép truy cập vào dữ liệu trực tuyến về số lượng cấy ghép tạng. Số lượng các ca ghép tạng được công bố giảm một cách bất thường trong khi cơ sở hạ tầng cho cấy ghép tạng ở Trung Quốc không ngừng mở rộng trong hơn 10 năm. Trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát – Bản cập nhật” (2017), việc chỉnh sửa dữ liệu trên các trang web của Trung Quốc đã bị phát hiện nhờ hệ thống lưu trữ lịch sử dữ liệu internet (Ví dụ: Archive.org).

Hai ngành công nghiệp "giết mổ" người của Trung Quốc
Theo thứ tự: nhà báo được đề cử Nobel Hòa Bình Ethan Gutmann; cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour; luật sư nhân quyền được đề cử Nobel Hòa Bình David Matas. Ba nhà điều tra độc lập đã công bố báo cáo với các bằng chứng ngày càng cụ thể, vào năm 2007 (bản cập nhật báo cáo Kilgour – Matas), 2009 (sách “Thu hoạch đẫm máu”), 2012 (sách “Tạng nhà nước”), 2014 (sách “Đại thảm sát”), và mới đây nhất là bản báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát – Bản cập nhật” (2017).

Một hình thức che đậy khác cần kể tới chính là hệ thống kiểm duyệt khi tìm kiếm các từ khóa trên internet. Pháp Luân Công là chủ đề bị kiểm duyệt chặt chẽ nhất ở Trung Quốc. Tháng 6/2009, chính quyền Trung Quốc đã phát triển một hệ thống kiểm duyệt có tên là “Green Dam Youth Escort” và nó được cài đặt trên toàn bộ máy tính cá nhân của người dân Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan phát hiện ra hai danh sách các từ khóa kiểm duyệt trong phần mềm này, trong đó một danh sách có tên Falunwords.lib với 6.500 từ, trong đó 90% có liên quan đến Pháp Luân Công.

Sự cách ly Pháp Luân Công khỏi xã hội

Tuyên truyền của ĐCSTQ về Pháp Luân Công dẫn tới các định kiến về nhóm này, và còn đóng vai trò cách ly nhóm này khỏi xã hội cả trong và ngoài Trung Quốc, đặc biệt khi các tuyên truyền này được phát tại phương Tây thông qua các kênh truyền thông của ĐCSTQ tại nước ngoài. Thông thường, để đảm bảo tính trung lập, các nhà nghiên cứu sẽ dẫn lại những thông tin từ cả hai phía, phía ĐCSTQ và phía Pháp Luân Công. Tuy nhiên dạng bài viết phân cực này lại tạo ra sự bối rối, khiến công chúng khó có thể đánh giá thực tế cuộc diệt chủng và đưa ra lập trường của họ. Việc truyền thông quốc tế dẫn lại các tuyên truyền của ĐCSTQ cũng tạo nên nghi ngờ đối với nhóm người này, dẫn đến sự im lặng, hoặc dẫn đến việc “phủ nhận diệt chủng” (genocide denial) – một tâm lý thường thấy trong các cuộc diệt chủng. Hậu quả tất yếu là nhóm Pháp Luân Công này phải tự lên tiếng để bảo vệ chính mình.

Tại sao chính quyền Trung Quốc sợ Pháp Luân Công?
Nhóm Pháp Luân Công ngoài Trung Quốc làm rõ sự thật về cuộc đàn áp. Mặc dù tuần hành là một điều phổ biến ở phương Tây, nhưng tuần hành để nói về một cuộc diệt chủng theo cách thức như vậy cũng là một cảnh tượng khá lạ lẫm đối với người dân thế giới.

SỰ BÌNH THƯỜNG HÓA TỘI ÁC

Theo nghiên cứu, ĐCSTQ đã sử dụng quyền lực của mình để bình thường hóa cuộc diệt chủng Pháp Luân Công. Sự tuyên truyền của chính quyền đã khiến cho người dân Trung Quốc lẫn lộn. Họ được “lập trình” để chấp nhận sự bất công đặc biệt đối với Pháp Luân Công như một “sự thật bình thường”. Sau tuyên truyền cường độ cao, việc cải tạo tư tưởng một cách có hệ thống đã trở nên lẩn khuất, khiến cho chiến dịch chống Pháp Luân Công kéo dài và càng khó nhận ra.

Phòng 610, nắm quyền lực đối với cả hệ thống dân sự, đã đóng vai trò chính trong việc bình thường hóa này. Họ đã đưa các thông điệp chống Pháp Luân Công vào các hoạt động văn hóa, giáo dục, triển lãm, và các hoạt động thường nhật khác, tới những tổ chức của phụ nữ và trẻ em. Nghiên cứu chỉ ra rất nhiều ví dụ:

Các học sinh phải tham gia vào triển lãm chống Pháp Luân Công. Tại Sơn Nam, học sinh phải xem video ghi lại cảnh các người tập Pháp Luân Công tuyên bố từ bỏ niềm tin sau quá trình chuyển hóa. Sau cấp hai, điều kiện để nhập học tiếp là học sinh phải chứng minh chúng có “thái độ đúng đắn” đối với Pháp Luân Công. Các tổ chức tại khu dân cư được yêu cầu tổ chức các buổi học “thống nhất tư tưởng” chống lại Pháp Luân Công.

Chính vì thế, tư tưởng chống Pháp Luân Công liên tục được củng cố trong công chúng thông qua trường học, công sở, truyền thông, giáo dục và các hoạt động văn hóa.

Thậm chí với trung gian là Phòng 610, nghiên cứu còn cho biết, các tòa án, bệnh viện và tổ chức dân sự đã trở thành một phần trong chuỗi thu hoạch nội tạng từ nhóm Pháp Luân Công. “Sau hơn một thập kỷ hoạt động, việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức – một việc làm tà ác – lại được bình thường hóa và có tổ chức, trở thành một chính sách y tế”.

Một cuộc diệt chủng "lạnh" đang diễn ra tại Trung Quốc
Bức tranh vẽ về việc những người tập Pháp Luân Công phơi bày cuộc đàn áp tại nơi công cộng ở nước ngoài. Đây là một hoạt động thường thấy của nhóm người này.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân cuối cùng và sâu xa nhất dẫn tới sự bình thường hóa này đến từ một triết học của Đảng Cộng sản Trung Quốc: triết học đấu tranh. Dưới triết lý này, bạo lực là đúng và vinh quang khi sử dụng chống lại những người bị quy là kẻ thù. Kể từ Mao Trạch Đông, ĐCSTQ đã sử dụng triết lý “đấu với trời, đấu với đất, đấu với người – ở đó có niềm vui vô tận”. Sự bình thường hóa “đấu tranh” này trong chuỗi các cuộc vận động của ĐCSTQ đã khiến người dân cảm thấy bạo lực là một điều hợp lý và bình thường.

Các dẫn chứng trong bài viết và các trích dẫn mời độc giả quan tâm tìm đọc trong nghiên cứu tại đây.

Nhật Nam

Bài viết có liên quan: Hai ngành công nghiệp “giết mổ” người của Trung Quốc

Bình Luận